Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Nhìn lại 5 năm Thực hành "Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”: Vui mừng xen lẫn nỗi lo

Thứ Tư 17/08/2022 | 11:29 GMT+7

VHO- Trong hai ngày 15-16.8, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong bối cảnh hiện nay” tại TP.HCM, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa, cộng đồng thực hành tín ngưỡng này.

 Hội thảo tổ chức tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM trong hai ngày 15-16.8

“Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” được UNESCO ghi danh năm 2016, và hội thảo nhằm nhìn lại những kết quả đạt được sau 5 năm UNESCO công nhận; góp phần hướng đến mục tiêu xây dựng Báo cáo quốc gia vào năm 2024 trình UNESCO đánh giá sức sống và những nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn tại của di sản văn hóa “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, những nỗ lực, biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản, đặc biệt là vai trò tham gia của cộng đồng vào việc bảo vệ di sản.

Các thực hành diễn ra sôi động

Theo các chuyên gia, nhà quản lý văn hóa, sau 5 năm được UNESCO ghi danh và Chính phủ Việt Nam triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, Thực hành “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã có nhiều thay đổi. Nhận thức của các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân đối với vị trí và vai trò của di sản văn hóa trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội được đầy đủ hơn; sức lan tỏa của di sản này cũng mạnh mẽ hơn ở nhiều địa phương...

Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi tích cực, việc thực hành di sản văn hóa này còn bộc lộ một số mặt hạn chế, bất cập. Tình trạng thương mại hóa các nghi lễ, lễ hội vẫn xuất hiện ở một số nơi; hiện tượng đốt vàng mã quá mức ở các đền phủ; chất lượng tổ chức nghi lễ, lễ hội chưa cao, có lúc có nơi chưa thực hiện đúng với nguyên tắc tổ chức truyền thống... Tất cả những hạn chế, bất cập nêu trên đã và đang ảnh hưởng trái chiều tới nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

GS.TS Từ Thị Loan (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho biết, từ khi được UNESCO ghi danh, các sinh hoạt thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu được tự do phát triển, thậm chí có dấu hiệu “bùng nổ”, thể hiện sự gia tăng nhanh chóng số lượng các cơ sở thờ tự cũng như đội ngũ các thanh đồng. Ngoài các đền, phủ chuyên về thờ Mẫu, nhiều ngôi chùa trước đây thuần túy thờ Phật, một số đền chuyên thờ Thánh thần, một số đình vốn chỉ thờ Thành hoàng đã mở thêm không gian thờ Mẫu hoặc các ban thờ Đức Thánh Trần. Cùng với đó, các thực hành nghi lễ thờ cúng và hầu đồng diễn ra sôi động. Một đặc điểm của tín ngưỡng thờ Mẫu là bất cứ thanh đồng nào cũng có thể mở điện thờ riêng tại gia. Hiện nay số lượng điện thờ tư gia trong cả nước là vô cùng lớn, khó có thể đưa ra con số chính xác. Song hành với điều đó là số lượng các đồng thầy, đồng đền, đồng điện, thủ nhang cũng tăng lên không ngừng…

Tổ chức UNESCO đánh giá di sản “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã và đang góp phần quan trọng vào việc tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản, thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo, tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành. “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” là một sinh hoạt tâm linh, nơi mà yếu tố nghệ thuật như trang phục, vũ đạo và âm nhạc đóng vai trò quan trọng. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã có những cơ chế, chính sách để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” như hỗ trợ, thành lập các câu lạc bộ bảo vệ và phát huy giá trị di sản ở địa phương, phục hồi các lễ hội truyền thống, tổ chức nghiên cứu khoa học, xuất bản tài liệu hướng dẫn; tổ chức triển lãm, trưng bày, trình diễn di sản tại bảo tàng; thiết kế các chương trình giảng dạy chính thức và phi chính thức, tôn vinh, công nhận danh hiệu cho các nghệ nhân và thủ nhang, đồng đền tiêu biểu.

Các hoạt động đó phản ánh cam kết của Nhà nước, cộng đồng nhằm bảo vệ di sản. Mục tiêu tổng thể là để đảm bảo tính khả thi trong việc thực hành di sản, tránh việc thương mại hóa các nghi lễ...

 Một số thực hành nghi lễ hầu đồng tại Đền thờ Đức Thánh Mẫu Phủ Dầy phối thờ Hai Bà Trưng, tại TP.HCM trong khuôn khổ hội thảo

Xuất hiện sân khấu hóa hầu đồng, trần tục hóa nghi lễ

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, sau khi được UNESCO ghi danh, bên cạnh các kết quả khả quan, công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng gặp không ít khó khăn. Đây không phải là một di sản văn hóa phi vật thể thông thường, nó còn gắn với tín ngưỡng, tâm linh, với những yếu tố nhạy cảm mà dư luận thường cho là “mê tín dị đoan”, “buôn thần bán thánh” như nhập hồn, phán truyền, đốt vàng mã… Do đó, làm thế nào để vừa bảo đảm đáp ứng nhu cầu tâm linh chính đáng của người dân, vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của nó để phục vụ đời sống là một bài toán khó.

“Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” với vị thần chủ là Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thực hành ở nhiều địa phương. Tỉnh Nam Định là địa phương có gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh, và còn rất nhiều đền, phủ lớn khác ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế và TP.HCM thờ phụng Thánh Mẫu. Chủ thể di sản tín ngưỡng này là các thủ nhang, thầy cúng, thanh đồng hầu dâng, cung văn, con nhang đệ tử cùng với cộng đồng cư dân có chung một niềm tin vào quyền năng, sức mạnh tối linh, sự bảo trợ của các Mẫu, đứng đầu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, gắn bó với nhau thành ban hội, cùng nhau thực hành nghi lễ thờ cúng, tham gia lễ hội, nghi lễ lên đồng tại các đền, phủ, điện thờ Mẫu.

Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng Nam Định, Chủ tịch Hội Bảo vệ di sản tín ngưỡng thờ Mẫu tỉnh Nam Định cho biết, sau khi được UNESCO ghi danh, nhiều cơ quan đơn vị đã phối hợp với các tổ chức cộng đồng, chủ thể của di sản tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học và “diễn xướng hầu đồng”. “Không thể phủ nhận các hoạt động đó đã huy động nguồn lực xã hội hóa, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, cũng có cơ quan, đơn vị không có chức năng quản lý, nghiên cứu về di sản văn hóa cũng tổ chức các hoạt động trên theo kiểu “trăm hoa đua nở”, nên không hiểu đầy đủ về di sản và hiệu quả tuyên truyền, giáo dục không cao. Có đơn vị còn đứng ra tổ chức “liên hoan hầu đồng”, thi trình diễn trang phục hầu đồng do các thanh đồng thực hiện hoặc phát các bằng chứng nhận, bằng vinh danh cho các tổ chức, cá nhân tham dự hầu đồng không đúng thẩm quyền và quy định. Đáng trách là có những hoạt động tổ chức cho các ông, bà đồng thực hành nghi lễ Chầu văn, hầu đồng diễn ra trên sân khấu của các thiết chế văn hóa công cộng làm mất đi tính “thiêng” của di sản, làm trần tục hóa tín ngưỡng…”, ông Thư cho cho biết.

“Trong thời gian qua, trào lưu sân khấu hóa hầu đồng dẫn đến việc “giải thiêng”, trần tục hóa nghi lễ không chỉ xuất phát từ những hành động phô trương, trục lợi của các thanh đồng, mà còn có sự tham gia, lạm dụng của các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Đứng trước thực trạng đó, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và quản lý văn hóa rất lo lắng về tình trạng biến tướng, làm sai lệch giá trị di sản”, GS Từ Thị Loan cảnh báo. Chuyên gia này nói thêm rằng, một số thanh đồng do đặt nặng yếu tố thị trường đã tranh thủ “núp bóng di sản” để trục lợi, kiếm tiền, phát triển các dịch vụ tâm linh, “chặt chém” con nhang đệ tử… 

 Không thể phủ nhận các hoạt động thời gian qua đã huy động nguồn lực xã hội hóa, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, cũng có cơ quan, đơn vị không có chức năng quản lý, nghiên cứu về di sản văn hóa cũng tổ chức các hoạt động trên theo kiểu “trăm hoa đua nở”, nên không hiểu đầy đủ về di sản và hiệu quả tuyên truyền, giáo dục không cao.

Đáng trách là có những hoạt động tổ chức cho các ông, bà đồng thực hành nghi lễ Chầu văn, hầu đồng diễn ra trên sân khấu của các thiết chế văn hóa công cộng làm mất đi tính “thiêng” của di sản, làm trần tục hóa tín ngưỡng…

(Ông NGUYỄN VĂN THƯ, Chủ tịch Hội Bảo vệ di sản tín ngưỡng thờ Mẫu tỉnh Nam Định)

 

 Trong thời gian qua, trào lưu sân khấu hóa hầu đồng dẫn đến việc “giải thiêng”, trần tục hóa nghi lễ không chỉ xuất phát từ những hành động phô trương, trục lợi của các thanh đồng, mà còn có sự tham gia, lạm dụng của các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Đứng trước thực trạng đó, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và quản lý văn hóa rất lo lắng về tình trạng biến tướng, làm sai lệch giá trị di sản.

(GS.TS TỪ THỊ LOAN)

 THÙY TRANG; ảnh: HOÀNG LINH

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top