Ngày Sách và Văn hoá đọc 2024:

Đổi mới để thu hút độc giả trẻ

ĐÌNH TOÁN

VHO - Cuối tuần qua, trong không khí vui tươi, náo nức, Thư viện Quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) đã tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024. Với chủ đề Thế giới tôi đọc, ngày hội là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách cũng như người dân cả nước, góp phần phát huy giá trị của sách, văn hóa đọc trong cộng đồng. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy dự và cắt băng khai mạc ngày hội.

 

Đổi mới để thu hút độc giả trẻ - ảnh 1

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cùng các đại biểu cắt băng khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam

 Nhiều hoạt động hấp dẫn

Có mặt từ sớm để tham gia sự kiện, bạn Nguyễn Minh Tú, sinh viên ngành Hóa học (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) bày tỏ sự hứng thú khi được trải nghiệm các hoạt động thú vị, hấp dẫn.

Theo Minh Tú, trong bối cảnh “cuộc sống số”, các thiết bị công nghệ hiện đại thu hút hầu hết giới trẻ, việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc là một trong những cách làm hiệu quả để đưa mọi người quay về với những trang sách.

Cũng tại đây, các bạn còn được học cách cân bằng giữa văn hóa đọc truyền thống với văn hóa nghe - nhìn; trau dồi kỹ năng đọc sách để phục vụ hiệu quả cho việc học tập. Từng trang sách được lật mở là từng chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa tri thức, giúp người trẻ được tiếp cận với kho tàng tri thức rộng lớn của nhân loại.

Tham quan Trạm bảo tồn sách, bạn Hồ Thị Minh Châu, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh (Trường Đại học Greenwich Việt Nam) được tận mắt chứng kiến nhiều hiện vật cũng như được nghe thuyết minh về những công đoạn phục chế sách xưa.

“Không chỉ giúp chúng em hiểu được giá trị của sách trong cuộc sống đương đại, Ngày hội Sách và Văn hóa đọc 2024 còn giúp giới trẻ hiểu hơn về giá trị văn hóa truyền thống thông qua những cuốn sách cổ. Từ đó, thấy được giá trị to lớn của sách và văn hóa đọc, khẳng định dân tộc Việt Nam là dân tộc hiếu học. Nhiệm vụ của thế hệ ngày nay là kế thừa truyền thống tốt đẹp đó”, Minh Châu bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam, Ngày Sách và Văn hoá đọc 2024 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam được tổ chức với nhiều hoạt động mới mẻ, đa dạng, phong phú, thu hút công chúng nhiều lứa tuổi.

Đến với sự kiện, bạn đọc còn có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ trực tiếp với các tác giả, diễn giả, từ đó lan tỏa tình yêu với sách, đưa văn hóa đọc trở thành nét đẹp trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam còn diễn ra nhiều hoạt động khác như đọc sách sáng tạo; khám phá thư viện số; hoạt động chuyên đề Gieo mầm tri thức; thi vẽ tranh theo sách; trải nghiệm kỹ năng đọc sách; trưng bày các tác phẩm đoạt giải cuộc thi vẽ tranh theo sách; bốc thăm vòng tay may mắn; Trạm bảo tồn sách…

Đổi mới để thu hút độc giả trẻ - ảnh 2

 Nhiều hoạt động trải nghiệm dành cho học sinh, sinh viên tại ngày hội

Tạo lập thế hệ trẻ mê sách, yêu văn hóa đọc

Theo bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), việc triển khai Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, cùng với đó là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Trong đó, nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội về tầm quan trọng của sách, văn hóa đọc được nâng cao; khơi dậy tinh thần ham đọc sách, hình thành thói quen và kỹ năng đọc của người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh, thiếu niên.

Để hấp dẫn bạn đọc, nhất là giới trẻ, trong quá trình tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc lần này, Bộ VHTTDL đã chú trọng tổ chức các hoạt động theo xu thế phát triển của xuất bản điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để tạo nên những giá trị mới trong phát triển văn hóa đọc.

“Bộ VHTTDL sẽ tăng cường tổ chức các tọa đàm, hội thảo nhằm trao đổi về những khuynh hướng trong phát triển văn hóa đọc; cung cấp thông tin về kỹ năng đọc cho đối tượng đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên. Mỗi năm, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam do Bộ VHTTDL tổ chức sẽ có sự đổi mới về hình thức, nội dung, khích lệ phong trào đọc sách ngay từ cấp cơ sở”, bà Kiều Thúy Nga chia sẻ.

Cũng theo lãnh đạo Vụ Thư viện, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, đặc biệt là các cơ sở giáo dục cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến để mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ ý nghĩa và những lợi ích mà sách mang lại. Hoạt động khuyến đọc cần diễn ra thường xuyên, mang tính bền vững, có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước…

Đặc biệt, ngành Thư viện và Xuất bản cần những cái “bắt tay” chặt chẽ hơn trong tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc, tránh việc mạnh ai nấy làm.

Ông Nguyễn Xuân Dũng đề xuất thêm, để đọc sách trở thành thói quen của mỗi người dân, tạo nền tảng phát triển nhận thức và tư duy về cuộc sống, sự liên kết của các thiết chế văn hóa, đặc biệt là hệ thống thư viện với cơ quan giáo dục ngoài nhà trường, nơi học tập suốt đời của mọi người là vô cùng cần thiết.

Khi cả xã hội cùng “vào cuộc”, việc phát triển văn hóa đọc tại nước ta mới có thể chuyển mình mạnh mẽ và lan tỏa sâu rộng. 

Ý kiến bạn đọc