Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Dấu chân trên “sa mạc”

Thứ Hai 27/01/2020 | 13:01 GMT+7

VHO- Một ngày gần cuối năm ngoái, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hải Liên đã hiến tặng những công trình nghiên cứu về văn hóa Chăm, Raglai của mình cho Viện VHNT Quốc gia Việt Nam. Ai có mặt ở buổi lễ đều cảm nhận gương mặt ông có một xúc cảm đặc biệt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho gia đình nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên. Ảnh: Trần Huấn

Bởi đó là lúc ông trao lại những công trình ghi dấu một cuộc đời tâm huyết, khi hàng ngàn đường rừng đã in dấu chân ông; hàng ngàn buôn làng, dốc cao, sông suối đã in bóng hình ông; hàng trăm nghệ nhân ông đã nghe hát hằng đêm; hàng ngàn thước phim, tranh ảnh ông ghi, ông nhớ, như một bảo tàng sống thấm đẫm giá trị nhân văn.

Người đi trên “sa mạc”

Nói về nhà văn hóa Nguyễn Hải Liên, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh ví, để có được những công trình nghiên cứu vô giá, ông Nguyễn Hải Liên dường như đã đặt chân vào một “sa mạc”, nơi chưa từng có những tư liệu nghiên cứu nào trước đó, đặc biệt ở những giá trị nghiên cứu về văn hóa phi vật thể dân tộc Raglai. “Ông Nguyễn Hải Liên chính là người đã làm “hồi sinh” của văn hóa các dân tộc Chăm, Raglai. Chúng ta nhìn thấy ở ông không chỉ là bề dày của những tư liệu nghiên cứu mà là tấm lòng, ý chí, tinh thần vượt gian khó của một con người luôn nặng lòng với văn hóa dân tộc...”, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh xúc động.

Gửi lại những tâm huyết của một đời người cho thế hệ sau, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hải Liên đã tự tay gói ghém, sắp xếp lại toàn bộ những “đứa con tinh thần” của mình, gồm hơn ngàn cuộn băng cassette, đĩa DVD, tranh ảnh, sách vở, tài liệu... Ánh mắt rưng rưng lưu luyến, bởi tất cả đều là ký ức về những năm tháng miệt mài, không ngừng nghỉ của ông.

Con trai nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên, ông Nguyễn Hải Linh xúc động: “Ngày con bé, tôi chưa biết mặt cha, vì ông bị địch bắt, tù đày trong nhà tù Mỹ ngụy. Tôi đã tưởng tượng cha mình là một người cao lớn. Năm 1973, sau Hiệp định Paris, tôi được đi đón cha. Gặp ông, tôi thấy ông thật gầy, nhưng đôi mắt sáng, cương trực và đầy nghị lực. Sau này, từ những lời chỉ dạy của cha, cùng với tấm gương cống hiến, hi sinh thầm lặng của ông, anh chị em tôi đã thực sự trưởng thành hơn...”.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hải Liên sinh ra ở vùng đất Quảng Nam, quê hương của nghệ thuật Bài chòi. Ông là một trong những diễn viên đầu tiên của Đoàn Ca kịch Bài chòi Liên khu 5, đã từng bị địch bắt và tù đày tại Phú Quốc trong kháng chiến chống Mỹ. Hầu hết các Lễ hội Chăm đã được ông sưu tầm, phục dựng. Tất cả các bài bản của lễ nhạc, gồm 75 bài trống Ginăng và 6 giai điệu kèn Saranai đã được sưu tầm và kí âm. Đặc biệt, với nhạc cụ Chăm, ngoài trống Ginăng, Paranưng, kèn Saranai, ông đã phát hiện ra bộ Trống thiêng loại nhỏ đi với 2 cái chiêng núm, kèn ru hồn Saranai và trống lớn thân cây, bộ nhạc cụ này chỉ xuất hiện trong hai lễ hội nên rất ít người biết đến. “Điểm đặc biệt ông mang lại còn là sự kết hợp giữa phát triển du lịch với bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, thông qua Lễ hội Festival Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam). Ở đây, ông đã phục hiện lại các Lễ hội Chăm với cụm diễn xướng tổng hợp giữa Hát lễ - Nhạc lễ và Múa lễ, tạo nên nét đặc sắc hiếm có...”, con trai nhà văn hóa Nguyễn Hải Liên chia sẻ.

Những nghiên cứu về văn hóa Raglai chính là minh chứng sống động khiến GS Tô Ngọc Thanh đã ví ông Nguyễn Hải Liên như một người đi vào “sa mạc”. Bằng những cứ liệu thuyết phục, ông Nguyễn Hải Liên đã chứng minh người Raglai có sử thi và đã được công nhận. 6 bộ sử thi đồ sộ, đặc biệt là Bộ sử thi Sa-Ea có độ dài 37 cuộn băng cassette, mỗi cuộn 90 phút là một minh chứng rõ ràng. Với nhạc cụ Mã la, ông cũng đã ghi âm và ký âm được 150 bài, khôi phục lại những nhạc cụ đã mất như Trống đất, Chiêng nứa, Kèn bầu Sarakel.

Càng đặc biệt hơn nữa là ròng rã trong 6 năm trời (1995-2001), nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên đã lặn lội khắp các buôn làng người Raglai của 3 tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận để phát hiện, phục dựng trang phục cổ truyền người Raglai đã bị mai một, mất mát hàng chục năm qua. Đã có biết bao khó khăn, thử thách, tưởng phải dừng lại bởi không có một vết tích nào để lại, từ sách vở, tài liệu đến thực tế. Đồng bào Raglai trước đó người mặc đồ Chăm, người mặc đồ Kinh, có nơi phụ nữ còn cởi trần mặc váy... Sau rất nhiều lần hi vọng rồi lại thất vọng, ông đã gặp một phụ nữ Raglai trên núi cao mặc một bộ đồ đặc biệt mà theo nhiều dấu tích lần mò, tìm hiểu đã cho ông hi vọng đây chính là thứ mình tìm. Tiếp tục hành trình điền dã, sưu tầm, lấy ý kiến, dựa vào lời kể sử thi về trang phục…, để rồi hôm nay, sau phát hiện của ông, người Raglai biết rằng trang phục cổ truyền của tộc người mình là có thực.

Lễ hội Kate. Ảnh: Nguyễn Văn Quang

Trái tim rực lửa đam mê

Như dòng sông không ngừng chảy, cuộc đời của ông gắn với những dấu chân trên khắp các nẻo đường. Những người làm văn hóa ở Ninh Thuận gọi nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hải Liên là “người leo dốc”, bởi từ lâu, từng cánh rừng, từng buôn làng của người Raglai nơi đây đã quen thuộc với ông. Sử thi Raglai được ông phát hiện, nghiên cứu và sưu tầm  đã trở thành tài sản quý báu đối với cộng đồng Raglai Ninh Thuận nói riêng và của nền văn hóa dân gian Việt Nam nói chung. Không màng  tuổi già và bệnh tật, ông đã cùng ăn, cùng ở nhiều tháng trời với đồng bào Raglai để ghi âm các bộ sử thi mà các nghệ nhân còn lưu giữ trong trí nhớ và kể lại. Bộ sử thi Sa-Ea dầy trên 2.000 trang cùng những bộ sử thi khác đã được ông cùng một số cộng sự thu thập, biên dịch là tài sản quý bổ sung vào kho tàng sử thi Tây Nguyên.

Không dừng lại ở vai trò một người nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian, ông Nguyễn Hải Liên luôn trăn trở để ươm mầm cho “cây” văn hóa dân gian ra hoa kết trái. Ông đã vận động các tổ chức tài trợ thực hiện nhiều dự án truyền dạy văn hóa dân gian, không chỉ trong các làng, xã mà đặc biệt là truyền dạy trong tộc, họ. Cứ thế, như một mạch nguồn tự nhiên tuôn chảy, nhiều thanh niên Chăm, Raglai đã trở thành những nghệ sĩ đàn, hát không chuyên, nhiều em thành tài. Hơn 150 em ở khắp các buôn làng cùng nhiều nghệ nhân đã giúp cho “cây” văn hóa dân gian Chăm, Raglai ra hoa kết trái.

Có lẽ, điều ông tâm đắc nhất chính là khi chứng kiến những đứa trẻ ngồi bên mẹ, say sưa cùng hát, cùng đàn những giai điệu dân ca của dân tộc mình. Ông hạnh phúc khi thấy người Chăm, người Raglai tự hào rằng: “Tôi là người Chăm, tôi là người Raglai”. Niềm vui lớn nhất của ông là hằng đêm vẫn được nghe đâu đó âm thanh réo rắt của kèn Saranai, cái bập bùng của Paranưng, Trống đất, âm vang của Mã la, Chiêng nứa và dịu dàng, tha thiết của kèn bầu Sarakel. Ông thấy ấm áp khi nhìn người Raglai mặc trang phục cổ truyền của họ, cùng núi rừng ngân nga mãi giai điệu Sa-Ea...

Chứng kiến hình ảnh cha mình sắp xếp những tư liệu nghiên cứu trước khi bàn giao cho Viện VHNT Quốc gia Việt Nam, ông Nguyễn Hải Linh tâm sự, ông nhìn thấy cha mình lưng đã thêm còng xuống, nhưng ánh mắt của ông luôn ngời sáng, bởi trong lòng ông tràn ngập niềm tin rằng các thế hệ mai sau sẽ gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa dân gian mà ông đã dành cả cuộc đời nghiên cứu. Trong trái tim luôn rực cháy ngọn lửa đam mê của ông, vẫn mãi mãi có một niềm tin kiên định: Văn hóa dân gian chính là linh hồn của cả một dân tộc!

Xúc động trước tình cảm và niềm đam mê của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc hiến tặng công trình tâm huyết và cũng là gia sản lớn nhất trong cuộc đời của đồng chí Nguyễn Hải Liên cho Nhà nước để phục vụ đông đảo nhân dân, là thể hiện cụ thể và sống động nhất của tình yêu quê hương đất nước luôn tràn ngập và rực cháy trong ông. Thủ tướng khẳng định, công trình tâm huyết này sẽ tiếp tục được đầu tư bảo tồn, phát triển, phổ biến và diễn xướng một cách thích đáng trong nhân dân.

Nguyên Anh

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top