Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Bốn chục năm khắc thơ “Hàn”... bằng lửa

Thứ Tư 31/07/2019 | 11:06 GMT+7

VHO- Nhiều người gọi ông là “lão gàn” vì tuổi đã ngoại ngũ tuần vẫn không chịu lập gia đình, đã thế lại lên núi ngày đêm tha thẩn với thơ Hàn Mặc Tử. Nhưng họ đâu hiểu rằng, “lão gàn” ấy hi sinh cả tuổi thanh xuân và đang ngày đêm cần mẫn làm một việc là lưu trữ, truyền bá thơ Hàn Mặc Tử cho thế hệ mai sau.

Nghệ sĩ Dzũ Kha viết thơ Hàn trên phiến gỗ

“Lão khùng” ấy là Trương Dzũ Kha, người nghệ sĩ truyền khắc thơ Hàn quên cả thân mình trên đồi Thi nhân ở TP Quy Nhơn (Bình Định).

1. Giữa không gian tĩnh lặng đầy cảm xúc, ông ngồi lặng lẽ, tay cầm bút lửa, mắt đăm chiêu vẽ lên phiến gỗ. Mỗi lần vẽ xong dòng chữ cho khách, ông lại ngẩng đầu nhìn xa xăm ra khu mộ Hàn Mặc Tử. Ông bảo: “Tôi ở đồi Ghềnh Ráng gần 40 năm rồi. Nhiều người gọi tôi là phiên bản của nhà thơ. Ai đến thăm mộ Hàn đều đến đây để chụp ảnh lưu niệm, hoặc thả hồn mình với những vần thơ mà làm say đắm lòng họ thời tuổi trẻ”.

Với những nghệ sĩ tài hoa, đường đời, đường tình của họ bao giờ cũng có những uẩn khúc, truân chuyên và chôn chặt trong lòng chứ hiếm khi nào thổ lộ. Nhưng với Trương Dzũ Kha lại khác. Anh sẵn sàng nói về cuộc đời phiêu lãng của mình với tất cả niềm tự hào của một nghệ sĩ. Bởi anh không chỉ là người đầu tiên lưu giữ những dị bản thơ Hàn và tái bản nó thành 42 ngàn cuốn thơ phát hành đi khắp thế giới bằng tiếng Anh, tiếng Việt; mà còn là người đầu tiên khắc thơ Hàn bằng bút lửa lên phiến gỗ và giấy bản ở Việt Nam.

Dzũ Kha kể, năm 1981, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, trong khi bạn bè tìm việc làm trong cơ quan nhà nước, hoặc chí ít cũng tìm một đơn vị mỹ thuật tổ chức sự kiện nào đó để “tỏa sáng” tài năng, thì anh lại cưỡi ngựa rong ruổi lên cao nguyên cho thỏa lòng phiêu lãng. Mảnh đất Quy Hòa tỉnh Bình Định ngày ấy còn hoang sơ khô cằn, một bên là biển, một bên là rừng lau sậy, song đó chính là nơi dừng chân của chàng nghệ sĩ trẻ. “Lúc đó cuộc sống khó khăn lắm, cơm không có ăn, nhiều người nói tôi khùng. Khi đọc được những dòng thơ của Hàn Mặc Tử từ một cuốn sách, không hiểu sao chân tôi không muốn rời nửa bước. Tôi cảm thấy đời mình gắn chặt với Hàn Mặc Tử. Vậy là tôi quyết tâm dựng lều trên đồi Ghềnh Ráng mưu sinh”, nghệ sĩ Dzũ Kha chia sẻ.

Khi tôi hỏi, anh có vợ không, Dzũ Kha ngẩng đầu nhìn tôi rồi lại nhìn về phía mộ Hàn Mặc Tử. Anh nói: “Tôi không có vợ. Đời tôi cống hiến hết cho sưu tầm thơ Hàn. Tôi gắn đời mình với mộ Hàn và ở đây trọn đời. Đời tôi chẳng tiếc tiếc gì danh vọng”.

Quán thơ của nghệ sĩ Dzũ Kha lúc nào cũng có khách đến thăm

2. Dzũ Kha không nhớ một ngày anh viết bao nhiêu bài thơ bằng bút lửa trên phiến gỗ cho khách du lịch, song mỗi lần ngòi bút lửa uốn lượn trên phiến gỗ lòng anh lại chùng xuống, xúc động. Có những bài thơ về mẹ đọc lên muốn khóc. Có những câu châm ngôn của anh trở thành động lực của lớp trẻ sau những sai lầm như “Con đường thành đạt không có bước chân của kẻ lười biếng”. Có những bài thơ Hàn đọc lên ứa nước mắt và xao xuyến lòng người, nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn thời thơ ấu được Dzũ Kha mỗi lần viết là mỗi lần chạm vào trái tim mình: “Sao anh không về nơi Thôn Vỹ/ Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên” (Đây thôn Vỹ Dạ - Hàn Mặc Tử). Có những câu châm ngôn ông viết chiêm nghiệm từ chính cuộc đời ông: Bản lĩnh tài năng lên sự nghiệp/ nhân hòa đức độ tạo thành công. Ẩn giấu dưới ngòi bút lửa ấy là tất cả tấm lòng của người nghệ sĩ, mà cao cả, nhân văn hơn là sự truyền lửa nhân sinh sống cho lớp trẻ ngày nay.

Mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách du lịch khách du lịch đến đồi Ghềnh Ráng thăm mộ Hàn Mạc Tử, và cũng ngần ấy người đến thăm quán thơ của Dzũ Kha. Họ đến để chụp ảnh lưu niệm và không quên xem ông “tự tình” bằng bút lửa. Để rồi khi rời quán thơ, có người ghi trong lòng mình nỗi buồn man mác nhớ lại một thời phiêu lãng; có thiếu nữ xúc động rơi nước mắt; có thanh niên dằn vặt lương tâm về những sai lầm trong quá khứ. Có thanh niên quyết định bỏ ra nửa triệu đồng mua tranh có câu châm ngôn “Con đường thành đạt không có bước chân của kẻ lười biếng”.

Đến quán thơ của Dzũ Kha, dù là người trong nước hay người ngoại quốc, sau khi trực tiếp xem Dzũ Kha “tự tình” trên phiến gỗ, ai cũng cảm nhận được mỗi câu châm ngôn, bài thơ của Hàn Mặc Tử được anh dùng bút lửa vẽ ra giấy hay gỗ đều như có lửa từ trái tim đầy khát vọng về cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc con người. Điều làm khách mến mộ hơn không chỉ về tài năng của Dzũ Kha viết thơ bằng bút lửa trên gỗ và giấy bản, mà cảm phục ông gần 40 năm qua đã đi khắp mọi miền Tổ quốc tìm kiếm, lưu trữ và truyền lửa thơ Hàn. Để rồi, chính địa danh Ghềnh Ráng này gần 40 năm trước là đồi núi hoang sơ, nay là địa danh du lịch nổi tiếng với khuôn viên mộ Hàn Mặc Tử.

Gần 40 năm là một quãng thời gian khá dài đánh dấu sự trưởng thành của một đời người. Bạn bè của Dzũ Kha ai cũng có cháu nội, ngoại đề huề, có người quyền cao chức trọng; có người thành đạt trong con đường kinh doanh có tiền triệu đô. Còn ông vẫn lặng lẽ âm thầm đi tìm tòi lưu trữ truyền bá thơ Hàn. 

 TRẦN MẠNH TUẤN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top