Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Những người trẻ yêu diễn xướng Nam Bộ

Thứ Sáu 08/01/2021 | 11:47 GMT+7

VHO- Qua thời gian, nhiều loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống đang dần bị mai một. Gần đây đã có rất nhiều bạn trẻ chủ động tìm về và khôi phục những giá trị văn hóa xưa cũ.

 Phần trình diễn Hát Bội tại buổi ra mắt bộ sách “Lục tỉnh cầm ca”

Việc bảo tồn văn hóa dân gian đã không còn là trách nhiệm riêng của những nhà làm văn hóa, các nghệ sĩ, nghệ nhân khi mà nay đã được thực hiện bởi những người rất trẻ, trong đó có thể kể đến nhóm Đối thoại văn hóa cộng đồng (CCD).

Nỗ lực gìn giữ nghệ thuật truyền thống

CCD là nhóm các bạn trẻ yêu văn hoá nghệ thuật dân tộc và đặc biệt là các loại hình diễn xướng Nam Bộ. Trong hơn ba năm qua, nhóm đã thực hiện nhiều chương trình giới thiệu, đối thoại về một số loại hình nghệ thuật dân gian và được đánh giá cao về chất lượng, thu hút nhiều người trẻ và các nhà nghiên cứu tham gia.

Bạn Lục Phạm Quỳnh Nhi (thành viên CCD) chia sẻ: “Trước mỗi chương trình, CCD luôn trao đổi với nhà nghiên cứu và các nghệ sĩ, nghệ nhân để chắc chắn rằng kiến thức mình mang đến cho khán giả là tương đối chính xác, có cập nhật, cùng với đó là những tiết mục biểu diễn đặc sắc nhằm thu hút khán giả”. Bằng chính sự nỗ lực và tình yêu chân thành mà nhóm CCD dành cho nghệ thuật truyền thống, nhóm hi vọng rằng trong tương lai không xa, những giá trị văn hóa tưởng chừng như mất đi sẽ “quay trở lại” và đồng hành cùng đời sống của con người hiện đại với những giá trị rõ nét nhất như cách chúng đã từng có mặt và sống cùng với ông cha ta. Không chỉ là các talk show, các hoạt động giới thiệu mà gần đây nhất, nhóm CCD cùng NXB Văn hóa-Văn nghệ TP.HCM và Công ty TNHH Vang Vọng Trống Chầu đã phối hợp tổ chức buổi ra mắt, giới thiệu bộ sách Lục tỉnh cầm ca tại Đường Sách thành phố.

Đây có thể xem là một hướng đi mới và hết sức ý nghĩa đối với nhóm, khi mà tâm huyết của các bạn được lưu trữ và gói gọn trong những trang sách đầy giá trị. Anh Phan Khắc Huy, người sáng lập nhóm CCD chia sẻ, ý tưởng thực hiện bộ sách được bắt đầu từ năm 2017, trong một chuyến đi công tác với Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và nghe được mong muốn đưa nghệ thuật dân gian đến với người trẻ của nhà nghiên cứu. Từ ý tưởng đó, nhóm CCD bắt tay vào làm chương trình Diễn xướng Nam Bộ và sau đó thực hiện Dự án Thư viện Diễn xướng Nam Bộ lục tỉnh cầm ca. Bộ sách gồm bốn quyển: Đường vào Hát Bội, Đường vào Diễn xướng dân gian Nam Bộ, Đường vào Đờn Ca tài tử Đường vào Cải lương. Bộ sách tập hợp qua nhiều nguồn tư liệu và kinh nghiệm tổ chức các chương trình Diễn xướng Nam Bộ của CCD. Các kiến thức cơ bản về bốn loại hình nghệ thuật được trình bày cô đọng, từ bối cảnh lịch sử hình thành các loại hình diễn xướng cho đến sân khấu hóa chất liệu âm nhạc, nghệ thuật cổ truyền với góc nhìn đương đại, giúp khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ bước đầu học cách thưởng thức các loại hình diễn xướng của miền Nam, qua đó chung tay tiếp tục giữ gìn, phát triển giá trị văn hóa đất nước.

“Ngoài mục đích giới thiệu nghệ thuật cổ truyền đặc sắc của Nam Bộ đến bạn đọc, bộ sách còn hướng đến bước đầu thể nghiệm một giáo trình dẫn nhập, giúp các bạn trẻ tiếp cận và tìm hiểu nghệ thuật cổ truyền một cách dễ dàng và sinh động hơn”, anh Phan Khắc Huy chia sẻ.

 Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ về nghệ thuật truyền thống

“Tiếp lửa” cho lớp trẻ

Thông qua các hoạt động giới thiệu về các loại hình nghệ thuật truyền thống và đặc biệt là bộ sách Lục tỉnh cầm ca, khán giả sẽ được tiếp cận một cách gần gũi nhất, để từ đó cảm nhận được những giá trị của văn hóa dân gian, sau đó là yêu thích và tìm hiểu. Nhóm CCD đã phần nào hoàn thành được vai trò của một người “sứ giả” kết nối giữa người trẻ với văn hóa truyền thống, giúp cho họ có thêm những sự hiểu biết, hơn thế nữa còn giúp cho những người lớn tuổi có cơ hội hoài niệm về những ngày xa xưa.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng ủng hộ cách làm của nhóm CCD và tin tưởng, cách làm này sẽ có tác động hiệu quả đến các đối tượng cùng trang lứa. “Nếu muốn người trẻ yêu mến nghệ thuật truyền thống thì việc đầu tiên, chúng ta phải làm sao để họ biết được nghệ thuật có những điều hay, đẹp như thế nào. Bởi có những chương trình, sự kiện chúng ta làm rất hay nhưng công chúng không biết mà không biết thì không hiểu, không yêu”, ông chia sẻ. Trong bốn tác phẩm của bộ Lục tỉnh cầm ca, cuốn Đường vào Hát Bội được thực hiện đầu tiên. NSƯT Ngọc Khanh cho biết, nhiều lần, bà đã nghĩ đến sự mai một của nghệ thuật Hát Bội khi mà bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo này đã không còn nhiều người kế thừa và lớp khán giả trẻ muốn tìm hiểu về Hát Bội cũng rất ít. Nên khi NSƯT Ngọc Khanh nhận được lời mời từ một người trẻ để làm dự án về Hát Bội, bà rất mừng và đồng ý ngay. Từ khi hợp tác với CCD, NSƯT đã tổ chức hai khóa học về Hát Bội cho các bạn trẻ. “Phải nói thật sự là các bạn trẻ tìm hiểu Hát Bội nhiều hơn là học nghề nhưng ít ra qua khóa học, các bạn trẻ biết được những điều cơ bản về Hát Bội, biết điệu nào là buồn, là vui, hiểu được cách hóa trang nhân vật trong Hát Bội là tôi đã mừng lắm rồi”, NSƯT Ngọc Khanh tâm sự.

Nhà nghiên cứu Lê Hải Đăng cho rằng, văn hóa phi vật thể là thứ là tài sản vô giá, là nguồn dinh dưỡng nuôi nấng, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc và cần phải có người gìn giữ, kế thừa, không ai khác đó chính là lớp trẻ. Vì thế, việc các bạn trẻ hiện nay hướng về những loại hình âm nhạc dân tộc là rất đáng hoan nghênh và cần được lan rộng hơn nữa. Chúng tôi, những thế hệ đi trước sẽ cố gắng hết mình để hỗ trợ, giúp đỡ các bạn trẻ khi có mong muốn tìm hiểu về các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc. 

 HỒNG HẠNH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top