Tôn vinh nghệ thuật dân gian và nghề thủ công tại Giao lưu văn hóa Hội An- Nhật Bản

VHO- Diễn ra lần đầu tiên từ năm 2003, đến nay, sự kiện giao lưu văn hóa Hội An- Nhật Bản đã trở thành thương hiệu, như một lễ hội truyền thống trong lòng người dân Hội An cũng như những người bạn Nhật Bản yêu quý đất nước Việt Nam.

Tôn vinh nghệ thuật dân gian và nghề thủ công tại Giao lưu văn hóa Hội An- Nhật Bản - Anh 1

Giao lưu, tìm hiểu văn hóa Nhật Bản, Hội An

Đã thành truyền thống, qua 18 lần tổ chức định kỳ, các chương trình tại sự kiện giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản luôn chú trọng đến chất liệu truyền thống, sáng tạo phù hợp. Với rất nhiều hoạt động tôn vinh, giao lưu văn hóa, nghệ thuật dân gian, các nghề thủ công của Hội An và Nhật Bản, là cơ sở để học hỏi, phát triển nền nghệ thuật dân gian tại địa phương ngày một đặc sắc hơn khi tham gia mạng lưới sáng tạo toàn cầu.  
Năm nay, Giao lưu văn hóa Hội An- Nhật Bản lần thứ 19 sẽ diễn ra từ ngày 4-6.8 tại Khu phố cổ Hội An cũng hướng đến trọng điểm về sự sáng tạo trên lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian. Đây là cơ hội để các hoạt động thủ công, nghệ thuật dân gian của Hội An có dịp tiếp cận, giao lưu với các loại hình nghệ thuật truyền thống, các nghề thủ công của Nhật Bản, cũng như thúc đẩy hơn nữa cơ hội quảng bá lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian mà TP Hội An đã chọn xây dựng  hồ sơ ứng cử tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.  

Mở đầu là triển lãm tranh sơn mài của nữ họa sĩ Saeko Ando với chủ đề “Vũ trụ vi mô x Vũ trụ vĩ mô- Hội An, Nơi tôi sống giữa hai vũ trụ” trưng bày những tác phẩm được nữ họa sĩ Nhật Bản sáng tác khi đang sống ở Hội An, thể hiện thế giới quan, tâm hồn và triết học Nhật Bản bằng chất liệu truyền thống Việt Nam. Bên cạnh duy trì bản sắc truyền thống, Hội An thực sự đang trở thành nơi hội tụ cho nghệ sĩ  sáng tạo trong nước và quốc tế về với Hội An.

Các hoạt động của nghề thủ công Hội An cũng như Nhật Bản cũng sẽ có cơ hội trình diễn, giới thiệu tại sự kiện như: Không gian trưng bày điêu khắc gỗ “Thương cảng Hội An xưa” của nghệ sĩ Lê Ngọc Thuận; Hướng dẫn cắm hoa nghệ thuật Nhật Bản cùng nghệ nhân Endo Yuko- người sáng lập trường phái Ikebana; Hướng dẫn viết thư pháp Nhật Bản của nghệ nhân TP Sakai; Không gian trải nghiệm gấp giấy Origami và thử trang phục Yukata, Nhật Bản. 
Những không gian trình diễn nghệ thuật dân gian truyền thống của Hội An như dân ca, bài chòi, hát bội, hò khoan đối đáp, lồng ghép cùng những điểm trình diễn nghề thủ công mỹ nghệ như mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, lồng đèn, ẩm thực với rau Trà Quế và các đặc sản Hội An,…sẽ được tổ chức thường xuyên tại khu phố cổ, chợ phiên Hội An. 

Tôn vinh nghệ thuật dân gian và nghề thủ công tại Giao lưu văn hóa Hội An- Nhật Bản - Anh 2

Các tiết mục giao lưu nghệ thuật dân gian đặc sắc của Hội An, Nhật Bản

Trong những năm qua, Hội An cũng chủ động thiết lập, mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá và sáng tạo. Thể hiện qua việc tổ chức định kỳ và đăng cai nhiều lễ hội, sự kiện giao lưu văn hoá tầm quốc gia, quốc tế, kết nối biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian tại nhiều quốc gia, quảng bá văn hoá Hội An đến cộng đồng quốc tế và du khách. Đồng thời tạo cơ hội cho thành phố di sản này trở thành miền đất của lễ hội, mở ra nhiều cơ hội giao lưu, sáng tạo trên nền tảng văn hóa truyền thống của Hội An và các quốc gia khác. 
“Đặc biệt, mỗi sự kiện, thành phố luôn nghiên cứu nội dung hoạt động hấp dẫn để thu hút, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và du khách quốc tế, đúng như tinh thần mà Hội An muốn hướng đến khi ứng cử tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu: Luôn nghiên cứu nội dung hoạt động thu hút, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và du khách quốc tế về mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu cũng như lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian mà Hội An đang theo đuổi. Để Hội An-thành phố sáng tạo luôn là nơi hội tụ, tiếp thu văn hóa quốc tế nhưng vẫn giữ được các nét đẹp truyền thống bản địa”, bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh-Truyền hình TP Hội An chia sẻ. 
Bên cạnh đó, các kỳ lễ hội cũng luôn tuân thủ, đề cao các yếu tố xanh bảo vệ môi trường hướng tới khẳng định thương hiệu Hội An – Điểm đến du lịch xanh thông qua hoạt động Góc chuyển động xanh với các hoạt động cộng đồng, người dân, du khách cùng chung tay vì môi trường xanh, sạch, văn minh. 

Tôn vinh nghệ thuật dân gian và nghề thủ công tại Giao lưu văn hóa Hội An- Nhật Bản - Anh 3

Tái hiện đám cưới Công nữ Ngọc Hoa cùng thương nhân Araki Sotaro

Là một trong những nơi khởi nguồn cho mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam cách đây hơn 400 năm, Hội An là vùng đất mang nhiều giá trị lịch sử đặc trưng, là nơi thể hiện sự giao thoa văn hóa đa dạng, đặc biệt trong thời kỳ Hội An là thương cảng quốc tế, các thương nhân Nhật Bản đã đến và để lại những dấu ấn văn hóa tại đây. Những kỳ giao lưu văn hóa Hội An- Nhật Bản được tổ chức tại Hội An từ năm 2003 đến nay luôn tràn ngập âm sắc hòa quyện hai nền văn hóa Việt Nam- Nhật Bản nói chung, bản sắc văn hóa Hội An nói riêng. 
Các tổ chức văn hóa, cá nhân từ đất nước Nhật Bản tham gia sự kiện giao lưu những năm qua đều là những địa phương, những cá nhân, doanh nghiệp đã gắn bó với đô thị -thương cảng cổ Hội An qua rất nhiều sự kiện giao lưu văn hóa, giáo dục, các hoạt động cộng đồng,…TP Hội An luôn kết hợp với các công ty Nhật Bản để mời các ca sĩ Nhật Bản sang Hội An tham gia biểu diễn trong các kỳ sự kiện. 
Với các bạn đến từ Nhật Bản, mỗi kỳ giao lưu là một sự trở lại, trở về, không hề có cảm giác lạ lẫm mà luôn ấm cúng, chân tình, như truyền thống giao lưu buôn bán, giao lưu văn hóa Việt Nam-Nhật Bản đã khởi sự trên mảnh đất Hội An hơn 400 năm qua và vẫn được bảo lưu, phát huy đến nay, qua nhiều thế hệ.
Điều đó là một minh chứng rõ ràng của quá trình giao lưu quốc tế- một câu chuyện đã trở thành nét đặc trưng của vùng đất này. Các chương trình biểu diễn tại sự kiện, lễ hội luôn chú trọng đến chất liệu truyền thống, sáng tạo phù hợp, đó là một cơ sở để học hỏi, phát triển nền nghệ thuật dân gian tại địa phương ngày một đặc sắc hơn khi tham gia mạng lưới sáng tạo toàn cầu. Đồng thời qua đó tăng cường học hỏi để giúp Hội An đạt mục tiêu trở thành trung tâm thủ công và nghệ thuật dân gian đậm bản sắc và sáng tạo ở khu vực Đông Nam Á.

Đặc biệt, lễ khai mạc sự kiện vào đêm 5.8 sẽ là chương trình nghệ thuật đặc sắc, thể hiện mối quan hệ giao lưu sâu sắc giữa 2 vùng đất Hội An- Nhật Bản, trình diễn trích đoạn Opera “Công nữ Anio” do các nghệ sĩ opera nổi tiếng của Việt Nam thể hiện. Cùng với đó là màn trình diễn của các ca sĩ Việt Nam, Nhật Bản và các tiết mục nghệ thuật truyền thống đặc sắc giao lưu do các nghệ sĩ Hội An cùng tham gia biểu diễn. 

    KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc