Tưng bừng lễ hội truyền thống thi thả diều làng Bá Dương Nội

Bài, ảnh: THƠM NGUYỄN

VHO - Chiều ngày 23.4, mặc dù thời tiết có phần oi bức nhưng người dân quanh vùng và du khách thập phương vẫn háo hức chiêm ngưỡng những chiếc diều truyền thống tại lễ hội diều sáo độc đáo nhất làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội.

Lễ hội truyền thống thi thả diều làng Bá Dương Nội (huyện Đan Phượng, Hà Nội) gắn liền với truyền thuyết về ngôi miếu thờ thần Châu Thổ được xây dựng trước thế kỷ thứ X. Lễ hội tổ chức vào dịp rằm tháng 3 âm lịch hằng năm.

Tưng bừng lễ hội truyền thống thi thả diều làng Bá Dương Nội - ảnh 1
Cánh đồng làng Bá Dương Nội - nơi diễn ra lễ hội  truyền thống 

thi thả diều

Cách đây gần 2 tháng, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Hội diều làng Bá Dương Nội đã được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia theo quyết định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL.

Để đón nhận vinh dự này và quảng bá nét văn hóa đặc thù vùng châu thổ sông Hồng, năm 2024, Hội diều truyền thống làng Bá Dương Nội được tổ chức tưng bừng, sôi nổi, kéo dài từ ngày 18 – 23.4 với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc.

Tưng bừng lễ hội truyền thống thi thả diều làng Bá Dương Nội - ảnh 2
Trước khi hội thi diễn ra, các đội phải làm lễ trình diều tại sân miếu Châu Trần

Đúng 13 giờ chiều, các đội thi đã có mặt tại sân miếu Châu Trần để làm lễ trình diều. Năm nay hội diều có sự tham gia của 24 câu lạc bộ diều của 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Thái Bình và Bắc Giang. Trong đó, có 24 cánh diều của các chủ diều làng Bá Dương Nội.

Hầu hết người dân ở Bá Dương Nội đều biết làm diều và chơi diều từ rất nhỏ, đăng ký tham gia lễ hội thả diều hàng năm đều là những tay chơi diều “lão làng” từ khi còn rất trẻ.

Tưng bừng lễ hội truyền thống thi thả diều làng Bá Dương Nội - ảnh 3

Nhiều khi lực kéo của dây có thể mạnh tới mức làm rách găng tay gây đứt tay, chảy máu cho thí sinh

Để hội thi công bằng, minh bạch, tránh các đội thi gian lận thay sáo nhẹ hơn, khiến diều bay cao hơn so với những con diều khác, Ban tổ chức kiểm tra và dán số niêm yết trên cánh diều trước khi nhập cuộc.

Khoảng 14h30, sau khi làm lễ xong, các chủ diều mang diều ra cánh đồng của làng để thả. Một trong những khó khăn là thời tiết nắng to các thí sinh rất khó để quan sát diều khi đạt một độ cao nhất định.

Tưng bừng lễ hội truyền thống thi thả diều làng Bá Dương Nội - ảnh 4
Tiêu chí của diều phải có sải cánh tối thiểu 2,2m

Theo quy chế chấm giải hội thi thả diều, ông Nguyễn Đình Tuyến - Trưởng đội trọng tài cho biết có 4 tiêu chí: Diều phải có sải cánh tối thiểu 2,2 m, không hạn chế tối đa. Diều mang từ 3 sáo trở lên nhưng sáo bé nhất phải có đường kính từ 2.5cm trở lên. Sáo càng to và diều mang nhiều sáo, tiếng sáo trong và vang xa hơn thì được điểm cộng. Cuối cùng là độ đứng của diều, khi diều lên cao phải đứng yên.

Được mong đợi từ lâu, người dân trong vùng “đội nắng” để đến xem. Đặc biệt các cụ cao niên trong làng đã có mặt từ rất sớm cổ vũ cho các chủ diều dự thi. Ngay sau tín hiệu khai cuộc của Ban tổ chức, hàng chục chiếc diều cùng lúc bắt đầu “cất cánh” trong tiếng cổ vũ của khán giả.

Tưng bừng lễ hội truyền thống thi thả diều làng Bá Dương Nội - ảnh 5
Các cụ cao niên cũng có mặt để cổ vũ cho hội thi

Một đội thi thường gồm 3 người, người thi chính sẽ cầm dây diều để điều khiển, còn lại 2 người giữ cuộn dây và hỗ trợ lúc vừa thả. Những con diều no gió có thể đạt độ cao hàng nghìn mét. Thậm chí diều còn bay khuất trong mây mắt thường không thể quan sát. Vì thế Ban Tổ chức đã trang bị ống nhòm có tầm nhìn 3 km để quan sát tốt hơn.

Khi diều đã lên đủ cao, lực kéo của dây rất mạnh. Theo kinh nghiệm, các thí sinh phải sử dụng găng tay để tránh chấn thương ngoài ý muốn. Tuy vậy, nhiều khi lực kéo của dây có thể mạnh tới mức làm rách găng tay gây đứt tay, chảy máu. Những tay chơi diều lâu năm dường như đã quá quen với những sự cố như vậy.

Tưng bừng lễ hội truyền thống thi thả diều làng Bá Dương Nội - ảnh 6
Ban Tổ chức dán mã số cho từng con diều

Để điều khiển con diều bay cao và không bị chao liệng, đòi hỏi sự tập trung và kỹ thuật điêu luyện của người chơi. Anh Nguyễn Hải Anh (CLB diều An Khánh - Hoài Đức) cho biết: “Trước 1 tháng diễn ra hội diều, chúng tôi đã dồn toàn bộ tâm huyết để hoàn thành con diều dự thi. Trên tinh thần vui lễ hội, chúng tôi tham gia với sự giao lưu góp vui, bên cạnh đó cũng rất kỳ vọng sẽ đạt được thành tích cao”.

Điều kiện tiên quyết để có thể nhận giải nếu thắng cuộc của các chủ diều là phải thu diều và đưa diều quay về sân miếu. Lúc này Ban giám khảo sẽ kiểm tra xem diều có còn nguyên sáo, nguyên mã số của Ban tổ chức. Thí sinh nào thiếu 1 trong 3 điều kiện trên thì coi như bị loại. Chính vì vậy, phần thu diều còn gay cấn hơn cả phần cho diều cất cánh.

Tưng bừng lễ hội truyền thống thi thả diều làng Bá Dương Nội - ảnh 7

Anh Nguyễn Hải Anh (CLB diều An Khánh - Hoài Đức) 

Đúng 16h, tiếng trống kết thúc hội thi vang lên, các chủ diều mang diều về lại miếu thờ thần linh Châu thổ để ban giám khảo công bố giải thưởng hội thi. Giải nhất năm nay thuộc về con diều số 37 của chủ nhân Phạm Văn Tuyến (cụm dân cư số 5)

Lễ hội diều độc đáo không chỉ thu hút người dân quanh vùng, mà còn thu hút không ít người chơi diều từ các địa phương khác cũng như các đoàn khách du lịch nước ngoài tới chiêm ngưỡng.

Tưng bừng lễ hội truyền thống thi thả diều làng Bá Dương Nội - ảnh 8

Giải Nhất năm nay thuộc về con diều số 37 của chủ nhân Phạm Văn Tuyến (làng Bá Dương Nội)

Lễ hội thi thả diều truyền thống làng Bá Dương Nội năm 2024 đã đem đến cho người dân và du khách những trải nghiệm độc đáo và thú vị. Những cánh diều bay cao trên bầu trời trong xanh, thả tiếng sáo vi vu trầm bổng như ước mong một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt; đem lại niềm vui tốt lành cho đời sống tinh thần của người dân.

Tưng bừng lễ hội truyền thống thi thả diều làng Bá Dương Nội - ảnh 9
Lễ hội thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham dự

 

 

Ý kiến bạn đọc