Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Thăm lại ngôi trường Bác Hồ từng theo học ở Huế

Thứ Tư 18/05/2022 | 15:33 GMT+7

VHO- Trường Quốc Học Huế, nơi thanh niên Nguyễn Tất Thành đã có những năm tháng miệt mài học tập và tham gia hoạt động phong trào yêu nước đầu thế kỷ 20. Và cùng từ đó, đặt “nền móng” để Người quyết định ra đi tìm đường cứu nước vào năm 1911…

Trường Quốc Học sau này cũng đã trở thành “cái nôi” đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Thầy và trò của ngôi trường này luôn lưu giữ truyền thống và nhiệt huyết của vị lãnh tụ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và của những anh hùng cách mạng của dân tộc.

Bức tượng người học sinh ưu tú Nguyễn Tất Thành được đặt trang trọng ở trung tâm khuôn viên Trường THPT chuyên Quốc Học Huế

Nhà lưu niệm Bác Hồ và truyền thống Trường Quốc Học Huế là địa chỉ thường xuyên được du khách đến tham quan, tìm hiểu mỗi khi dừng chân ở di tích Trường THPT chuyên Quốc Học. Trong khuôn viên tầng 2 của khu nhà không gian trưng bày những hình ảnh, tư liệu giới thiệu về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn là chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đang theo học tại trường. Cạnh đó, là hình ảnh và tư liệu giới thiệu về các lãnh tụ, anh hùng cách mạng của đất nước đã từng theo học tại ngôi trường này như: Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…

Trường Quốc Học Huế được thành lập vào năm 1896, dưới thời vua Thành Thái; và là ngôi trường Pháp- Việt chính yếu của toàn xứ Đông Dương. Thanh niên Nguyễn Tất Thành là một trong những học sinh giỏi nhất của Trường Tiểu học Pháp- Việt Đông Ba, được thi vượt cấp vào học lớp đệ nhị niên trung học của Trường Quốc Học niên khóa 1908-1909. Cũng chính khoảng thời gian theo học ở đây, Nguyễn Tất Thành đã có điều kiện tiếp thu nền văn minh Phương Tây sâu sắc hơn, và cũng hiểu rõ hơn bản chất khai hóa mị dân của khẩu hiệu “Tự do- bình đẳng- bác ái” mà thực dân Pháp đang rao giảng.

Thanh niên Nguyễn Tất Thành cũng đã tham gia các phong trào của các tổ chức yêu nước và vận động các bạn học cùng lớp ủng hộ phong trào yêu nước. Đó là những hoạt động đánh dấu và khởi đầu cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Người, và để từ đó Người quyết định rời mái trường Quốc Học để vào miền Nam, ra đi tìm đường cứu nước.

Thầy và trò tại không gian lưu niệm Bác Hồ tại Trường THPT chuyên Quốc Học Huế

Thầy Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc Học Huế, khẳng định rằng, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành là người học trò ưu tú, kiệt xuất và là niềm tự hào của nhiều thế hệ thầy và trò trường Quốc Học. Nhiều năm qua, thầy và trò của trường đã luôn phấn đấu, thi đua, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (Chỉ thị 05); và tập thể nhà trường đã được Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy Thừa Thừa Thiên Huế trao tặng bằng khen giai đoạn 2015-2020.

“Chúng tôi đã truyền dạy cho các em học theo những phẩm chất của Bác qua những việc làm, hành động phù hợp với chính các em. Học tính tiết kiệm, tránh lãng phí thì dạy các em phải tắt điện khi rời khỏi lớp, đóng lại vòi nước khi không sử dụng. Học tính chính trực, liêm khiết thì không được gian lận trong thi cử. Học giỏi ngoại ngữ để rèn luyện mình, bởi ngày xưa Bác Hồ cũng đã tự học nhiều ngoại ngữ để ra nước ngoài…Và chúng tôi cũng định hướng cho các em rằng, phải có hoài bão, có ước mơ; vì nhờ hun đúc tình yêu nước và hoài bão cứu nước mà Bác đã ra đi tìm đường cứu nước”- thầy Nguyễn Phú Thọ cho biết.

Em Phạm Thái Bảo, học sinh lớp 12 chuyên Nhật, chia sẻ rằng bản thân tự hào khi trở thành học sinh của Trường THPT chuyên Quốc Học. Chính vì thế em luôn phấn đấu, cố gắng phát huy khả năng của mình trong học tập cũng như phát triển kỹ năng, rèn luyện tốt cho bản thân và mong sau này đóng góp được một phần nhỏ cho đất nước. Đó cũng là sự tri ân, học tập theo lời dạy của Bác Hồ và những vị anh hùng dân tộc đã từng theo học ở ngôi trường này.

Trường Quốc Học Huế là điểm đến tham quan của nhiều du khách trong và ngoài nước

Từ năm 1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất thì Trường THPT Quốc Học Huế trở thành ngôi trường XHCN, tiếp tục thu hút và đào tạo học sinh năng khiếu của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và khu vực miền Trung nói chung. Cũng từ đó đến nay, học sinh của trường đã giành được 22 huy chương tại các kỳ thi quốc tế; đặc biệt 5 môn được tổ chức thi Olympic quốc tế (gồm: Toán, Hóa học, Sinh học, Vật lý, Tin học) thì học sinh của nhà trường đều “sưu tập” được huy chương. Thành tích học sinh giỏi quốc gia ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng; thường xuyên có học sinh đội tuyển dự thi quốc tế…

Nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2022), nhà trường sẽ tổ chức hội trại “Thanh niên làm theo lời Bác”. Đây cũng là sự kiện nhân việc Trường THPT chuyên Quốc Học được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt (là một trong 4 di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt- PV). Theo thầy Nguyễn Phú Thọ, để phát huy giá trị di tích, trong đề án phát triển của trường, Sở GD&ĐT cùng nhà trường cũng xác định nội dung xây dựng Trường THPT chuyên Quốc Học thành điểm đến cho khách du lịch, và các học sinh chính là những hướng dẫn viên thân thiện. Qua đó, khắc sâu thêm truyền thống về Bác Hồ và Trường Quốc Học trong những thế hệ học sinh của nhà trường nói riêng và người dân Thừa Thiên Huế nói chung; đồng thời, lan tỏa những truyền thống tốt đẹp này đến với du khách trong nước và khắp nơi.

Tham quan không gian trưng bày hình ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và những anh hùng cách mạng từng học tại Quốc Học Huế

Bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin: trong năm 2021 vừa qua, Bảo tàng đã hoàn thành chỉnh lý Nhà trưng bày ở di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Dương Nổ (xã Phú Dương, TP.Huế); chỉnh lý công tác trưng bày ở Nhà lưu niệm Bác Hồ và truyền thống Trường Quốc Học Huế. Qua đó, nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu khách tham quan, học tập, giáo dục truyền thống cách mạng…; góp phần phát huy giá trị di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, có gần 20 di tích và cụm di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh; trong đó có 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt và 5 di tích cấp tỉnh. Hệ thống di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế đã được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt, gồm: Trường Quốc Học Huế; Nhà lưu niệm Bác Hồ ở đường Mai Thúc Loan, TP.Huế; Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nổ; và đình làng Dương Nổ (xã Phú Dương, TP.Huế).

Theo Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế, trung bình mỗi năm có khoảng 120.000 đến 125.000 lượt khách đến tham quan tại bảo tàng và các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh. Trong 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lượng khách tham quan giảm hơn 50%. Từ đầu năm 2022 đến nay, khách tham quan tăng mạnh trở lại, đã có hơn 75.000 lượt khách (các đoàn thể và khách tự do) đến bảo tàng và các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế.

“Chúng tôi đang triển khai đề án “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch”.  Trong tháng 6 tới, chúng tôi sẽ có đợt quảng bá di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế ở Bến cảng Nhà Rồng, TP.Hồ Chí Minh. Dự kiến, tháng 7 này, chúng tôi và Sở Du lịch sẽ xây dựng và kết nối tour tham quan ở các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với trải nghiệm các dịch vụ, tìm hiểu làng nghề truyền thống ở các địa phương”- bà Lê Thùy Chi cho biết.

Bài và ảnh: SƠN THÙY

 

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top