Về xứ Tuyên vui hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La

VHO - UBND TP Tuyên Quang đã chính thức khai mạc lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La vào ngày 21.3 tại Đền Hạ. Lễ hội được tổ chức từ ngày 20 – 25.3 với nhiều hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ.

Tuyên Quang được biết đến không chỉ là vùng đất giàu truyền thống lịch sử mà còn nổi tiếng với văn hóa tâm linh đặc sắc, phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây. 

Với người dân xứ Tuyên, lễ hội rước mẫu Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La là ngày hội lớn trong năm, thu hút nhiều khách thập phương. Tại khu di tích Đền Hạ, đền Kiếp Bạc (phường Tân Quang, Tuyên Quang), lễ khai mạc chính thức diễn ra trong không khí trang nghiêm, vui tươi, phấn khởi.

Về xứ Tuyên vui hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La - Anh 1

Các đại biểu tham dự buổi lễ khai mạc

Phát biểu khai mạc lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La, Phó Chủ tịch UBND TP Tuyên Quang Đỗ Đình Đạt khẳng định, Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La là dịp lễ hội lớn nhất trong năm để người dân tỏ lòng thành kính, tri ân công đức của Thánh Mẫu, cũng là dịp để người dân bày tỏ khát vọng cầu mong cuộc sống ấm no hạnh phúc, an khang thịnh vượng. 

Đây cũng là dịp để quảng bá, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, văn hóa tín ngưỡng tâm linh của thành phố Tuyên Quang tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Sau nhiều năm tổ chức, lễ hội không dừng lại trong khuôn khổ lễ hội truyền thống mà ngày càng khẳng định đây là nét đẹp du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2017. 

Về xứ Tuyên vui hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La - Anh 2

Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La năm 2024 được UBND TP Tuyên Quang lên công tác chuẩn bị chu đáo

Phần lễ bao gồm rước Mẫu từ Đền Ỷ La, Đền Thượng về Đền Hạ, hợp tế nhập cung, lễ tế Thánh Mẫu và các vị thần, lễ dâng hương, dâng rượu, lễ hoàn cung, lễ rước Thánh Mẫu từ Đền Hạ hoàn cung tại Đền Thượng và Đền Ỷ La. 

Phần hội, nhân dân và du khách sẽ được thưởng thức màn múa lân, đắm mình trong cung bậc trầm bổngvới màn hát chầu văn trong buổi liên hoan trình diễn, thực hành nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ. Đồng thời, được tham gia vào nhiều hoạt động hấp dẫn khác. Quy trình tổ chức rước Mẫu, các nét đẹp văn hóa như trang phục, kiệu, lễ vật dâng cúng mang đậm sắc thái cổ truyền của địa phương. 

Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La bắt nguồn từ truyền thuyết về các Thánh Mẫu vốn là những nàng công chúa con của Vua, qua du ngoạn thắng cảnh tại sông Lô và bay về trời. Nhân dân tại đây đã lập đền Đền Hạ (trước là Đền Tam Kỳ) thờ chị và Đền Thượng là nơi thờ em. 

Thánh Mẫu tại đền Ỷ La là sự thay đổi vị trí thờ của người chị. Hằng năm, hai chị em gặp nhau 2 lần vào trung tuần tháng 2 và tháng 7 Âm lịch. Rước bài vị của Thánh Mẫu từ đền Ỷ La và đền Thượng về đền Hạ chính là tượng trưng của sự sum họp gia đình, gặp gỡ của hai chị em Ngọc Lân và Phương Dung công chúa.

Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La là những di tích có giá trị về văn hóa tâm linh, linh thiêng của tín ngưỡng Thờ Mẫu - một nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng người Việt Nam. Đây là những di tích văn hóa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là 3 trong 5 di tích của thành phố Tuyên Quang được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. 

Về xứ Tuyên vui hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La - Anh 3

Nhiều người dân tham gia vào đoàn rước Thánh Mẫu tại Đền Hạ

Trong khuôn khổ lễ hội, sẽ có nhiều hoạt động thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống như hội thi nấu cơm được tổ chức. Bên cạnh đó, người dân và những du khách thập phương sẽ được tham gia buổi liên hoan thực hành nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ năm 2024 diễn ra tại Đền Hạ. 

NGỌC QUỲNH

Ý kiến bạn đọc