Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Thủ tướng đối thoại với hơn 4.500 công nhân, người lao động trên cả nước

Chủ Nhật 12/06/2022 | 14:00 GMT+7

VHO-Sáng nay 12.6, tại Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp gỡ, đối thoại với công nhân năm 2022 với chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”. Chương trình do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang và trực tuyến tới 63 điểm cầu trên cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với công nhân

Cùng dự có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XHĐào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ TN&MTTrần Hồng Hà; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang và lãnh đạo các Ban, bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và lãnh đạo một số địa phương…

Hơn 4.500 công nhân, người lao động tham gia chương trình tại điểm cầu trực tiếp Bắc Giang và 63 điểm cầu tại trụ sở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tỉnh, thành phố trong cả  nước.

Chương trình là diễn đàn để đoàn viên, công nhân lao động được gặp gỡ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng kiến nghị, đề xuất những vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống với người đứng đầu Chính phủ; được Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, thấu hiểu, chỉ đạo giải quyết các vấn đề được nêu và truyền thông điệp tới người lao động cả nước.

Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các hoạt động sôi nổi của Tháng Công nhân năm 2022 nhằm "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp quan tâm xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" theo tinh thần của Thông báo số 77-TB/TW ngày 24.2.2012 của Ban Bí thư kết luận về tổ chức Tháng Công nhân.

Chương trình là hoạt động tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội đối với công nhân lao động; tiếp tục triển khai chương trình Công đoàn đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển bền vững đất nước, chăm lo đời sống, việc làm cho đoàn viên, người lao động. Đồng thời, khẳng định quyết tâm, khát vọng của công nhân lao động tích cực thi đua lao động sáng tạo, nâng cao năng suất, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

Phát biểu mở đầu tại cuộc đối thoại, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ban Tổ chức chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới đội ngũ công nhân trên cả nước. 

Thủ tướng nhắc lại mục tiêu, lý tưởng của Đảng ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong suốt chặng đường cách mạng, mục tiêu cao nhất đất nước ta được độc lập, nhân dân ta được tự do, được ấm no và hạnh phúc, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chúng ta luôn xác định rõ quyền con người, xác định con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển, trong đó có công nhân. Chúng ta luôn lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng các ý kiến của người lao động, trên cơ sở đó hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật. 

Đây là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, các chủ thể có liên quan. Trong 2 năm qua, do tình hình Covid-19, chúng ta không có nhiều điều kiện để tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp, nhưng các cấp, các ngành, các cơ quan đã có nhiều hình thức để gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại với công nhân lao động. Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm, chăm lo, đồng hành để tìm giải pháp khắc phục những hậu quả, tác động của dịch bệnh Covid-19 tới đời sống và công việc của công nhân, giải quyết vấn đề thể chế, cơ chế, chính sách để bảo đảm quyền lợi của người lao động. 

Tiếp nối công việc này, Thủ tướng hoan nghênh Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các cơ quan tổ chức cuộc đối thoại hôm nay để lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu và cùng có trách nhiệm với nhau để thực hiện mục tiêu cao nhất của Đảng và Nhà nước. 

Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát biểu ý kiến tập trung vào 10 vấn đề mà đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổng hợp, báo cáo, trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn, chân thành, trách nhiệm, hiệu quả, tìm giải pháp tốt nhất cả trước mắt và lâu dài để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhân dân được ấm no, hạnh phúc. 

Thủ tướng bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông đối với những mất mát, nhọc nhằn, khó khăn, vất vả mà anh chị em công nhân, người lao động phải chịu đựng trong hơn 2 năm qua do dịch Covid-19. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu và sẽ nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất để anh chị em sớm vượt qua những khó khăn, trở lại lao động, làm việc, ổn định đời sống. 

“Phải nói đời sống nhiều công nhân còn rất vất vả. Tôi vừa đi thăm khu nhà trọ công nhân tại Bắc Giang và thời gian qua cũng đã đi nhiều nơi để gặp gỡ, tìm hiểu đời sống công nhân. Chúng ta cùng đối thoại để tìm ra giải pháp phù hợp điều kiện, hoàn cảnh đất nước ta, phù hợp với nguyện vọng anh chị em cong nhân và phù hợp với tình hình thực tiễn”, Thủ tướng nói. 

Thủ tướng thông báo trong sáng nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12.6.2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Thủ tướng cho biết Cổng TTĐT Chính phủ đã đăng tải ngay thông tin này. 

Hơn 4.500 công nhân, người lao động tham gia chương trình tại điểm cầu trực tiếp Bắc Giang và 63 điểm cầu tại trụ sở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tỉnh, thành phố trong cả  nước

Tại cuộc gặp gỡ, đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các Ban, bộ, ngành, địa phương cùng đối thoại trực tiếp các câu hỏi của công nhân, người lao động trong cả nước. Nội dung tập trung 10 nhóm vấn đề như: Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7; sửa đổi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi cho công nhân, người lao động; chính sách về nhà ở, khám chữa bệnh, các phúc lợi xã hội cho công nhân, người lao động; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc giải quyết chế độ, chính sách cho công nhân, người lao động bị mắc Covid-19; hỗ trợ vốn vay cho công nhân, người lao động; công tác chăm lo, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động; việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân; công tác tranh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động như không ký hợp đồng lao động, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động, thời giờ làm việc...

Phần trao đổi, giải thích, trả lời thấu đáo, thẳng thắn, chân thành, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các Ban, bộ, ngành, địa phương được đông đảo công nhân, người lao động nồng nhiệt đón nhận; đồng thời công nhân, người lao động bày tỏ sự thấu hiểu, tin tưởng vào các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quyết tâm phấn đấu lao động, sản xuất, thực hiện các quy định để lập thân, lập nghiệp, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu mạnh.

Phát biểu kết thúc cuộc gặp gỡ, đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt tới giai cấp công nhân và người lao động; ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cuộc đối thoại này tiếp nối những công việc đã và đang thực hiện từ trước tới nay.

Thủ tướng đánh giá cao việc tổ chức, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của công nhân; trân trọng cảm ơn sự đóng góp này của công nhân trong thời gian qua và trong cuộc đối thoại này. “Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị, trong đó có Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp thu, lắng nghe các ý kiến, tập hợp các vấn đề; tập trung rà soát lại các cơ chế, thể chế, chính sách, nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện; chú ý tâm tư, nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của công nhân, người lao động”, Thủ tướng cho biết.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra là đến năm 2025 nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Khi phát triển công nghiệp hóa, hiện đại có nhiều chủ thể tham gia, trong đó có đội ngũ công nhân, người lao động. Do đó, mong muốn công nhân, người lao động tiếp tục huy truyền thống, vai trò lịch sử của giai cấp công nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cùng giải quyết kịp thời các vấn đề mới nảy sinh, mang lại hiệu quả chung cho đất nước, trong đó có công nhân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục tiếp thu, lắng nghe để công nhân đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Các địa phương phối hợp với các bộ, ngành, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để giải quyết nguyện vọng chính đáng của công nhân.

Thủ tướng tin tưởng công nhân tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng, góp phần cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân cả nước vượt qua khó khăn, thách thức, đóng góp hiệu quả, tích cực hơn nữa vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trước đó, Thủ tướng đã tới thăm gia đình công nhân Sùng Mí Ná (sinh năm 2002, quê Hà Giang, đang làm việc tại Công ty TNHH In bao bì Sunny Việt Nam). Đây là gia đình 2 vợ chồng công nhân có 1 con nhỏ 7 tháng tuổi, phải ở trọ tại thôn An Định, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Do hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ mất sớm, hai vợ chồng chị Ná phải nhờ em họ xuống trông con để đi làm. Thủ tướng cũng đã tới thăm hỏi, động viên và tặng quà các gia đình công nhân, tặng quà chung cho công nhân lao động tại khu nhà trọ; thăm hỏi, động viên, cảm ơn và tặng quà chủ nhà trọ đã quan tâm hỗ trợ công nhân tại thời điểm dịch Covid-19 hoành hành…

Sau chương trình, Thủ tướng Chính phủ và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã chứng kiến và thực hiện nghi thức ra mắt Chương trình “Giờ thứ 9+”, một chương trình giải trí truyền hình dành cho công nhân, người lao động trên kênh VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện.

TÙNG QUANG; ảnh: NHẬT BẮC

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top