Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

“Người trong cuộc” bật mí về trại sáng tác

Thứ Hai 08/04/2019 | 10:00 GMT+7

VHO- Lập nên và duy trì hoạt động của hệ thống nhà sáng tác về văn học nghệ thuật (VHNT) là sự quan tâm đúng đắn của Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ (VNS) sáng tạo tác phẩm góp phần vào sự phát triển của VHNT nước nhà; và thực tế cũng có không ít tác phẩm VHNT có giá trị được thai nghén và “sinh nở” tại đây.

 Đội ngũ nhân viên phục vụ tại các nhà sáng tác qua nhiều năm tiếp xúc với VNS đã trở thành những người thân thật sự từ sự hiểu biết công việc sáng tạo của đối tượng phục vụ và sự tận tình chăm sóc “khách” một cách vô điều kiện đã góp công không nhỏ trong các tác phẩm mà họ tất nhiên không bao giờ có tên.

 Một lễ phát động sáng tác kịch bản của Hội Sân khấu Hà Nội Ảnh mang tính minh họa

1. Đối với nhiều VNS, nhà sáng tác là một cứu cánh khi ý định sáng tạo vừa lóe lên rất dễ bị băm nát bởi những bận rộn thường nhật. Đến nhà sáng tác, họ bứt ra khỏi công việc ở cơ quan, kể cả việc đón con, tiếp khách (do rời khỏi địa bàn cư trú) để tập trung sáng tạo. Chưa kể sự gặp gỡ giao lưu giữa bạn nghề cũng có thể kích thích hứng thú trong việc hoàn thiện và nâng cao tác phẩm.

Thế nhưng, là một người “trong cuộc”, chúng tôi nhận thấy nhiều trại sáng tác hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập. Thường các trại sáng tác được bao cấp ăn, ở với thời gian 15 ngày và số lượng người tham gia 15 người. Các đơn vị tổ chức trại sáng tác lo tiền đi lại, tiêu vặt và một khoản đầu tư tác phẩm , tất nhiên từ kinh phí nhà nước. Bất cập ở đây là từ ý nghĩa cao đẹp tạo điều kiện sáng tác để có những tác phẩm thiết thực với con số người/ ngày dự trại cùng với khoản đầu tư nhiều khi trở thành sự ban phát mà không đạt được mục đích mong muốn.

Đơn cử, ở một hội nọ mỗi năm tổ chức hai trại sáng tác (có năm nhiều hơn) với 15 tác giả/trại và nếu nhìn lại 5-10 năm qua 30 tác phẩm /năm X 5-10 năm X chi phí ăn ở đi lại, đầu tư có được bao nhiêu tác phẩm được sử dụng đến với công chúng? Hình như một năm 2 trại, mỗi trại 15 người thành “tiêu chuẩn” để rồi hội tìm người dự trại chứ không phải tìm tác phẩm đến trại để có điều kiện viết thành tác phẩm có giá trị. Nhà văn Hà Đình Cẩn từng kêu, “cho một trại 15 người nhưng chỉ có 5-7 tác phẩm sạch nước cản thì chỉ cần mời 5- 7 tác giả, sao cứ phải đủ 15 nhỉ”.

Quan niệm “khỏi phí tiêu chuẩn” nên sự ban phát xuất hiện. Có bản thảo chưa mang tính đặc trưng thể loại cũng tham dự trại sáng tác và hình như lợi ích trong chuyện này chỉ là tác giả giải quyết khâu oai được đi trại Trung ương và người ban phát được người khác biết ơn. Ý kiến của nhà văn Hà Đình Cẩn nêu ra được người có trách nhiệm cười xòa, tặc lưỡi đầy ẩn ý.

2. Chính vì trại sáng tác vốn là nơi để sáng tác bị biến thành sự ban phát đã vô tình chuyển đổi mục đích thành lớp tập huấn hay “xưởng” lắp ráp tác phẩm với những buổi gọi là “góp ý” đầy hình thức. 15 người dự trại mất một nửa thời gian đọc và nghe đọc lần lượt. Vì thế để cho nhanh, nhà văn Bích Ngân phải đề nghị, “5 ngày đầu, trại tập trung 3 ca sáng, chiều, tối để nghe-đọc”. Thiết nghĩ đến trại sáng tác để thoát họp hành, chuyện sự vụ mà viết nào ngờ lại phải “họp”, phát biểu, đánh giá mà lẽ ra chuyện này dành cho các cơ quan có trách nhiệm thẩm định tác phẩm.

Gọi chuyện “góp ý” tưởng là dân chủ nhưng quả là hình thức. Sáng tác dựa vào hiểu biết, thực tế, tạng, ý đồ sáng tạo của cá nhân chứ đâu phải một quyết định nào đấy như bàn kế hoạch của cơ quan, đóng góp xây dựng một công trình chung mà cần ý kiến tập thể? Trân trọng những ý kiến góp ý nhưng trong sáng tác dễ thành con công muốn con voi có cái đuôi xòe như chiếc quạt cho duyên dáng, còn con voi muốn con công có thêm cái vòi như cái tay để phát huy tác dụng. Ý kiến tập thể va phải sáng tạo cá nhân dễ gây mâu thuẫn vì không gặp nhau hoặc khen xã giao cho xong kẻo trái quy ước bất thành văn, “đi trại là phải thực hiện quy định của trại (tức là phải họp)”. Phản ứng của “trại viên” phần vì sợ lần sau không được dự trại, phần vì nể lãnh đạo dù không muốn mất thì giờ vô bổ cũng phải ráng chịu đựng. Tất nhiên, góp ý là cần nhưng phải là sự tự nguyện của những người bạn nghề hiểu nhau và hiểu tác phẩm. Sao không thể trong ngày đầu thay vì “họp”, các tác giả gặp nhau tự giới thiệu kịch bản của mình và ai quan tâm , tâm đắc thì thành nhóm nhỏ nghe và trao đổi với nhau nhỉ?

3. Không phải vô lý khi dư luận và báo chí từng phàn nàn, trại sáng tác không khác trại an dưỡng là mấy. Xin khẳng định lại lần nữa: Nhà sáng tác là sự quan tâm của Nhà nước rất đáng quý và rất cần nhưng các đơn vị tổ chức trại sáng tác nên chăng thực hiện đúng mục đích. Mọi chuyện ban phát làm sai mục đích thiết nghĩ cần chấn chỉnh bởi kinh phí bỏ ra phải được sử dụng thiết thực và hiệu quả. 

Nhà viết kịch LÊ QUÝ HIỀN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top