Trang trọng Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ

VHO- Ngày 16.2 (tức mùng 7 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024) Lễ dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ theo nghi thức truyền thống chính thức diễn ra tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ).

Trang trọng Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ - Anh 1

Các đại biểu dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ

Dự Lễ dâng hương có lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam; lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, huyện Hạ Hòa; đại diện  Sở, ngành, đoàn thể, các địa phương, cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh cùng đông đảo nhân dân, du khách thập phương.

Trang trọng Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ - Anh 2

Lễ rước kiệu thánh từ Đền Đức Ông về đền Mẫu Âu Cơ

Mở đầu phần lễ là lễ rước kiệu thánh từ Đền Đức Ông - nơi thờ Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn, người con trai thứ 2 của Tổ Mẫu Âu Cơ đã có công cai quản, bảo vệ dân làng Hiền Lương. Đúng 7 giờ 30 phút, đoàn rước kiệu thánh gồm 100 thanh niên trai tráng khởi hành rước kiệu từ đình ra Đền Mẫu Âu Cơ. 

Trang trọng Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ - Anh 3

Chủ tịch UBND huyện Hạ Hòa Nguyễn Ngọc Anh đọc diễn văn tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ

Đi đầu đoàn rước là đội cờ ngũ hành và cờ thần, tiếp đến là các cô gái mang lễ vật dâng cúng (gồm tráp bánh, quả, rượu, trà, trầu và hương, hoa, mâm cơm chay, cơm mặn), rồi đến phường bát âm, đội chấp kích bát cửu, kiệu thánh - kiệu bát cống sơn son thiếp vàng…  Sau cùng là các vị chức sắc, bô lão mặc áo dài khăn đóng và dân làng. Sau khi đội rước kiệu vào tới sân đền, huyện Hạ Hòa tổ chức lễ dâng hương để tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ.

Trang trọng Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ - Anh 4

Các đại biểu dự lễ

Tại buổi lễ, các đại biểu đã thành kính dâng hương, hoa, lễ vật lên Tổ Mẫu Âu Cơ. Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, huyện Hạ Hòa thành kính dâng hương, hoa, lễ vật lên Tổ Mẫu Âu Cơ, bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ, tri ân công đức của Tổ Mẫu Âu Cơ. Cầu mong Tổ Mẫu Âu Cơ phù hộ cho xã tắc thịnh vượng, quốc thái dân an, bách gia trăm họ vạn đại trường tồn, đất nước hòa bình, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Trước hương linh Tổ Mẫu Âu Cơ, xin nguyện một lòng đoàn kết, phát huy truyền thống dựng nước và đấu tranh giữ nước, xứng đáng mang trong mình dòng máu Tiên Rồng…

Trang trọng Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ - Anh 5

Lãnh đạo tỉnh và nhân dân kính cẩn thắp hương tri ân Tổ Mẫu Âu Cơ

Trước anh linh Tổ Mẫu Âu Cơ, Chủ tịch UBND huyện Hạ Hòa Nguyễn Ngọc Anh đọc diễn văn tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ và cầu mong Tổ Mẫu phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ngay sau khi kết thúc phần lễ, các lãnh đạo tỉnh và nhân dân đã kính cẩn thắp hương tri ân Tổ Mẫu Âu Cơ.

Trang trọng Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ - Anh 6

Nghi thức Tế lễ nữ quan

Nối tiếp phần lễ là nghi thức Tế nữ quan. Trong tiếng trống chiêng trầm hùng, đèn nến lung linh, tiếng nhạc bát âm réo rắt, tỏa ngát hương trầm, Đội Tế nữ quan có trang phục áo dài, đầu đội khăn kim tuyến, thắt lưng dải lụa, riêng chủ tế trong lễ phục màu đỏ bắt đầu làm lễ khai tế; rước ẩm thực, rước chúc và làm lễ dâng hương, đọc sớ báo cáo tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ. Sau nghi thức Tế lễ, Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ chính thức được khai hội. Đây là lễ hội đầu tiên trong năm, mở màn cho các lễ hội tại Đất Tổ Vua Hùng.

Trang trọng Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ - Anh 7

Mẹ Âu Cơ là đệ nhất Tiên Thiên công chúa, giáng trần vào ngày mùng 7 tháng Giêng. Sau khi kết duyên với Cha Lạc Long Quân ở động Lăng Sương, 2 người đã cùng trở về núi Nghĩa Lĩnh. Đến ngày khai hoa, mẹ Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, nở thành 100 người con trai. Khi các con đã khôn lớn, cha Lạc Long Quân đưa 50 người con về miền Biển. Người con cả ở lại đất Phong Châu, nối ngôi Vua lấy niên hiệu là Hùng Vương thứ Nhất! Trong hành trình đưa 50 người con lên thượng nguồn sông Hồng mở mang bờ cõi, Tổ Mẫu Âu Cơ đã dừng chân ở Hiền Lương, huyện Hạ Hòa. Tại đây, Tổ Mẫu Âu Cơ thấy phong cảnh hữu tình, đất đai trù phú, người đã cho khai khẩn đất hoang, lập thôn ấp, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải; biến vùng đất hoang sơ thành trù phú. Khi quốc thái dân an người trở về trời, tri ân công đức Tổ Mẫu Mẫu Âu Cơ, thời Hậu Lê năm 1465 Vua Lê Thánh Tông đã phong thần và xây dựng ngôi đền.

Trải qua năm tháng, đến nay Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc trưng tiêu biểu, không thể thiếu của người dân Hạ Hòa nói riêng và nhân dân cả nước mỗi dịp tết đến, xuân về. Kết thúc phần tế nữ quan, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, huyện Hạ Hòa, nhân dân và du khách thập phương thắp hương tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ.

Trang trọng Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ - Anh 8

Trở về với Đền Mẫu Âu Cơ trong dịp này, là dịp để mỗi người dân Đất Việt thể hiện sự biết ơn tổ tiên, hướng về cội nguồn dân tộc, là tình cảm, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đó cũng là nguồn sức mạnh để dòng giống Lạc Hồng quyết tâm đoàn kết bảo vệ giang sơn của tổ tiên để lại, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh hiện đại hơn, nhưng vẫn bảo tồn và tiếp tục phát huy hơn nữa những nét đẹp đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc.

Năm 1991, đền Thờ Tổ mẫu Âu Cơ đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2017, Bộ VHTTDL đã chứng nhận tín ngưỡng thờ mẫu Âu Cơ - đền Mẫu Âu Cơ được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2020, Tượng Mẫu Âu Cơ được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.

Trang trọng Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ - Anh 9

Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn du khách thập phương và các đại biểu đã nô nức về Đền Mẫu Âu Cơ để tham dự ngày hội

 Có thể nói huyền thoại cha Lạc Long Quân - mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng khẳng định và tôn vinh lịch sử nòi giống Tiên Rồng của dân tộc Việt Nam. Hình tượng Cha Rồng - Mẹ Tiên vĩ đại, là kết tinh của giá trị lịch sử, mang đậm tính nhân văn sâu sắc, là đặc trưng văn hoá thể hiện bản sắc của dân tộc Việt Nam.

THANH VŨ

Ý kiến bạn đọc