Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Đánh thức tình yêu nhạc dân tộc trong giới trẻ

Thứ Tư 18/05/2022 | 10:40 GMT+7

VHO- Đã có một thời, âm nhạc dân tộc là món ăn tinh thần không thể thiếu, là niềm tự hào của người Việt Nam. Thế nhưng tình yêu và niềm tự hào ấy đang có nguy cơ dần mai một. Tuy nhiên, dẫu trải qua nhiều thăng trầm, thì âm nhạc truyền thống vẫn bền bỉ trường tồn suốt chiều dài lịch sử của đất nước. Không ít người cho rằng, lớp trẻ hiện nay chỉ thích nhạc hiện đại khiến nhạc dân tộc mất đi vị trí vốn có. 

Nhưng đây chỉ là cách nhìn phiến diện, bởi trên thực tế, người trẻ chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu về âm nhạc truyền thống cũng như các tác phẩm kinh điển của nền âm nhạc Việt Nam. Điều này đã tạo nên một rào cản lớn khiến họ khó tiếp cận với các loại hình này, trong khi công nghệ đã mang văn hóa, nghệ thuật hiện đại đến với họ “chỉ trong vòng một nốt nhạc”… 
Có thể khẳng định, người trẻ không hề quay lưng với âm nhạc dân tộc, chỉ là họ chưa hiểu nên khó lòng mà thích, mà yêu... Chính vì thế, đề án “Đưa âm nhạc dân tộc vào trường học” của Sở VHTT TP.HCM triển khai hơn 5 năm qua đã góp phần xây dựng hệ thẩm mỹ thưởng thức cho các lớp trẻ, qua đó nêu cao tinh thần gìn giữ cũng như lan tỏa âm nhạc dân tộc đến mọi người và xa hơn là bạn bè quốc tế. Dù không có nhiều thời gian, nhưng các nghệ sĩ vẫn cố gắng gửi gắm đến các bạn trẻ những tiết mục hấp dẫn, những chia sẻ về nghề, những kiến thức cơ bản về bộ môn nghệ thuật vừa biểu diễn. Sự hưởng ứng nhiệt tình từ các em học sinh có thể xem là một tín hiệu tích cực cho âm nhạc truyền thống trong tương lai. 
Với mong muốn mang âm nhạc dân tộc đến gần hơn với các bạn trẻ, nhiều nghệ sĩ đã tâm huyết chuyển tải kiến thức và tiết mục phù hợp với độ tuổi học đường để giới thiệu và giúp các em biết phân biệt từng loại nhạc cụ hay các làn điệu dân ca... Thay vì sử dụng các từ chuyên ngành còn quá mới mẻ, xa lạ với các em, thì họ đã cố gắng dùng các từ ngữ đời thường và dễ hiểu nhất, có lẽ vì thế mà các buổi giao lưu đều diễn ra trong không khí sôi nổi, hào hứng. Vui hơn nữa là sau những chương trình, nhiều em thổ lộ mong muốn được học nhạc cụ dân tộc. 
Song song đó, nhiều bạn trẻ người nước ngoài cũng đã tìm đến âm nhạc dân tộc Việt Nam với mong muốn hiểu rõ hơn về môn nghệ thuật độc đáo mà họ vừa thưởng thức. Để giúp họ tiếp cận gần hơn loại hình này, các nghệ sĩ trong giới đã chọn cách kết hợp giữa cái cũ với cái mới, như sáo trúc và nhạc điện tử, để họ cảm nhận được cái hay, cái đẹp của nhạc dân tộc Việt Nam một cách dễ dàng… 
Tuy nhiên, thực trạng dự án “Đưa âm nhạc dân tộc vào trường học” cũng bộc lộ không ít khó khăn, bất cập. Đã có ý kiến cho rằng, hiệu quả của dự án chưa được như kỳ vọng, sự tác động đến người trẻ vẫn còn yếu và mờ nhạt. Bởi lẽ, nhiều nghệ sĩ quá đặt nặng vấn đề khi mong muốn qua chương trình các em sẽ trở thành thế hệ kế thừa với vai trò là một người nghệ sĩ. Về vấn đề này, một chuyên gia trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc đã bày tỏ: Với các loại hình âm nhạc truyền thống, việc quá chú trọng vào đào tạo nghệ sĩ còn khán giả thưởng thức lại bỏ ngỏ là không được. Bởi lẽ, muốn âm nhạc truyền thống tồn tại thì trước mắt phải có khán giả, phải có người nghe, người xem. Chính vì vậy, việc đưa âm nhạc dân tộc vào trường học cần có định hướng rõ ràng, nhất quán, đồng bộ và đặc biệt là sự quan tâm, tạo điều kiện của nhà trường, gia đình và xã hội. 
Thế hệ trẻ chính là yếu tố then chốt trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc nói riêng và các giá trị truyền thống của đất nước nói chung. Vì vậy, ngay từ bây giờ, việc “đánh thức” tình yêu âm nhạc truyền thống bằng cách ươm mầm cảm thụ cho người trẻ là điều cần thiết. 

 HỒNG HẠNH 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top