Đảm bảo phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

P.V

VHO - Chiều ngày 25.4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Đảm bảo phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa - ảnh 1
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại buổi làm việc

Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Chương trình nhằm tập trung một số nội dung về phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa.

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành liên quan của tỉnh Thừa Thiên Huế đã thảo luận, làm rõ một số nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Các ý kiến khẳng định, việc ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 là cần thiết, phù hợp với quan điểm, định hướng phát triển văn hóa của Đảng trong thời gian qua. Đồng thời, phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược của tỉnh trong giai đoạn 2025 - 2035; góp phần bảo tồn các di sản văn hóa; nâng cao đời sống tinh thần, vật chất và hưởng thụ văn hóa cho người dân, thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đảm bảo phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa - ảnh 2
Toàn cảnh buổi làm việc

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, cần có sự phân cấp chủ động cho địa phương trong cơ chế chính sách để phân bố nguồn lực triển khai thực hiện các chương trình và dự án. Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa cần kết hợp nội dung và dự án cụ thể. Các thiết chế văn hóa phải được thống nhất trong khung quy chuẩn nhất định, tạo được động lực phát triển cho địa phương. Cần điều chỉnh để tránh trùng lặp, chồng chéo giữa Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa với các Chương trình mục tiêu quốc gia khác đang triển khai tại địa phương. Qua đó, nhìn nhận về khai thác các thiết chế văn hóa thì cần có hành lang pháp lý cụ thể; quan tâm, chú trọng nguồn lực của chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, yếu tố con người và ứng dụng chuyển đổi số.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu nhấn mạnh: Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 là một chương trình lớn, được Đảng và Nhà nước quan tâm, có ý nghĩa quan trọng tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển toàn diện, hài hòa, bền vững của địa phương.

Đảm bảo phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa - ảnh 3
Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: Chương  trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa sẽ tạo nguồn lực cho sự phát triển hài hòa, bền vững của địa phương

Thừa Thiên Huế đang tập trung nguồn lực để xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Nghị quyết số 54/NQ-TW của Bộ Chính trị là động lực để thúc đẩy phát triển các giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế một cách bền vững, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho Thừa Thiên Huế trong việc huy động các nguồn lực phát triển văn hóa. Trên cơ sở Nghị quyết số 54-NQ/TW, nhiều chính sách, nhiều kế hoạch phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đã được ban hành nhằm khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế chung tay bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên đất cố đô, xây dựng một thành phố Huế vừa cổ kính, vừa hiện đại.

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương quan tâm hỗ trợ vốn từ nguồn vốn ngân sách trung ương cho các dự án quan trọng như: Hình thành Trung tâm lưu trữ, bảo quản quốc gia trên cơ sở có sẵn là Thư viện tổng hợp tỉnh; Đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế; Đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích cấp quốc gia có giá trị tiêu biểu nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế...

Đảm bảo phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa - ảnh 4
Thừa Thiên Huế đang còn rất nhiều di tích, di sản cần được đầu tư tuu bổ, bảo tồn. Trong ảnh: Du khách quốc tế tham quan khu di sản Đại Nội Huế

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đánh giá cao tinh thần làm việc và các ý kiến góp ý chất lượng, sát thực tế của các đại biểu. Đồng thời cũng trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, những ý kiến đóng góp của tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được tiếp thu để tổng hợp, hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, để sau khi ban hành sẽ dễ triển khai, dễ tổ chức thực hiện, quản lý nhằm phát huy hiệu quả cao nhất. Từ đó, đảm bảo đầu tư phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa; đảm bảo mục tiêu phát triển văn hóa ngang hàng kinh tế, chính trị, xã hội theo quan điểm xuyên suốt trong các Nghị quyết của Đảng.