Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa: Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu quốc gia

Thứ Tư 21/08/2019 | 11:33 GMT+7

VHO- Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng vừa có buổi làm việc với Cục Bản quyền tác giả và các đơn vị liên quan về việc triển khai Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

 Điện ảnh là lĩnh vực tiên phong trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở VN Ảnh minh họa

Khẳng định tầm quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa trong sự phát triển của đất nước, Thứ trưởng cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là đẩy mạnh xây dựng thương hiệu quốc gia trên từng lĩnh vực.

Khai thác tiềm năng các ngành công nghiệp văn hóa

Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) báo cáo kết quả triển khai thực hiện Quyết định số 3605/QĐ- BVHTTDL ngày 27.9.2018 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành Kế hoạch của ngành thực hiện Quyết định số 1755 của Thủ tướng, cho biết theo Quyết định số 3605 của Bộ trưởng, Cục Bản quyền tác giả cùng 6 đơn vị: Tổng cục Du lịch; Cục Điện ảnh; Cục Nghệ thuật biểu diễn; Cục Mỹ Thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Cục Văn hóa cơ sở; Vụ Đào tạo được giao triển khai 6 nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. “Trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ như xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; đào tạo nguồn nhân lực; quảng bá thương hiệu quốc gia; xây dựng kế hoạch truyền thông; đề án xây dựng thương hiệu quốc gia; nghiên cứu, khảo sát học tập kinh nghiệm tại các nước, các lĩnh vực đã đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước khai thác lợi thế, tiềm năng của các ngành công nghiệp văn hóa, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia…”, theo ông Bùi Nguyên Hùng.

Những bước phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian qua cũng đã tác động mạnh mẽ vào nhận thức xã hội, vốn trước đây vẫn cho rằng văn hóa chỉ là ngành tiêu tiền. Theo các chuyên gia, doanh thu từng bước nâng cao từ điện ảnh, du lịch, quảng cáo, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đã góp phần quan trọng trong thực hiện quan điểm xương sống tại Nghị quyết số 33: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Trong số các lĩnh vực công nghiệp văn hóa mà ngành đang đẩy mạnh triển khai, công nghiệp điện ảnh là được xác định là khoảnh đất màu mỡ, giàu tiềm năng. Đây cũng là lĩnh vực được Bộ VHTTDL lựa chọn làm trước, từ đó rút kinh nghiệm cho các ngành khác thực hiện. Theo ông Bùi Nguyên Hùng, Cục Bản quyền tác giả đã chủ trì phối hợp với Cục Điện ảnh và Tổng cục Thống kê thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu về ngành công nghiệp điện ảnh theo các đầu mục: loại hình doanh nghiệp, ngành kinh tế; số lao động việc làm; nguồn vốn hoạt động sản xuất, kinh doanh; doanh thu khu vực doanh nghiệp điện ảnh; thuế và các khoản đóng góp cho ngân sách nhà nước của doanh nghiệp hoạt động ngành điện ảnh; kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh… “Bộ VHTTDL đã phối hợp các đơn vị liên quan triển khai hệ thống phân ngành kinh tế, gồm hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc. Tuy nhiên, các số liệu về hoạt động điện ảnh mới chỉ dừng ở số lượng các hãng phim, chưa thể hiện đầy đủ các số liệu để đánh giá hoạt động của ngành điện ảnh”, ông Hùng cho hay.

Theo con số được cung cấp từ Cục Điện ảnh, 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu ngành điện ảnh đạt khoảng 200 tỉ đồng; phát hành 15 phim truyện Việt Nam chiếu rạp, 80 phim truyền hình nước ngoài. Số đội chiếu phim lưu động là 264 đội, phục vụ 9.096.206 lượt người xem.

Ở các lĩnh vực du lịch văn hóa, điện ảnh, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo…, thế mạnh phát triển công nghiệp văn hóa đều đang từng bước phát huy. 6 tháng đầu năm 2019, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt 8.480.993 lượt, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018, phục vụ 45,5 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 338.200 tỉ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Cũng trong nửa đầu năm, lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đã cấp phép cho 59 cuộc triển lãm. Ở lĩnh vực quảng cáo, tiếp tục triển khai thực hiện thống kê dữ liệu ngành quảng cáo theo Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL. Đến nay, đã có 54/63 tỉnh, thành ban hành quy hoạch quảng cáo và triển khai thực hiện.

Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã triển khai xây dựng Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, trong đó quy định điều kiện đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. 6 tháng đầu năm, các đoàn nghệ thuật đã dàn dựng 108 chương trình, 71 vở diễn, 2.486 buổi biểu diễn (trong đó có 512 buổi biểu diễn phục vụ vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo); trên 888 triệu lượt người xem; số kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt trên 42 tỉ đồng.

Về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hóa, cuối tháng 5.2019, Bộ VHTTDL đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở đào tạo VHNT trực thuộc Bộ triển khai kế hoạch truyền thông nâng cao nhận thức về xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa năm 2019-2020.

Quảng bá thương hiệu quốc gia

Theo ông Bùi Nguyên Hùng, các ngành công nghiệp văn hóa thời gian qua đã tích cực thực hiện nhiệm vụ quảng bá thương hiệu quốc gia. Theo đó, điện ảnh Việt Nam tham gia nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế để quảng bá hình ảnh đất nước, con người và phim Việt Nam đến với bạn bè quốc tế như: tham gia Hội chợ Phim tại Hồng Kông, Tuần phim Việt Nam tại Ba Lan, chuẩn bị LHP Việt Nam XXI và các Tuần phim Việt Nam tại nước ngoài, Tuần phim nước ngoài tại Việt Nam. Bộ trưởng Bộ VHTTDL cũng đã ban hành Quyết định về việc xây dựng Đề án “Quảng bá thương hiệu quốc gia- lĩnh vực điện ảnh”.

Ở lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, Bộ trưởng đã phê duyệt nhiệm vụ xây dựng “Đề án thương hiệu quốc gia lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh- Thành phố Nhiếp ảnh Việt Nam” và “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam”. Các đơn vị cũng đã tích cực triển khai xây dựng đề án thương hiệu quốc gia cho từng lĩnh vực.

Trên cơ sở các kết quả đạt được, theo ông Bùi Nguyên Hùng, từ nay đến cuối năm 2019, các đơn vị được giao nhiệm vụ cần tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản mới nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả nhiệm vụ điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành công nghiệp văn hóa. Các đơn vị tiếp tục hoàn thiện đề án xây dựng thương hiệu quốc gia cho các ngành công nghiệp văn hóa, theo quy định tại Quyết định số 3605/QĐ-BVHTTDL, trình Bộ trưởng phê duyệt trong Quý IV năm 2019. Đặc biệt, ông Hùng nhấn mạnh một nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm tại một số quốc gia có ngành công nghiệp văn hóa phát triển.

Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng, công nghiệp văn hóa còn là lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam, cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Thứ trưởng cũng cho rằng việc tham khảo, học hỏi kinh nghiệm từ các nước cũng như các chuyên gia để vận dụng vào việc xây dựng, triển khai nhiệm vụ cụ thể của đơn vị được giao là rất cần thiết.

Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị cần chủ động và tích cực hơn nữa trong việc xây dựng, hoàn thiện báo cáo về tình hình thực hiện các nhiệm vụ triển khai Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Năm 2020 sẽ tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện Chiến lược, vì vậy cần phải có sản phẩm (bộ cơ sở dữ liệu cơ bản về công nghiệp văn hóa Việt Nam). Cùng với đó, cần triển khai hiệu quả kế hoạch truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội, phát triển công chúng đối với các ngành công nghiệp văn hóa; tiếp tục kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh triển khai xây dựng thương hiệu quốc gia về các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam… 

PHƯƠNG ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top