Học văn hóa, lịch sử qua những tiết học “mở”

VHO - Học tập thông qua trải nghiệm là một trong những mô hình được các nhà trường hướng tới. Tại Đà Nẵng, những chuyến đi thực tế do các cơ sở giáo dục tổ chức tới làng nghề truyền thống có ý nghĩa giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm, rèn kỹ năng sống và hiểu biết xã hội cho học sinh.

Học văn hóa, lịch sử qua những tiết học “mở” - Anh 1

 Ông Huỳnh Văn Mười hướng dẫn thầy trò Trường THCS Lê Hồng Phong cách tự tay làm mắm

Tay làm, mắt thấy, tai nghe

Chuyến đi trải nghiệm thực tế tại cơ sở làm mắm của ông Huỳnh Văn Mười (làng Mân Thái, quận Sơn Trà) của học sinh trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) là tiết học trải nghiệm ý nghĩa, khi các em được nghe giới thiệu về cách làm nước mắm truyền thống, những loại mắm quen thuộc có trong bữa ăn hằng ngày của người miền Trung như mắm nêm, mắm ruốc, mắm cốt từ cá tươi, mắm tép muối xổi... Thú vị hơn, các em còn được tự tay trộn nguyên liệu, làm thành phẩm và mang những hũ mắm do chính tay mình làm ra về làm quà cho cha mẹ, gia đình.

Hào hứng tham gia các công đoạn lọc mắm, làm mắm tép muối xổi, em Nguyễn Vĩnh Kỳ, lớp 8/2 Trường THCS Lê Hồng Phong chia sẻ, đây là chuyến tham quan, học tập rất bổ ích, các em đều mong muốn được đi lại lần nữa. “Mắm tép muối xổi là món ăn quen thuộc của gia đình em, nhưng hôm nay em mới biết cách làm và được tự tay làm. Đi vui chơi ở những nơi có nhiều trò chơi hiện đại thì ai cũng thích, nhưng đến làng nghề thì chúng em được tiếp thu nhiều kiến thức xã hội, lịch sử bổ ích, rất cần cho việc học tập. Em mong muốn được trải nghiệm tất cả các làng nghề của quê hương như làm bánh in, mỳ Quảng, bánh tráng”.

Gia đình ông Huỳnh Văn Mười có nghề làm mắm truyền thống ở Mân Thái từ bao đời nay, ông cho biết đây lần đầu tiên gia đình đón 30 em học sinh đến trải nghiệm cách làm mắm truyền thống. Ông Mười cũng là người tích cực tham gia các hoạt động chia sẻ nghề biển tới đối tượng học sinh, người dân, du khách nước ngoài trong mọi chương trình tôn vinh di sản văn hóa do các bảo tàng tổ chức.

Đối với chuyến đi thực tế của thầy và trò Trường THCS Lê Hồng Phong, ông Mười đánh giá đây là hoạt động giáo dục rất ý nghĩa và cần thiết. “Trong đời sống hiện đại, nếu lớp trẻ không quan tâm đến nghề truyền thống thì nghề và sản phẩm sẽ bị mai một và biến mất. Sản phẩm của mỗi địa phương phải được người dân biết, hiểu và đánh giá đúng thì giá trị sản phẩm mới được bền vững, lan tỏa xa hơn được. Chúng tôi sẵn sàng đón học sinh đến tìm hiểu, tham quan, giúp cho việc học lịch sử, xã hội của các em được bổ ích, suôn sẻ. Ngoài ra, cho các em tự tay làm sản phẩm nên sẽ thấy trân trọng hơn, ngon hơn và ấn tượng hơn”, ông Mười nói.

Nói về hiệu quả của hình thức trải nghiệm thực tế, thầy Lê Văn Sức, Tổ trưởng môn Lịch sử Trường THCS Lê Hồng Phong cho biết, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức cho học sinh đi học tập tại bảo tàng trên địa bàn TP Đà Nẵng, xa hơn nữa là các làng nghề ở Hội An. “Lên lớp 9, các em sẽ định hướng nghề nghiệp, nên hoạt động này vừa là học tập trải nghiệm cũng vừa mang tính định hướng. Mong muốn của nhà trường là các em có ý thức xây dựng, giữ gìn các nghề truyền thống mà cha ông truyền lại, góp phần vun đắp, giữ gìn sức sống của làng nghề, gìn giữ giá trị văn hóa của quê hương và phát triển kinh tế địa phương”, thầy Sức nói.

Cụ thể hóa những kiến thức sách vở

Theo môn học Giáo đục địa phương trong chương trình giáo dục mới, trải nghiệm thực tế là một trong những hoạt động được đề cao, vì đây là môn học tìm hiểu nhiều lĩnh vực thuộc về địa phương như lịch sử, địa lý, làng nghề truyền thống, xã hội, kinh tế... đòi hỏi các em phải có kiến thức sâu hơn, hiểu biết kỹ hơn. Tại Đà Nẵng, nội dung tìm hiểu các làng nghề truyền thống bắt đầu từ cấp tiểu học đến cấp THCS, THPT, do vậy hoạt động ngoại khóa đi tìm hiểu làng nghề là chương trình các trường trên địa bàn TP đều đang nỗ lực triển khai.

Cô giáo Thân Thị Thư (Trường THPT Thanh Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết: “Học sinh của trường đã tham quan tất cả các bảo tàng văn hóa, lịch sử trên địa bàn TP. Ở trường, các em cũng được học về lịch sử, xã hội qua môn học Giáo dục địa phương, nhưng chủ yếu thiên về hoạt động thuyết trình, chia sẻ tại lớp, nên các em khó hình dung chính xác nội dung mình đang học. Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp nằm trong chương trình mới mà nhà trường mới thực hiện từ năm ngoái, trong đó tăng cường hoạt động xã hội hóa, giúp các em có cái nhìn thực tế, quan sát cụ thể và trao đổi gặp gỡ người thật việc thật, nhớ nhanh…”.

Theo ý kiến của cô giáo Thư, việc đưa học sinh đi thực tế tại các làng nghề truyền thống có ý nghĩa rất lớn, không chỉ bổ trợ bài học trên lớp cho các em, tăng cường vốn kiến thức xã hội, mà còn nâng cao kỹ năng giao tiếp, trao đổi, điều mà lứa tuổi của các em đang rất cần hình thành.

“Tính chất giáo dục đầu tiên là sự hiểu biết xã hội, sau đó là xây dựng và bồi đắp tình yêu đất nước, giá trị cuộc sống, nét đẹp văn hóa trường tồn về nơi các em đang sống. Các em phải biết quê hương mình có bản sắc văn hóa gì đặc biệt để tự hào, trân trọng. Với nghề truyền thống, tương lai các em còn phải có trách nhiệm giữ gìn phát huy, giữ gìn nghề đó”, cô Thư chia sẻ.

Trải nghiệm thực tế trong giáo dục là đặc biệt quan trọng, tuy nhiên đây không phải hoạt động mà các trường có thể tổ chức thường xuyên vì còn liên quan đến vấn đề kinh phí, phương tiện vận chuyển... Thầy Lê Văn Sức cho biết, dù nằm trong chương trình học, nhưng để tổ chức mỗi chuyến thực tế là sự cố gắng lớn của nhà trường. Ngoài ra, với số lượng học sinh đông, nhà trường cũng mong muốn trải đều, bố trí cho các em đều được đi tham quan, học tập. Hiện nay, theo tinh thần chung thì các trường không thu phí của học sinh khi đi trải nghiệm, nhưng để các em được học tập tốt hơn, thời gian tới nhà trường sẽ hết sức cố gắng và rất cần sự đồng lòng của xã hội, phụ huynh. 

 NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc