Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Bảo vệ di tích, cổ vật ở TP.HCM: Cổ vật ở đình Khánh Hội “thi nhau đội nón” ra đi

Thứ Sáu 19/07/2019 | 10:39 GMT+7

VHO- Nhiều cổ vật có trị giá gần tỉ đồng liên tục bị mất cắp tại di tích kiến trúc – nghệ thuật đình Khánh Hội (quận 4, TP HCM), một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác an ninh, an toàn trong việc bảo vệ cổ vật tại di tích và các công trình, địa điểm thuộc Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa trên cả nước.

Tượng ông Nhật đã bị trộm cắp

Được xếp hạng di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp thành phố vào năm 2006, đình Khánh Hội vốn có từ xa xưa, đến năm Gia Long thứ 5 (1807) được lợp mái ngói, và được xây dựng lại từ năm 1973 có cấu trúc căn nhà tứ trụ với nhiều cổ vật có giá trị. Đến khoảng giữa năm 2018, ngôi đình được trùng tu tôn tạo, trong đó có hạng mục mái ngói ngôi đình.

Cổ vật bị mất trộm sau khi trùng tu di tích

Tuy nhiên, khoảng một tháng sau khi trùng tu, ngày 10.10.2018, đối tượng đã bẻ khóa lấy một tượng bà Nguyệt trên mái đình. Chưa dừng lại đó, đến ngày 23.3 vừa qua, một tượng ông Nhật và một tượng cá hóa Long trên mái đình tiếp tục bị đối tượng trộm cắp. Một tượng cá hóa Long còn lại trên mái đình cũng bị kẻ gian bẻ gãy. Cả ba hiện vật bị mất trộm được Hội đồng thẩm định xác định có niên đại vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chất liệu gốm Cây Mai (gốm Sài Gòn xưa). Ước tính những cổ vật bị mất cắp có giá trị khoảng 900 triệu đồng, còn những giá trị lịch sử, văn hóa của hiện vật thì không thể đong đếm được.

Ghi nhận của phóng viên tại đình Khánh Hội cho thấy, ngôi đình được bao quanh bằng bờ tường xây gạch, phía trước cổng chính có cửa sắt bảo vệ, khu chính điện và hai bên khuôn viên đình đều có gắn camera, một phần khuôn viên đình được tận dụng làm nơi giữ xe ô tô và xe máy. Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Văn Tuấn, người có gần 20 năm bảo vệ, trông coi đình cho biết, hàng chục năm trước khi trùng tu, dù cổng vào đình lỏng lẻo, thậm chí không có cổng bảo vệ nhưng chưa từng xảy ra tình trạng mất trộm bất cứ vật gì. Thế mà cổ vật lại bị mất trộm sau khi ngôi đình được trùng tu khoảng một tháng, dù các cửa thuộc đình được khóa cẩn thận, chắc chắn…

Hơn 70 năm sinh sống cạnh đình Khánh Hội, bà Hai Anh xót xa nói: “Mấy chục năm trước khi trùng tu, trong đình có mất cái gì đâu. Thậm chí trước đây, khách đến thăm viếng đình thường xuyên và đông hơn so với bây giờ nhưng chẳng xảy ra vụ trộm cắp nào”. Ông Nguyễn Hải Tâm, Trưởng ban quản lý đình Khánh Hội thông tin, sau khi xảy ra tình trạng mất trộm cổ vật, ông mới mang camera ở nhà ra gắn cho đình. Trước khi cổ vật bị mất trộm, ở đình chỉ có hai bảo vệ thay phiên nhau trông coi, nhưng chủ yếu là lo hương khói, quét dọn… chứ không có kinh nghiệm gì về bảo vệ cổ vật. Ông Tâm chia sẻ thêm, sau khi đình được trùng tu khang trang hơn vào khoảng tháng 9.2018, bà con xung quanh ai cũng phấn khởi, nhất là vào dịp diễn ra lễ hội cổ truyền của đình. Thế nhưng, niềm vui chưa được bao lâu thì nay lại xót xa, tiếc nuối, chỉ biết trông chờ vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng.

 Bà Hai Anh xót xa khi cổ vật của đình không còn

Đã chỉ đạo công an vào cuộc nhưng…

Sau khi nhận được báo cáo sự việc của Sở VHTT, UBND TP.HCM đã có văn bản giao Công an TP.HCM và UBND quận 4 chỉ đạo lực lượng chức năng và các đơn vị liên quan điều tra, xử lý nghiêm đối tượng trộm cắp hiện vật tại di tích đình Khánh Hội theo quy định của Luật Di sản văn hóa và Luật Hình sự; báo cáo kết quả điều tra, xử lý đến UBND TP.HCM. Đến nay, sự việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, truy tìm đối tượng trộm cắp.

Ngày 18.7, trao đổi với phóng viên Văn Hóa, đại diện Sở VHTT TP.HCM cho biết, không riêng gì ở đình Khánh Hội, trước đây cũng đã xảy ra tình trạng mất cắp hiện vật tại một số di tích trên địa bàn thành phố, dù hàng năm Sở đều ban hành văn bản đề nghị các đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố tăng cường công tác an ninh, an toàn… tại các di tích trên địa bàn thành phố. Thậm chí giữa tháng 5.2018, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo Công an thành phố và UBND các quận, huyện chỉ đạo cơ quan chức năng trực thuộc điều tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của đối tượng lấy trộm hiện vật tại di tích theo quy định; đồng thời tăng cường an ninh, an toàn tại di tích và công trình, địa điểm thuộc Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn quản lý.

Thế nhưng sau chỉ đạo của UBND TP.HCM, cổ vật tại di tích vẫn bị mất trộm liên tục, đáng nói là sau vụ bị mất trộm thứ nhất xảy ra tại đình Khánh Hội, trong khi lực lượng chức năng chưa điều tra ra được thủ phạm, thì lại tiếp tục xảy ra vụ trộm cắp cổ vật lần thứ hai tại cùng một di tích. Qua đây, dư luận không thể không đặt câu hỏi về vai trò, trách nhiệm quản lý của các cơ quan có liên quan trong việc ngăn chặn nạn trộm cắp cổ vật?

Đại diện Sở VHTT TP.HCM cho biết thêm, theo đề nghị của Bộ VHTTDL về tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tại công văn của Bộ hồi tháng 5 vừa qua, UBND TP.HCM đã có dự thảo và sẽ sớm ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nội dung nói trên của Bộ VHTTDL .

 HOÀNG HẢI

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top