Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Dành lương hưu để tìm hài cốt liệt sĩ và từ thiện

Thứ Hai 03/05/2021 | 09:06 GMT+7

VHO- Tại lễ tuyên dương điển hình 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000-2020, ông Nguyễn Viết Quản là gương điển hình được UBND TP.HCM chọn để báo cáo...

 Ông Nguyễn Viết Quản bên bàn làm việc tại căn nhà nhỏ

Tìm hiểu thêm về ông, chúng tôi được biết đã hơn 10 năm qua ông Quản lặng lẽ đi tìm hài cốt của những đồng đội đã từng chiến đấu với mình khi xưa, với một lời nguyện ước: “Nếu sau này đất nước thống nhất, ai là người còn sống, nhớ đi tìm người đã mất đưa về quê cha, đất tổ”.

Hơn 10 năm lặng lẽ tìm hài cốt đồng đội

Trong căn nhà khá nhỏ tại đường Tháp Mười, quận 6, ông tiếp chúng tôi với chồng hồ sơ, tài liệu và những kỷ vật liên quan đến hành trình đi tìm hài cốt đồng đội. Trong đó những lá thư, bài thơ đầy ắp cảm xúc và lòng biết ơn của thân nhân liệt sĩ dành tặng khi đã hoàn tất tâm nguyện đưa hài cốt liệt sĩ về an nghỉ tại quê nhà, được ông nâng niu, gìn giữ.

Ông Quản cho biết, nhiều năm dài trong lòng luôn khắc khoải, canh cánh về chuyện tìm mộ đồng đội. “Tôi luôn đau đáu về lời thề trước khi xung trận của cả đơn vị, đặc biệt là trong những ngày lịch sử 30.4 này, đó là lời hứa hẹn: Sau này đất nước thống nhất, ai là người còn sống, nhớ đi tìm người đã mất đưa về quê cha, đất tổ. Hơn 40 năm qua, từng gương mặt của các đồng đội và lời dặn dò ấy cứ văng vẳng như lời gọi, lời giục giã để tôi thực hiện di nguyện của người đã mất, cũng chính là tâm nguyện của bản thân mình”, ông Quản xúc động bày tỏ. Vì thế, sau khi nghỉ hưu tại Công an Quận 6 vào tháng 3.2008, ông bắt tay ngay vào việc đi tìm hài cốt đồng đội. Để có kinh phí thực hiện tâm nguyện, ông đã cùng các thành viên trong gia đình bỏ ống heo tiết kiệm, đặc biệt ông còn dành toàn bộ lương hưu của mình để làm công việc này, và không nhận bất cứ lời cảm ơn hay sự đài thọ bằng vật chất của thân nhân liệt sĩ, bởi ông coi đó như là trách nhiệm của chính mình.

Suốt 13 năm qua, ông Nguyễn Viết Quản dành thời gian và tiền bạc trực tiếp trở lại những vùng đất nơi mình đã chiến đấu trước đây và lặn lội tới các nghĩa trang ở Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang để tìm đồng đội. Để có thông tin, đầu năm 2008, ông tìm gặp đại tá Vũ Hồng Ninh, nguyên Phó phòng đặc công, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và trình bày ý nguyện đi tìm hài cốt đồng đội. Từ đây, ông được tiếp cận xem hàng trăm cuốn hồ sơ lưu trữ tên tuổi của những liệt sĩ đã hy sinh trong thời kỳ chống Mỹ... Từ đó, ông cùng những đồng đội trong đơn vị bắt đầu hành trình tìm kiếm. Ban đầu là đến các vùng chiến sự đã chôn liệt sĩ khi xưa, mà chính ông là người tự tay chôn cất, ký hiệu vị trí và ghi lại thông tin. Về sau, khi tất cả hài cốt đã được quy tập về nghĩa trang, ông tiếp tục về đây tìm kiếm.

Tập bản đồ vẽ nơi ông tìm đồng đội cứ vơi đi theo thời gian, hồ sơ hài cốt liệt sĩ ngày càng dày lên, những chuyến vào Nam ra Bắc ngày càng nhiều và đến nay đã có 111 hài cốt liệt sĩ đã được tìm về, trong số đó 44 hài cốt đã được đưa về nơi quê cha, đất tổ... Ông Quản nói thêm, “ý nguyện của tôi là tìm hài cốt đồng đội mình thất lạc khi xưa chứ không phải đi tìm hài cốt nói chung, thế nhưng trong lúc đi tìm về cho đồng đội thì các gia đình khác nhờ mình tìm giúp, cho nên trong số 111 hài cốt tìm được, có cả những liệt sĩ của các đơn vị khác”. Với những nỗ lực không ngơi nghỉ, ông Quản đã được Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH tặng Bằng khen năm 2017; nhận danh hiệu “Bảng vàng vinh danh” của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam năm 2019; danh hiệu “Tấm gương thầm lặng mà cao cả” do TP.HCM tuyên dương năm 2019 cùng nhiều Bằng khen, danh hiệu khác.

Có thể nói, gia sản lớn nhất đối với người cựu chiến binh này hiện nay chính là những chiếc tủ lưu trữ hồ sơ hài cốt đồng đội, những ân tình mà thân nhân liệt sĩ gửi trao. Đó chính là động lực để ông tiếp tục bền bỉ cho cuộc hành trình không kém phần gian nan nhưng cũng thật vinh quang này.

 Ông Nguyễn Viết Quản nhận Bằng khen của UBND TP.HCM

Văn hóa là chìa khóa của cuộc đời

Trở lại với việc xây dựng gia đình văn hóa ông cho biết, gia đình gồm 7 thành viên của 3 thế hệ cùng chung sống với những khác biệt về tuổi tác, nghề nghiệp giữa chốn Sài Gòn không phải là nhiều. Thế nhưng điều đó đã được các thành viên trong gia đình dung hòa, đoàn kết gắn bó yêu thương nhau.

“Gia đình tôi đã xác định văn hóa là chìa khóa của cuộc đời, có văn hóa mới học hỏi được nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống, nên gia đình tôi xác định phải duy trì kế hoạch xây dựng gia đình văn hóa từ năm này qua năm khác và làm sao lan tỏa những giá trị này cho cộng đồng. Lấy văn hóa gia đình giàu tính nhân văn, nhân bản để xây dựng nếp sống văn hóa trật tự, kỷ cương, lan tỏa hun đúc tâm hồn, bản lĩnh cho mọi người xung quanh...”, ông Quản bộc bạch. Không chỉ bằng lời nói động viên mà gia đình nhất trí hỗ trợ cho công việc từ thiện với việc trích 10% thu nhập hằng tháng để nuôi “Heo đất từ thiện xã hội”, “Heo đất khuyến học khuyến tài”, “Heo đất nghĩa tình đồng đội”... để hỗ trợ phần nào cho các hoàn cảnh còn khó khăn trên địa bàn. Theo đó, trong 20 năm qua gia đình ông đã tặng gần 400 suất học bổng các loại, 5 xe đạp, 2 dàn máy vi tính cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, cho con và cháu thương binh, liệt sĩ. Gia đình đã hỗ trợ sửa chữa và xây dựng 4 căn nhà tình nghĩa, 5 căn nhà tình thương.

Riêng kinh phí ủng hộ đồng bào bị thiên tai hạn hán, ủng hộ Hội Người mù, tham gia các cuộc vận động vì người nghèo, vì biển đảo quê hương, quỹ hỗ trợ gia đình liệt sĩ,... với trên 1,3 tỉ đồng. Không những duy trì danh hiệu “Gia đình văn hóa”, gia đình ông Quản còn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để lan tỏa và có tác động tích cực. Nói về điều này, ông Quản kể một câu chuyện nhỏ: Theo thông lệ sáng sớm ông đi tập thể dục, đồng thời khi nhìn thấy rác và lá cây rụng nhiều ở khu vực xung quanh nhà, ông đã lấy chổi quét dọn từ số nhà 01 đến số nhà 15 đường Tháp Mười (nhà ông ở số 5A), đồng thời móc rác ở các hố ga, làm được như vậy, theo ông, vừa sạch khu phố mình, vừa đỡ nhọc cho các nhân viên vệ sinh...

Một bữa nọ vì có công chuyện nên ông phải đi sớm, không quét dọn như mọi hôm, nhưng khi về đến khu vực nhà thì thấy đã được ai đó vệ sinh sạch sẽ. “Tôi ngạc nhiên và tìm hiểu thì được người ở tổ dân phố cho biết cậu thanh niên bên cạnh nhà tôi đã làm việc này. Xúc động hơn là khi mọi người hỏi cậu ấy sao hôm nay hăng hái thế? Cậu trả lời rằng chú Quản lớn tuổi mà sáng nào cũng quét rác, chúng cháu là thanh niên phải biết chia sẻ với chú chứ!”. 

Gia đình tôi đã xác định văn hóa là chìa khóa của cuộc đời, có văn hóa mới học hỏi được nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống, nên gia đình tôi phải duy trì kế hoạch xây dựng gia đình văn hóa từ năm này qua năm khác, và làm sao lan tỏa những giá trị này cho cộng đồng. Lấy văn hóa gia đình giàu tính nhân văn, nhân bản để xây dựng nếp sống văn hóa trật tự, kỷ cương góp phần lan tỏa hun đúc tâm hồn, bản lĩnh cho mọi người xung quanh...

(Ông NGUYỄN VIẾT QUẢN)

 THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top