Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Khi “Sơn ta” đột phá, đè “sơn công nghiệp”

Thứ Hai 01/06/2020 | 12:17 GMT+7

VHO- Trước sự “bành trướng” của sơn công nghiệp và cách làm tranh “ăn gian” thao tác, những nỗ lực bảo toàn chất liệu sơn ta cùng kỹ thuật làm tranh sơn mài cổ truyền của nhóm Họa sĩ Sơn ta Việt Nam luôn khiến công chúng yêu hội họa mong chờ nhiều đột phá.

 Tác phẩm “Sen” của Đỗ Đức Khải

Cuộc triển lãm thứ 5 của nhóm Sơn ta, nơi hội tụ 18 tác giả theo đuổi nhiều trường phái sẽ một lần nữa cho thấy từ đôi bàn tay sáng tạo của người họa sĩ, mức độ biểu đạt của sơn mài có thể đáp ứng bất kỳ phong cách nào.

Nỗ lực bảo toàn chất liệu truyền thống

Nếu đã từng xem Lam, triển lãm lần thứ 4 của nhóm Sơn ta, công chúng ít nhiều sẽ tò mò về triển lãm lần thứ 5. Bởi Lam gây ấn tượng mạnh, lần đầu tiên có một triển lãm tập trung thể hiện những sắc thái của màu lam, vốn là màu ít xuất hiện trong tranh sơn mài và cũng rất khó có thể lên được màu ưng ý sau cả quá trình vẽ, đổ màu, ủ, mài... lặp đi lặp lại. Sự độc đáo của Lam khiến công chúng mong chờ những đột phá kế tiếp từ nhóm họa sĩ đang nỗ lực bảo toàn chất liệu sơn ta cùng kỹ thuật làm tranh sơn mài cổ truyền trước sự “bành trướng” của sơn công nghiệp và cách làm tranh “ăn gian” thao tác.

Triển lãm lần thứ 5 của nhóm Họa sĩ Sơn ta Việt Nam sẽ diễn ra từ 1-8.6.2020 tại Nhà Triển lãm 29 Hàng Bài, với sự tham gia của 18 họa sĩ: Trần Ngọc Anh, Trần Đình Bình, Chu Viết Cường, Nguyễn Tuấn Cường, Đặng Hiền, Đặng Khánh Hội, Phùng Huy, Đỗ Đức Khải, Nguyễn Trường Linh, Trần Tuấn Long, Phạm Ngọc Mỵ, Nguyễn Hải Nam, Nguyễn Tú Quyên, Nguyễn Thu Trang, Trần Phi Trường, Nguyễn Thục Uyên, Nguyễn Đức Việt và Ngô Hải Yến. Nhóm Sơn ta Việt Nam được thành lập vào tháng 4.2013 bởi họa sĩ Nguyễn Đức Việt. Dự án đầu tiên của nhóm có khoảng 50 họa sĩ sơn mài tham gia. Để ra mắt triển lãm này, các họa sĩ đã hợp tác với các làng nghề Hạ Thái, Chuyên Mỹ, các nghệ nhân sơn mài, quì vàng bạc. 30 tác phẩm tại triển lãm đầu tiên đã được chọn để triển lãm tại Nga vào năm 2014. Triển lãm thứ hai vào năm 2015, là một kỳ nhiều thử thách với BTC bởi một số họa sĩ thành viên đã rời nhóm. Cuộc triển lãm này cũng đã đánh dấu một tính năng có giá trị khi chủ đề trở nên cởi mở hơn, gồm nhiều phong cách như siêu thực, trừu tượng, ấn tượng.

Triển lãm thứ ba năm 2016 cũng được giới nghề đánh giá cao. Triển lãm thứ tư vào tháng 10. 2018, được đặt tên là Lam. Tại đây, các họa sĩ đã đẩy giới hạn của họ bằng cách sử dụng màu xanh hài hòa với Sơn ta, một kỹ thuật khó khăn khi sơn trộn với sơn mài, màu sắc ban đầu tan biến. Cho đến triển lãm lần thứ 5 lại đánh dấu sự hợp tác của các họa sĩ trong việc phát huy phương tiện nghệ thuật thị giác truyền thống của Việt Nam. Một câu hỏi thú vị tiếp tục được đặt ra: Ranh giới nào mà các họa sĩ đưa ra cho công chúng lần này, trong khi vẫn trung thành với Sơn ta truyền thống?

Sáng tạo không giới hạn với Sơn ta

Triển lãm kéo dài tới hết ngày 8.6, 18 tác giả cùng những tác phẩm được thể hiện theo nhiều phong cách khác nhau. Triển lãm lần này cho thấy sức sáng tạo của người họa sĩ là không giới hạn, kể cả với thể loại “gò bó” về kỹ thuật như tranh sơn mài. Nếu ở triển lãm trước, các họa sĩ dụng công thể hiện màu Lam thì lần này, họ tìm cách khai phá sức biểu đạt của chất liệu sơn ta trong khi vẫn bảo toàn tiêu chí: bóng, nhẵn, sâu của tranh sơn mài. Sơn mài vốn được cho là khó đem lại cảm giác mềm mại, phóng khoáng như các chất liệu khác, khó gây ra rung động tức thì và do đặc thù về chất liệu, bảng màu, kỹ thuật làm tranh nên phần nào hạn chế ý đồ nghệ thuật và phong cách của người họa sĩ. Nhưng các họa sĩ Sơn ta đã cố gắng vượt ra khỏi những khuôn khổ để làm mới mình và đem đến những ấn tượng thị giác mới lạ, hiện đại hơn cho tranh sơn mài.

Đó là Đỗ Đức Khải với sự biến hóa linh hoạt trong bảng màu, chủ đề, lối thể hiện; trong đường nét, hình mảng khi chắc khỏe, khi mềm mại, khi tỉ mỉ đến từng nét bóng đổ trên mặt nước, từng chi tiết sấp bóng của phiến lá sen… Nguyễn Đức Việt thể hiện sức sáng tạo dồi dào qua phong cách đa dạng từ hiện thực đến siêu thực, trừu tượng. Chu Viết Cường với những bức tranh bản làng miền núi trong trẻo như sương sớm.

Cùng sử dụng những vệt màu để diễn tả mặt nước, nhưng khác với bức rèm nước êm đềm trong tranh của Chu Viết Cường, những con sóng đêm của Trần Tuấn Long lại cuồn cuộn gầm gào, khiến người xem có cảm giác ngộp gió. Cùng say mê tả nước còn có Trần Ngọc Anh. Mặt nước sóng sánh và những khoảng nắng lấp lóa được nữ họa sĩ khắc họa tinh tế, sinh động tựa như một bức ảnh chụp khe suối nhỏ đang róc rách chảy giữa rừng xanh. Sự đa dạng trong cách thể hiện cùng một chi tiết này chính là yếu tố hấp dẫn của triển lãm Sơn ta.

Trong triển lãm lần này, có một điểm thú vị khác là các họa sĩ đã tận dụng hiệu ứng sâu thăm thẳm của tranh sơn mài để gửi gắm nội tâm cùng nhiều chủ đề tư tưởng, tạo nên một vệt tranh biểu tượng bên cạnh loạt tác phẩm đặc tả thiên nhiên, thiếu nữ… Có thể nhắc đến Giếng và Bóng của Phùng Huy. Lối thể hiện tối giản, bảng màu trầm nặng, nhưng cách họa sĩ khắc họa bóng ghế và giếng nước như những biểu tượng khiến bức tranh vừa toát lên nét hiện đại, vừa dẫn dụ người xem phải dụng tâm khám phá. Không tối giản mà “đi nét” dày, tranh của Trần Phi Trường, Nguyễn Trường Linh… cũng ẩn chứa những mật mã hấp dẫn qua những biểu tượng đậm chất dân gian như chim muông, phụ nữ, thiên nhiên…

Mọi sáng tạo trong phong cách thể hiện nhằm làm mới tranh sơn mài luôn cần thời gian để trau chuốt, hoàn thiện. Với những nỗ lực của nhóm họa sĩ, có thể thấy đây là hướng đi đúng đắn nhằm thu hút công chúng và thị trường mỹ thuật trong thời điểm hiện nay. 

 HƯƠNG MAI

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top