Câu chuyện giữ hồn Then xứ Lạng: Trao di sản vào tay nhân dân

VHO- Dọc biên giới Đông Bắc, có lẽ hiếm nơi nào thực hành Then có một đời sống sôi nổi và sống động như ở Lạng Sơn. Điều này xuất phát từ chủ trương bảo tồn di sản bằng cách đưa Then về đúng không gian thiêng của di sản: trên đôi tay của con người xứ Lạng.

Câu chuyện giữ hồn Then xứ Lạng: Trao di sản vào tay nhân dân - Anh 1

Hát Then có đời sống sôi nổi, sống động ở xứ Lạng 

Nuôi dưỡng Then từ bục giảng
Năm 2021, thầy Phùng Văn Thời (Phó hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS & THPT huyện Văn Quan) quyết định thành lập câu lạc bộ hát Then, đàn tính trong trường học. 
Từ nhỏ đã được nghe bà và mẹ hát Then, thấm thía cái lẽ sống của người Tày, Nùng được gửi gắm qua những cuộc then, qua những điệu hát sli, hát lượn và tiếng đàn tính trầm ấm, thầy Thời mong muốn những học trò của mình cũng được sống trong không gian thiêng liêng đầy ý nghĩa ấy.
Những ngày đầu thành lập, câu lạc bộ của thầy Thời chỉ có 16 thành viên tham gia. Bất kể lịch trình, cứ rảnh rỗi là thầy và trò cùng nhau học đàn, học hát. Sự say sưa của học trò với Then nằm ngoài hình dung của thầy Thời. Những cô cậu học trò thời công nghệ số 4.0 vẫn có nhu cầu sâu sắc được kết nối với quá khứ qua tiếng đàn, điệu hát. 
Sau 3 năm hoạt động, câu lạc bộ hát then, đàn tính của Trường PTDTNT THCS & THPT huyện Văn Quan đã phát triển mạnh mẽ và chuyên nghiệp. Các “nghệ nhân tuổi học đường” tự tin biểu diễn hát Then, đàn tính tại các sự kiện lớn, trang trọng của địa phương. Cùng với đó, phong trào học hát Then lan rộng toàn trường. Thầy Thời chia sẻ, 70% học sinh của trường biết hát ít nhất một làn điệu Then. 
Câu lạc bộ hát Then, đàn tính học đường của thầy Phùng Văn Thời chỉ là một trong số hàng chục câu lạc bộ trên bục giảng tại Lạng Sơn. 
Ba năm qua, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Lạng Sơn đã đưa di sản Then vào giảng dạy trong các nội dung sinh hoạt ngoại khóa và cả tiết học chính khóa môn giáo dục địa phương. Hiện toàn tỉnh có 23 trường ở 3 cấp học tổ chức thành công câu lạc bộ hát Then đàn tính, thu hút trên 400 học sinh theo học. 
Riêng tại huyện Văn Quan, sinh hoạt Then cũng rất sôi nổi tại thôn, phố với một lượng không nhỏ thành viên là học sinh. Các em được thực hành hát Then tại không gian gia đình, làng xóm, trải nghiệm những hình thức biểu diễn khác nhau, được bồi đắp tình yêu với món quà di sản được bà và mẹ trao truyền.

Nỗ lực làm sống động những vùng Then xứ Lạng
Với người Tày, Nùng ở Lạng Sơn, từ bao đời nay thực hành Then luôn gắn bó trong đời sống thường nhật, từ thờ cúng, cưới xin, giỗ chạp, cầu mùa tới bói toán, chữa bệnh, hội hè… Then với họ vừa là nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, vừa là nhu cầu sinh hoạt giải trí. Những điệu Then cổ quý giá như Then Tò Mạy, Then Khảm Hải, Tàng Nặm, Xuôi Lừa, Tàng Bốc, Khẩu Tu Vua, Pây Tàng, Pây Mạ, Khao Quan, Khao Sluông, Slắp Binh, Slắp Mạ… được lưu giữ gần như nguyên vẹn trong các cuộc Then. Trong đó, mỗi vùng Then lại có một màu sắc riêng, một biến tấu riêng khiến thực hành Then xứ Lạng trở nên phong phú và độc đáo.

Câu chuyện giữ hồn Then xứ Lạng: Trao di sản vào tay nhân dân - Anh 2

 Then với người Tày, Nùng Lạng Sơn vừa là nhu cầu tín ngưỡng tâm linh vừa là nhu cầu sinh hoạt giải trí 

Kể từ khi thực hành Then được UNESCO vinh danh năm 2019, cùng với các tỉnh sở hữu di sản, các cấp, ngành của tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản tới cộng đồng và trao di sản về đúng không gian thiêng liêng của nó: trên đôi bàn tay của người dân và trong mỗi gia đình, mỗi xóm làng. 
5 năm qua, Sở VHTTDL Lạng Sơn tổ chức từ 1-3 lớp dạy hát Then, đàn tính hằng năm cho người dân thuộc nhiều lứa tuổi. Trong số gần 70 câu lạc bộ dân ca của tỉnh, 90% là các câu lạc bộ bảo tồn và phát huy các làn điệu hát Then, đàn tính với số hội viên hơn 1.600 người. 
Ngành VHTT&DL cũng tạo ra các không gian văn hóa để người dân được trình diễn Then nhiều hơn như lồng ghép hát Then trong nội dung trải nghiệm tại các làng du lịch cộng đồng ở Hữu Liên, Yên Thịnh (huyện Hữu Lũng), Mông Ân, Thiện Hòa (huyện Bình Gia), Vũ Lăng, Chiến Thắng (huyện Bắc Sơn); thực hành Then tại các lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ, Bủng Kham, hội Háng Pỉnh (hội Bánh nướng), Lễ hội Hoa đào xứ Lạng, phố đi bộ Kỳ Lừa (thành phố Lạng Sơn)...

Câu chuyện giữ hồn Then xứ Lạng: Trao di sản vào tay nhân dân - Anh 3

Biểu diễn Then trong cộng đồng 

Bên cạnh đó, Sở VHTT&DL tỉnh cũng phối hợp với Hội Bảo tồn dân ca tỉnh vận động, khuyến khích các cơ sở có đông đồng bào dân tộc Tày, Nùng sinh sống thành lập các CLB hát Then, đàn tính gắn với truyền dạy cho thế hệ trẻ. Công tác bồi dưỡng Then cho thế hệ trẻ, xây dựng đội ngũ nghệ nhân trẻ để kế tục và phát huy di sản được đặc biệt chú trọng, đầu tư. Đây cũng là một trong những nội dung mà địa phương triển khai hiệu quả đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2030” do Bộ VHTTDL phê duyệt.

Tỉnh Lạng Sơn đã và đang thực hiện nhiều cuộc sưu tầm, ghi chép phục hưng Then cổ. Trong đó, các chuyên gia tìm được nhiều bài Then, điệu tính cổ gắn với đời sống sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của bà con Tày, Nùng, các dụng cụ gắn liền với nghi lễ thực hành Then và hát Then cổ. Đặc biệt, có 10 cây đàn tính cổ được tìm thấy và đưa vào bảo tàng phục vụ công tác trưng bày, triển lãm, góp phần tạo sức hấp dẫn cho Then xứ Lạng, thu hút khách tham quan yêu cái đẹp truyền thống mà tìm tới.
Sự chủ động, tích cực của ngành VHTTDL, sự quan tâm của các cấp, ngành và sự nỗ lực gìn giữ mạch nguồn văn hóa xứ Lạng của người dân với vai trò chủ thể văn hóa đã góp phần đưa hát Then, đàn tính phát triển sâu rộng trong cộng đồng, làm sống động một vùng di sản “Thực hành Then” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

THẢO VY, ảnh: T.C

Ý kiến bạn đọc