Hà Giang cần ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển văn hóa

VHO - Sáng 28.10, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị Văn hóa năm 2023. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Hà Giang cần ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển văn hóa - Anh 1

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Cùng dự có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; lãnh đạo Ban, bộ, ngành TƯ; các chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, người có uy tín, nghệ nhân dân gian tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Về phía tỉnh Hà Giang có Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn...

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới ở cực Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng và an ninh; là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Hòa cùng dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc ta, đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang đã sắt son một lòng, phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn, đoàn kết gắn bó keo sơn, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp; đồng thời bồi đắp nên kho tàng văn hóa độc đáo, thống nhất trong đa dạng, kết tinh vẻ đẹp, khí phách của đất và người Hà Giang. Những địa danh lịch sử, những giá trị văn hóa ở vùng đất hùng vĩ, tươi đẹp ở nơi biên cương của Tổ quốc đã trở thành biểu tượng sáng ngời của tinh thần yêu nước, bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng nghìn năm của lớp lớp các thế hệ cha ông chúng ta; là nền tảng hun đúc nên những phẩm chất đặc trưng của con người Hà Giang với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần kiên trung, quả cảm, đoàn kết, tự cường, bao dung, nghĩa tình, khảng khái, cần cù, sáng tạo.

Biểu dương tỉnh Hà Giang trong thời gian vừa qua đã nhận thức được vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, từng bước củng cố hành lang pháp lý; triển khai những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ đề nghị Hà Giang phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, tạo bước đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, thực chất hơn nữa trong phát triển văn hóa, xây dựng con người, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hà Giang cần ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển văn hóa - Anh 2

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang Thào Hồng Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị

Theo đó, sau Hội nghị này, tỉnh tập trung nghiên cứu, ban hành Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững; để thống nhất ý chí và hành động, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cần nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về văn hóa, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững tỉnh Hà Giang. Đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền sâu rộng, sáng tạo, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và 6 nhóm nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp lớn, sâu sắc và toàn diện nhằm chấn hưng, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Đồng thời, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện hiệu quả chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam. Xác định rõ, xây dựng, phát triển văn hóa là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của các Cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Gắn kết chặt chẽ các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của tỉnh.

Cùng với đó, tập trung triển khai hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam một cách sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Đây là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất cơ bản mà Đảng ta nhấn mạnh tại Đại hội XIII; được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm rõ và chỉ đạo rất sâu sắc tại Hội nghị văn hóa toàn quốc. Trong thời gian tới, tỉnh cần đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa, đưa các hệ giá trị thấm sâu vào đời sống của đồng bào, trở thành mục tiêu và động lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang thống nhất trong đa dạng. Phát huy vai trò của gia đình, trường học, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người phát triển toàn diện. Mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, đoàn kết, dân chủ, văn minh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống.

Hà Giang cần ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển văn hóa - Anh 3

Các đại biểu dự Hội nghị

Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tăng cường đầu tư các thiết chế văn hóa hiện đại, đồng bộ hóa hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, phù hợp với văn hóa của từng địa phương, từng dân tộc; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa tốt đẹp của 19 dân tộc anh em, gắn với triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phát huy mạnh mẽ vai trò của chủ thể văn hóa trong xây dựng, tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa cơ sở, đảm bảo công bằng, hài hòa, thúc đẩy đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc. Tăng nguồn lực đầu tư bền vững từ ngân sách của tỉnh; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa đúng hướng nhằm huy động các nguồn lực xã hội phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Giang. Tập trung bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử trở thành những “địa chỉ đỏ” giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng của quê hương cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Khai thác có hiệu quả giá trị di sản văn hóa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung xử lý hài hòa mối quan hệ giữa gìn giữ, bảo tồn với phát huy, khai thác kho tàng di sản để truyền lại cho các thế hệ mai sau.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với bài trừ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào các dân tộc; xây dựng môi trường văn hóa, nếp sống văn hóa lành mạnh, để văn hóa thực sự là nền tảng, hệ điều tiết trong xử lý hài hòa các mối quan hệ, góp phần yên dân, xây dựng và củng cố vững chắc thế trận lòng dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa. Xây dựng chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ văn hóa, văn nghệ, khoa học, có trình độ chuyên môn, năng lực, phẩm chất ở tỉnh và các địa phương. Khắc phục triệt để tình trạng chắp vá, bố trí cán bộ không đúng sở trường chuyên môn trong lĩnh vực văn hóa. Tăng cường liên kết, phối hợp với các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu về văn hóa, nghệ thuật ở Trung ương và trong khu vực để thúc đẩy đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành văn hóa. Chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian trên địa bàn tỉnh, nhất là đội ngũ kế cận. Trước mắt, cần tiếp tục đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động của Hội văn học, nghệ thuật tỉnh và các Hội Nghệ nhân dân gian; gắn với xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách có tính đột phá để phát triển văn học, nghệ thuật, nhất là văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số.

Hà Giang cần ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển văn hóa - Anh 4

Toàn cảnh Hội nghị

Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ cũng đề nghị Hà Giang chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, tăng cường phát triển văn hóa đối ngoại. Tỉnh cần nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế về vị trí địa lý giáp với tỉnh Quảng Tây và Vân Nam của nước bạn Trung Quốc; đồng thời sở hữu Cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu và Di sản thực hành Then của dân tộc Tày, Nùng Hà Giang được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cùng với 10 tỉnh, thành trong cả nước; từ đó tăng cường kết nối vùng, liên vùng và với các quốc gia, tổ chức quốc tế để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc; đồng thời tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa Hà Giang. Chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hóa và con người Hà Giang; hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa trong quá trình phát triển; tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển vành đai văn hóa biên cương, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển văn hóa đối ngoại, gia tăng sức mạnh mềm của tỉnh và toàn vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá về con người, đất nước Hà Giang đặc biệt là những di sản văn hóa độc đáo chỉ riêng Hà Giang mới có.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng quyết tâm xây dựng văn hóa, nâng cao dân trí, phát triển con người toàn diện bằng những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực, phù hợp với truyền thống, phong tục tập quán của đồng bào và yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

Trên nền tảng những thành tựu quan trọng đã đạt được; với quyết tâm chính trị lớn và nhất là sự hội tụ truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc anh em, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng nghĩa tin tưởng sâu sắc rằng, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà sẽ đạt được những kết quả đột phá quan trọng trên lĩnh vực này trong thời gian tới, để tiếp tục đưa Hà Giang phát triển nhanh và bền vững, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hà Giang cần ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển văn hóa - Anh 5

Chương trình văn nghệ chào mừng Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang Thào Hồng Sơn cho biết: Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới ở cực bắc của Tổ quốc, có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp và lịch sử văn hóa lâu đời; là địa bàn sinh sống của 19 dân tộc anh em, trong đó mỗi dân tộc đều sở hữu các giá trị văn hóa độc đáo, góp phần tạo nên diện mạo văn hóa tỉnh nhà phong phú, đa dạng, mà thống nhất, giàu bản sắc. Trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã thổi hồn mình vào từng mỏm đá, ngọn núi, dòng sông; để rồi từng tấc đất “phên dậu” của Tổ quốc luôn thấm đẫm các trầm tích văn hóa, thể hiện đậm nét thế giới quan, nhân sinh quan độc đáo của con người nơi đây. Trải qua hơn 130 năm hình thành, phát triển và sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Giang đã và đang nỗ lực vượt khó đi lên, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng-an ninh và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Trong lịch sử hào hùng ấy, giá trị văn hóa, sức mạnh con người Hà Giang luôn giữ vị trí quan trọng và có những đóng góp to lớn. Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, văn hóa đã và đang đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn đối với sự phát triển của tỉnh nhà. Những kết quả đã đạt được là rất đáng mừng; tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế còn rất lớn, đồng thời thực tiễn cũng đã bộc lộ những vấn đề cần giải quyết hiệu quả để tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang trong giai đoạn mới.

Với 51 tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đã đã tập trung làm rõ vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội, những thành tựu to lớn cũng như những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, các vấn đề đặt ra và các định hướng, giải pháp bảo tồn và phát triển văn hóa tỉnh Hà Giang trong những năm tới. Trong đó, nhiều giải pháp có ý nghĩa thiết thực đã được các tác giả gợi mở như: giải pháp khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa, con người Hà Giang; giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và các di sản văn hóa trên địa bàn; giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lực văn hóa phục vụ phát triển bền vững Hà Giang; giải pháp bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; giải pháp nâng cao chất lượng văn học, nghệ thuật của tỉnh, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ; giải pháp phát triển thị trường công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, trong đó có Hà Giang...

Hà Giang cần ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển văn hóa - Anh 6

Phát biểu kết luận Hội nghị, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng chân thành cảm ơn và tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và các phát biểu thảo luận của chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu của tỉnh. Nhằm phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá sức mạnh con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Giang cùng tập trung thực hiện tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý lĩnh vực văn hoá. Vận dụng và triển khai hiệu quả hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Quan tâm và triển khai các giải pháp đồng bộ, đột phá trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hoá, nhất là các di sản đã được vinh danh, gắn với phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, tập trung xây dựng văn hoá trong Đảng và trong hệ thống chính trị gắn với tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá giá trị văn hoá Hà Giang đến với Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với các cấp, ngành, đơn vị, địa phương tổng kết lý luận và thực tiễn, tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về "Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững".

Trước đó, tối 27.10, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu dự khai mạc Không gian trưng bày sản phẩm tiêu biểu vùng Đông Bắc và trao giải Hội thi trà Shan tuyết Hà Giang năm 2023;

dâng hương, hoa viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị xuyên và Đền thờ các Anh hùng Liệt sĩ điểm cao 468, thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên; thăm không gian văn hóa Bảo tàng tỉnh Hà Giang.

NGUYỄN THANH - THU LÊ

Ý kiến bạn đọc