Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Sốt ruột… chờ môn Sử

Thứ Sáu 24/06/2022 | 09:31 GMT+7

VHO- Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên ngành Giáo dục triển khai dạy theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình mới), nhưng sự dùng dằng trong quyết định về “số phận” môn Lịch sử đang khiến kế hoạch bị chậm trễ.

 Tại Hà Nội, muộn nhất là ngày 12.7, những học sinh thi đỗ lớp 10 phải xác định nhập học vào một trường THPT (ảnh minh họa)

Chao đảo khi kề cận thời điểm triển khai

Theo Chương trình mới, môn Lịch sử được thiết kế theo 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản thì Lịch sử là môn học bắt buộc, bảo đảm cho tất cả học sinh được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, cơ bản và toàn diện; Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp thì đây là môn học lựa chọn nằm trong nhóm Khoa học xã hội.

Theo quan điểm của BộGD&ĐT, Chương trình mới được triển khai trong bối cảnh thế hệ học sinh hiện tại phát triển sớm hơn về thể chất, nhận thức, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, nguồn học liệu để dạy học Lịch sử phong phú, dễ tiếp cận. Vì thế, việc dạy Sử sẽ hướng đến rèn luyện cho học sinh năng lực giải quyết vấn đề gắn với tình huống cuộc sống. Chương trình Lịch sử ở bậc THPT theo thiết kế mới được thực hiện theo hướng thiết kế các chủ đề chuyên sâu. Đây là chương trình không thích hợp cho triển khai đại trà mà phục vụ định hướng phân luồng, tiếp cận nghề nghiệp tương lai.

Tuy nhiên, khi sắp triển khai thực hiện, thì trong 2 tháng qua có nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội xung quanh việc môn Lịch sử. Đại diện BộGD&ĐT cho biết, một luồng ý kiến chưa yên tâm vì Chương trình mới được triển khai theo lộ trình cuốn chiếu. Trong năm học 2021-2022 và một số năm học tiếp theo, học sinh lớp 9 chuẩn bị lên lớp 10 chưa được học Lịch sử theo Chương trình mới ở cấp THCS. Những học sinh này lên tới bậc THPT, nếu không chọn tiếp tục học Lịch sử thì sẽ thiếu hụt khoảng 140 tiết so với chương trình cũ. Điều này có nghĩa nhiều nội dung cần thiết ở môn Lịch sử đã không được trang bị cho lứa học sinh rơi vào khoảng “giao thời” này và phải có giải pháp bù đắp.

Cũng có một luồng ý kiến quyết liệt hơn cho rằng, không thể để Lịch sử vào nhóm môn học lựa chọn. Giáo dục Lịch sử cần tiếp tục thực hiện đại trà ở bậc THPT. “Học sinh phổ thông cần có kiến thức nền tảng về Lịch sử. Nếu không e rằng mục đích giáo dục lòng yêu nước, ý thức dân tộc… sẽ bị yếu đi”, đây là lý do khiến nhiều người phản đối Chương trình mới đưa môn Lịch sử vào nhóm môn lựa chọn.

Bất chấp những giải thích của Ban phát triển Chương trình mới và BộGD&ĐT, rằng những giá trị như lòng yêu nước, ý thức dân tộc… đã được học ở giai đoạn giáo dục cơ bản và tiếp tục đưa vào tất cả các môn học, nhất là môn Khoa học xã hội và các hoạt động giáo dục ở cấp THPT, những ý kiến phản đối quyết liệt đã khiến cho kỳ họp Quốc hội vào tháng 6.2022 trở nên nóng bỏng với chủ đề “Môn Lịch sử”.

Các trường dừng chuẩn bị

Trước đó, theo yêu cầu của BộGD&ĐT, các trường THPT trên cả nước phải công bố công khai kế hoạch giáo dục nhà trường, trong đó có công bố các tổ hợp môn học (thuộc nhóm lựa chọn) để học sinh, phụ huynh biết và quyết định nguyện vọng vào lớp 10 phù hợp với yêu cầu.

Vào tháng 5.2022, hầu hết các trường THPT đã thực hiện việc này. Cùng với xây dựng các tổ hợp môn học, các trường phải tính toán để điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên đủ đáp ứng yêu cầu mới. Tuy nhiên, khi môn Lịch sử được mang ra mổ xẻ, còn BộGD&ĐT bối rối đứng trước nhiều luồng ý kiến, nhiều trường đã phải ngừng việc chuẩn bị cho việc dạy học ở lớp 10. Kế hoạch dạy học có thể phải thay đổi, nhưng thay đổi theo hướng nào thì vẫn phải chờ.

Tại Hà Nội, muộn nhất là ngày 12.7, những học sinh thi đỗ lớp 10 phải xác định nhập học vào một trường THPT. Trước đó, các em đã phải đăng ký nguyện vọng trong hồ sơ dự thi THPT. Nhưng với tình hình mới, các trường sẽ phải điều chỉnh các tổ hợp, kế hoạch xáo trộn kéo theo nhiều rắc rối như không đủ giáo viên, cơ sở vật chất… “Nhiều vấn đề chúng tôi phải làm ngay như kế hoạch nhân sự, kế hoạch giáo dục (nội dung dạy học)… nhưng hiện giờ tất cả đang bị ách lại để chờ mà chưa biết chờ tới bao giờ”, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hoà (HN) cho biết.

Trong một văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào giữa tháng 6.2022, BộGD&ĐT đã đưa ra một hướng xử lý đối với môn Lịch sử. Theo đó, Bộnày bày tỏ quan điểm kiên trì thực hiện cấu trúc Chương trình mới theo hướng dạy học phân hóa, định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT. Nhưng trước các luồng ý kiến về môn Lịch sử, Bộđề xuất một cách giải quyết là sử dụng 35 tiết dự phòng trong khung năm học, chọn lọc một số nội dung ở chương trình Lịch sử 70 tiết/năm (chương trình cũ hiện vẫn đang triển khai ở những lớp chưa học Chương trình mới theo hình thức cuốn chiếu) để dạy bắt buộc đối với tất cả học sinh lớp 10 trong năm học tới.

Những học sinh có định hướng nghề nghiệp theo lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn vẫn có thể chọn môn Lịch sử theo thiết kế của Chương trình mới. Đây là cách BộGD&ĐT muốn dung hòa giữa quan điểm duy trì thiết kế Chương trình mới và các luồng ý kiến băn khoăn, phản đối. Như vậy, môn Lịch sử ở cấp THPT từ năm học tới có thể sẽ triển khai “vừa bắt buộc, vừa lựa chọn”. Học sinh sẽ phải học thêm 35 tiết so với thiết kế cũ. Nếu điều này được chấp thuận, BộGD&ĐT sẽ phải cấp bách có hướng dẫn cho các trường THPT để triển khai. Và giải pháp “dung hoà” cấu trúc các tổ hợp môn học có thể không bị phá vỡ về số lượng (tổ hợp môn lựa chọn) nhưng vẫn sẽ xáo trộn.

Trên thực tế, tại Hà Nội vào tháng 5.2022, công bố của nhiều trường THPT cho biết, có từ trên 50-85% học sinh lớp 9 được khảo sát cho biết vẫn chọn tổ hợp môn học có môn Lịch sử ở lớp 10. Nhưng nếu 100% bắt buộc phải học 35 tiết lịch sử như đề xuất trên thì số lượng học sinh tiếp tục chọn môn Lịch sử - theo thiết kế Chương trình mới - sẽ giảm đi nhiều, bởi vừa học nội dung bắt buộc, vừa học nội dung lựa chọn sẽ khiến học sinh bị “bội thực”. 

Với tình trạng trì trệ, không đổi mới phương pháp dạy học như hiện nay, mục tiêu “giáo dục Lịch sử” chưa chắc đã tốt hơn như mong đợi mà nhiều đại biểu Quốc hội nêu. Với trách nhiệm của mình, BộGD&ĐT cần hướng dẫn kỹ lưỡng và giám sát việc đổi mới phương pháp dạy học nói chung và môn Lịch sử nói riêng. Với 35 tiết Lịch sử phải dạy đại trà như đề xuất, cần được linh hoạt lồng ghép, tích hợp trong các chủ đề dạy học, hoạt động đa dạng, mở rộng không gian lớp học ra ngoài để học sinh không chịu áp lực, tiếp nhận những giá trị của môn học một cách tự nhiên.

Nhưng dù muốn gì đi nữa thì lúc này BộGD&ĐT vẫn phải quyết nhanh, vì thời gian không lùi được nữa.

 KỲ THANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top