Công tác giáo dục về đạo đức, nhân cách cho các HLV, VĐV: Trước tiên hãy là một công dân tốt

VHO - Những ồn ào tại đội tuyển Thể dục dụng cụ nữ thời gian qua lại một lần nữa cho thấy yêu cầu cấp thiết cần phải tăng cường công tác giáo dục về đạo đức, nhân cách, chính trị, tư tưởng cho các huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV), nhất là khi thể thao Việt Nam đang chuẩn bị cho hàng loạt đấu trường lớn.

Công tác giáo dục về đạo đức, nhân cách cho các HLV, VĐV: Trước tiên hãy là một công dân tốt - Anh 1

Buổi sinh hoạt chuyên đề thu hút sự tham gia của đông đảo VĐV

Trách nhiệm với Tổ quốc

Có mặt tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (HLTTQG) Hà Nội trong một ngày mưa rét, chúng tôi đã được tham dự buổi sinh hoạt chuyên đề giáo dục về đạo đức, nhân cách trong tập luyện và thi đấu cho các HLV, VĐV và phổ biến các phương pháp bảo vệ VĐV. Tham gia lớp học là 600 VĐV, HLV của 27 đội tuyển và đội tuyển trẻ đang tập huấn tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội. Trong số đó có những gương mặt đã thành danh của thể thao Việt Nam, từng làm nên nhiều chiến công hiển hách. Tất cả đều chăm chú lắng nghe những khái niệm tưởng như khô khan về đạo đức, về nhân cách, về trách nhiệm của mỗi HLV, VĐV khi khoác lên mình màu cờ, sắc áo của Tổ quốc. Qua các bài học và các ví dụ sinh động của giảng viên, các HLV, VĐV có thêm nhiều kiến thức để từ đó sẽ có cách ứng xử chuẩn mực hơn trong tập luyện, sinh hoạt cũng như thi đấu.

Cô gái “vàng” của làng chạy Việt Nam Quách Thị Lan chia sẻ: “Với tôi, buổi học thật ý nghĩa bởi tôi được hiểu thêm các vấn đề về đạo đức, đạo lý, nhân cách cũng như trách nhiệm của mình với đồng đội, thầy cô, gia đình và mọi người xung quanh và cao hơn nữa là Tổ quốc. Qua buổi học, tôi hiểu rõ thêm nhiều điều để điều chỉnh hành vi của mình trong ứng xử, trong tập luyện và thi đấu. Qua những bài học thực tế tôi cũng sẽ hiểu hơn để thấm sâu thêm rằng với gia đình thì cần báo hiếu bố mẹ, với thầy cô thì phải biết ơn, tri ân, với xã hội thì cần phải giúp đỡ những người xung quanh và luôn phải đặt màu cờ, sắc áo của Tổ quốc lên hàng đầu”.

Một gương mặt rất nổi trội của Bắn súng là xạ thủ Trịnh Thu Vinh. Cô gái có gương mặt xinh xắn này cũng đang chăm chú nghe giảng. Vinh chia sẻ: “Những buổi sinh hoạt chuyên đề như thế này sẽ giúp tôi có thêm nhiều kiến thức, sự hiểu biết về cuộc sống và trang bị cho tôi thêm nhiều kỹ năng sống, nhất là cách đối nhân xử thế, kể cả với gia đình, thầy cô và mọi người xung quanh. Từ giờ tôi cũng sẽ chú ý hơn trong các hành động của mình để xem có ảnh hưởng đến mọi người không và bản thân tôi cũng biết được rằng mình cần phải yêu thương, có trách nhiệm với gia đình, với đội tuyển nhiều hơn. Sau mỗi buổi sinh hoạt chuyên đề như thế này tôi sẽ ý thức hơn về trách nhiệm của mình với màu áo của đội tuyển và sẽ tập luyện, thi đấu hết mình để đạt được nhiều thành tích hơn nữa cho Tổ quốc”.

Công tác giáo dục về đạo đức, nhân cách cho các HLV, VĐV: Trước tiên hãy là một công dân tốt - Anh 2

 Thu Vinh (trái) và Quách Thị Lan (phải) tại buổi sinh hoạt chuyên đề

Gian khổ biết dành phần ai?

Lấy câu hát: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?”, Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra nhiều ví dụ cụ thể, sinh động để giảng giải cho các VĐV hiểu được rằng mình cần phải có sự chia sẻ, yêu thương, thậm chí là cả sự hy sinh với mọi người xung quanh, với gia đình và xã hội.

Công tác giáo dục về đạo đức, nhân cách cho các HLV, VĐV: Trước tiên hãy là một công dân tốt - Anh 3

“Những ca từ đó các em hãy nghe thật chậm, thật kỹ để từ đó đặt câu hỏi: Mình đã sống vì mọi người, vì gia đình, vì đội tuyển, vì bạn bè và vì xã hội chưa? Dường như đôi khi chúng ta còn vô cảm để không thấy được những sự hy sinh, mất mát của người khác. Dân tộc ta từng chiến thắng bao kẻ thù xâm lược, cũng chính là nhờ những sự hy sinh đó. Có những chiến sĩ sẵn sàng hy sinh sự sống của mình cho đồng đội vì đồng đội còn mẹ già, còn con dại. Khi xưa, cha ông ta hy sinh xương máu để Tổ quốc có được hoà bình, độc lập, tự do như ngày hôm nay, để mỗi HLV, VĐV được vinh dự khoác lên mình màu cờ, sắc áo của Tổ quốc thi đấu tại các đấu trường quốc tế. Từ đó chúng ta cũng cần phải ý thức được rằng trong mỗi thành tích, mỗi tấm huy chương của ngày hôm nay là sự hy sinh của bao thế hệ đi trước, là mồ hôi nước mắt của các HLV, VĐV, là sự cố gắng của các cấp, ngành, các cán bộ, người lao động tại Trung tâm đang hằng ngày phục vụ cho các VĐV. Từ đó các em phải thể hiện lòng biết ơn, để biết tri ân với sự đầu tư của Nhà nước, với mỗi người thầy, HLV, những người từng giúp, đồng hành cùng các em trong những thời khắc tập luyện đầy gian khó”, Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ với các VĐV tại buổi sinh hoạt chuyên đề.

Điều mà ông Nguyễn Mạnh Hùng nhắn nhủ cũng chính là điều mà người hâm mộ muốn nhắn gửi đến các HLV, VĐV bởi họ là những người đại diện cho hình ảnh của quốc gia khi thi đấu tại các đấu trường quốc tế. Các VĐV trước khi là một VĐV giỏi hãy là một công dân tốt, có ích cho gia đình, cho xã hội, cho Tổ quốc và việc họ được tăng cường công tác giáo dục về đạo đức, về tư tưởng chính là dịp để mỗi người tự nhìn lại mình và trả lời cho câu hỏi: Mình đã làm gì cho màu cờ, sắc áo mà họ đang hằng ngày, hằng giờ khoác lên? Để từ đó có những chuẩn mực trong hành vi ứng xử, trong lối sống và quan hệ với mọi người xung quanh. 

THU SÂM

Ý kiến bạn đọc