Lan tỏa thông điệp của Tổng Bí thư gửi ngành VHTTDL: Động lực mang lại khát vọng lớn cho đội ngũ văn nghệ sĩ

VHO- “Công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người đã đi đúng hướng, lấy cơ sở làm trọng tâm, nhân dân là chủ thể, văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc…”, trong thư gửi ngành VHTTDL nhân kỷ niệm 78 năm ngày thành lập, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định rất rõ lực lượng văn nghệ sĩ chính là nòng cốt trong sáng tạo, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc.

Lan tỏa thông điệp của Tổng Bí thư gửi ngành VHTTDL: Động lực mang lại khát vọng lớn cho đội ngũ văn nghệ sĩ - Anh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các chức sắc tôn giáo, các nhà khoa học, nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu… dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 Ảnh: TRẦN HUẤN

 

 Có mặt tại Hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực Văn hóa toàn quốc năm 2023 vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện giới nghệ sĩ biểu diễn đã bày tỏ sự xúc động khi được nghe Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trân trọng đọc Thư chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 Khơi gợi rất nhiều tâm tư về trách nhiệm của văn nghệ sĩ đối với xã hội

Lan tỏa thông điệp của Tổng Bí thư gửi ngành VHTTDL: Động lực mang lại khát vọng lớn cho đội ngũ văn nghệ sĩ - Anh 2

Chúng tôi lắng nghe từng câu, từng chữ của Tổng Bí thư, đó là những lời dặn dò, nhắn nhủ tâm huyết của người đứng đầu Đảng với đội ngũ cán bộ đang gánh vác trọng trách xây dựng nền văn hóa nước nhà. Tuy không đến dự được, nhưng Tổng Bí thư đã dành sự quan tâm sâu sắc cho ngành Văn hóa, thể hiện quan điểm của Đảng là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, là ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân đi”. Là một nghệ sĩ sân khấu, tôi rất tâm đắc khi nghe câu: “Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông”. Bức thư của Tổng Bí thư đã gợi lên rất nhiều tâm tư về trách nhiệm của văn nghệ sĩ đối với xã hội, từ đó thôi thúc chúng tôi có thêm nhiều tác phẩm chất lượng, tương xứng với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

Sự hiện diện và các bài phát biểu vô cùng sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và Thư chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 78 năm thành lập ngành Văn hóa đã chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và tình cảm trân trọng của Tổng Bí thư đối với đội ngũ văn nghệ sĩ - trí thức. Điều đó đã tạo niềm tin và cảm hứng để chúng tôi có thêm nhiều cảm xúc và lòng tin, mang khát vọng lớn, dám tiên phong mọi lúc, mọi nơi.

(NSND LỆ NGỌC, Giám đốc Sân khấu Lệ Ngọc)

 Ủng hộ tối đa sự sáng tạo của văn nghệ sĩ

Lan tỏa thông điệp của Tổng Bí thư gửi ngành VHTTDL: Động lực mang lại khát vọng lớn cho đội ngũ văn nghệ sĩ - Anh 3

Trong Thư chúc mừng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Nhiệm vụ chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam là một nhiệm vụ chiến lược lâu dài, rất cần sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội… Chúng ta không chủ quan, tự mãn, quá vui mừng, say sưa trước những kết quả bước đầu và cũng không hề nhụt chí, nản lòng trước những khó khăn, thách thức đang còn phải đối mặt”. Đội ngũ văn nghệ sĩ càng nhận thức sâu sắc hơn vai trò, vị trí của văn học nghệ thuật trong đời sống xã hội, không ngừng nỗ lực rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hưởng ứng các cuộc vận động sáng tác về đề tài 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 50 năm thống nhất đất nước (2025) hướng tới mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (2030) và 100 năm thành lập nước (2045) với các chủ đề: Sống mãi với thời gian do Bộ VHTTDL và Bài ca thống nhất non sông do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát động…

Một tin vui đến với văn nghệ sĩ cả nước là Chính phủ và các Bộ, ban, ngành liên quan đang tiến hành xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là một Chương trình quan trọng cho sự phát triển bền vững, cụ thể hóa 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 giải pháp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Văn nghệ sĩ sẵn sàng tham gia vào nhiệm vụ quan trọng này khi được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó.

(NSND TRỊNH THÚY MÙI, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam)

 Tổng Bí thư đã có sự quan tâm, chỉ đạo rất kịp thời

Lan tỏa thông điệp của Tổng Bí thư gửi ngành VHTTDL: Động lực mang lại khát vọng lớn cho đội ngũ văn nghệ sĩ - Anh 4

Tôi vô cùng xúc động khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những lời tâm huyết, chỉ đạo sát sao trong Thư chúc mừng ngành Văn hóa nhân kỷ niệm 78 năm thành lập. Đặc biệt, tôi cho rằng sự quan tâm của Tổng Bí thư đối với văn hóa cũng như đối với đội ngũ làm công tác văn hóa như vậy là rất kịp thời.

Tôi muốn nhấn mạnh đến tính kịp thời của bức thư cũng như những tình cảm, tâm tư mà Tổng Bí thư dành cho Văn hóa. Có thể nói, đây là giai đoạn đang có sự thoái trào chung của tình hình kinh tế thế giới và tình hình văn học nghệ thuật tại Việt Nam. Những lời động viên, chỉ đạo của Tổng Bí thư lúc này thực sự ý nghĩa đối với giới văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa. Được nghe những lời ghi nhận đầy trân trọng và những chỉ đạo thiết thực, sát sao, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh để sẵn sàng “tay trong tay”, đoàn kết nỗ lực phát triển.

Tôi cũng cho rằng, cần có sự kết nối các thế hệ văn nghệ sĩ mạnh mẽ hơn nữa, mặc dù điều này lâu nay chúng ta vẫn đang làm, nhưng sự kết nối đó dường như vẫn chưa có tính xuyên suốt. Để văn học nghệ thuật phát triển, nó cần phải triển khai thường xuyên, thấu đáo và hiệu quả hơn. Một minh chứng là, chúng ta vẫn chưa định hình được các dòng văn học nghệ thuật, tính truyền thống còn thưa vắng và càng lúc càng phai nhạt. Sắc màu của rất nhiều tộc người đang bị đánh mất, điều này thấy rất rõ trong ngành Múa. Tác phẩm nào cũng pha đương đại vì có thể nó sinh động, đẹp mắt, đương nhiên đó là phương tiện chuyển tải, nhưng nếu chúng ta cứ dễ dãi cho qua mà không định hướng, không có sự gắn kết và chuyển giao giữa các thế hệ thì lâu dần yếu tố dân tộc Việt sẽ hoàn toàn biến mất…

(NSND.TS HÀ THẾ DŨNG, Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam)

 

 THÚY HIỀN - THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc