Cần tích cực ngăn chặn học sinh chế tạo, sử dụng pháo nổ trái phép

VHO - Mỗi dịp Tết Nguyên đán đến gần, tình trạng mua bán, chế tạo pháo nổ lại gây ra những tai nạn thương tâm, trong đó có không ít nạn nhân đang trong độ tuổi học sinh. Mặc dù đã được các cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng sự tuyên truyền tích cực từ khu dân cư, trường học và sự giám sát của gia đình sẽ góp phần quan trọng để đẩy lùi các hành vi vi phạm và nguy cơ tai nạn xảy ra

 

Cần tích cực ngăn chặn học sinh chế tạo, sử dụng pháo nổ trái phép - Anh 1

 Hai em học sinh bị tai nạn khi đang nhồi pháo

Mới đây nhất, Công an phường Đoàn Kết (thị xã Ayun Pa, Gia Lai) đã kịp thời ngăn chặn trường hợp học sinh chế tạo pháo nổ để bán với số lượng lớn. Theo đó, lực lượng chức năng đã bắt quả tang hai học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ là N.P.Q (SN 2011) và H.C.D (SN 2012), cùng trú tại phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, mang 0,2 kg hỗn hợp tiền chất pháo nổ đi bán. Hai em khai nhận mua số hỗn hợp trên của N.Đ.H (SN 2009, trú tại phường Đoàn Kết) để bán lại kiếm lời. Qua làm việc với H, Công an phường Đoàn Kết thu giữ thêm 17 quả pháo nổ hình trụ đã được chế tạo thành công, 45 ống làm từ giấy có hình quả pháo và 2 kg tiền chất kaliclorat, natri, lưu huỳnh, bột than cùng một số vật dụng để chế tạo pháo nổ.

BS Lưu Danh Huy, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Các ca tai nạn do sử dụng pháo tự chế đều phải phẫu thuật trong tình trạng cấp cứu do vết thương bẩn, nguy cơ nhiễm trùng cao. Đa phần các bệnh nhân bị thương nặng ở bàn tay, tỷ lệ cụt ngón là rất lớn…

Dù có nhiều vụ cháy, nổ liên quan đến chế tạo pháo dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng nhưng không ít học sinh vẫn tò mò làm theo. Một số thanh thiếu niên, trong đó chủ yếu là học sinh, đã mua nguyên liệu, thuốc nổ trên mạng xã hội rồi học cách tự chế pháo sử dụng trái phép. Điều này đã gây ra những hệ quả đau lòng, nhiều trường hợp bị thương tích nặng, thậm chí tử vong trong lúc làm pháo.

Cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều lời cảnh báo người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ, không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ gây đe dọa tính mạng của bản thân và người xung quanh, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh, nhưng vẫn xảy ra tình trạng các em rủ nhau mua bán, chế tạo, đốt pháo. Để xảy ra tình trạng này một phần do phụ huynh lơ là, ít kiểm soát khi giao điện thoại cho con em sử dụng; nhà trường cũng chưa thực sự tích cực tuyên truyền về việc này. Do đó, các bậc phụ huynh, nhà trường cần phối hợp giám sát, giáo dục để hạn chế các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Cần tuyên truyền một cách tích cực để phụ huynh và học sinh “biết sợ” hậu quả của việc chế tạo, sử dụng pháo nổ trái phép. Ngoài việc tổn hại sức khoẻ, tính mạng, người chế tạo, sử dụng pháo nổ trái phép còn bị xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự.

HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc