Tiếc xuân cầm đuốc mảng chơi đêm

VHO - Thời trước năm 1975 ở vùng đô thị miền Nam, trong sách giáo khoa tiếng Anh English for Today dạy ở trường phổ thông có nhiều bài thú vị không chỉ về ngôn ngữ mà còn về kiến thức. Nhân một số người nói đến “kinh tế du lịch về đêm”, tôi nhớ đến các bài đọc về cuộc sống ở thị xã nhỏ (small town) và thành phố lớn (big city). Các nhà soạn sách không làm phép so sánh ở hai bài đọc khác nhau, nhưng có thể thấy bên dưới bài đọc về thành phố lớn kết thúc bằng câu: Thành phố lớn không bao giờ ngủ (never sleep).

Có nghĩa thành phố lớn liên tục chong đèn, liên tục vận động xuyên ngày đêm, khác với thị xã nhỏ. Tất nhiên thế không có nghĩa là mọi người ở thành phố lớn đều không ngủ.

Đến một thành phố du lịch nổi tiếng ở nước ta, có lần tôi muốn dạo về đêm, nhưng thật ngạc nhiên, mới tầm 10 giờ đã thấy phố vắng, và chỉ lát sau mọi nơi đều im ắng. Chúng tôi đang ngồi nhâm nhi bên bờ sông thơ mộng thì chủ quán nhắc phải kết thúc để đóng cửa. Vì sao vậy? Vì thực trạng là nhu cầu đi chơi đêm chắc hẳn không nhiều. Từ đó, tôi phỏng đoán, thành phố “không bao giờ ngủ” chắc chắn phải có nhiều hoạt động khác nữa, chứ không chỉ riêng về du lịch. Người làm công nghiệp, người chuyên chở buôn bán, người làm các thứ dịch vụ, và tất cả các hoạt động muôn màu của xã hội ấy phải rất đa dạng phong phú, tương hỗ nhau cùng phát triển. Người nọ ngủ thì người kia thức hoạt động, chứ không có nghĩa một người cứ thức từ tối đến sáng. Nhịp sống “ngày làm đêm nghỉ” nếu đã là nếp chung của toàn xã hội, thì không ai có thể dựng họ dậy để mà đi chơi đêm!

Mặt khác, cũng cần nhớ tinh thần đi chơi đêm đã có từ thuở xa xưa. Người xưa không đi du lịch, mà đi chơi đêm vì “tích xuân” (tiếc xuân), như ở Nguyễn Trãi:

Tiếc xuân cầm đuốc mảng [mải] chơi đêm

Những lệ [sợ] xuân qua tuổi tác thêm

Chỉ thấy ngoài hiên tơ liễu rủ

Một phen liễu rủ một phen mềm

Xuân ở đây có thể là mùa xuân, cũng có thể hiểu mùa xuân của một đời người. Khi người ta không còn trẻ nữa (tuổi tác thêm) thì có muốn đi chơi cũng khó. Ban đêm trời tối, không đơn giản là bậc công tắc điện, người xưa phải đốt đuốc cầm tay mà đi. Cái tinh thần không ngủ ấy liệu người ngày nay có sánh được, có kế tục? Tất nhiên không phải đêm nào người ta cũng thức, và khi đã thức đêm thì hôm sau phải ngủ bù, dù là nhà thiên tài như Nguyễn Trãi.

Lại nói chuyện ngày nay, ý tưởng làm kinh tế du lịch về đêm là không tồi, nhưng thiển ý của tôi là nó có tính khách quan và những điều kiện riêng của nó. Khách quan là toàn hoạt động kinh tế xã hội phải đạt đến một mức cao, tất yếu phải có nhiều người hoạt động về đêm, xuất hiện nhu cầu dịch vụ về đêm. Nhiều người hoạt động về đêm thì các nhà hàng, cửa hiệu phục vụ ăn uống, vui chơi mới có thể sáng đèn. Điều kiện là phải có những chỗ sắp sẵn để người ta sinh hoạt về đêm, thích hợp cho sinh hoạt về đêm. Chẳng hạn một đường phố không thể chỉ một vài nhà hàng thức mà các nhà hàng chung quanh đều ngủ, vì người ngủ cũng không ngủ được, mà người thức cũng chẳng mấy vui. Nếu chỉ tập trung ở một chỗ thì cũng lại bất tiện cho người chơi xa. Và điều quan trọng là người ta có dám thức đêm. Một thành phố lớn “không bao giờ ngủ” thì cũng có người ngủ người thức, người ngủ bao giờ cũng chiếm phần đông, vậy làm cách sao để những người ngủ phải thức dậy “Tiếc xuân cầm đuốc mảng chơi đêm”? Đó là tạo dựng những cái gì đó hấp dẫn riêng có về đêm mà ban ngày người ta không có được. 

CAO CHƯ

Ý kiến bạn đọc