Ninh Bình xác định bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản làm nguồn lực và động lực phát triển

VHO - Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Phan Viết Lượng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình về việc thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa, du lịch trên địa bàn.

Ninh Bình xác định bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản làm nguồn lực và động lực phát triển - Anh 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng phát biểu tại buổi làm việc

Tiếp và làm việc với Đoàn có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bùi Hoàng Hà; lãnh đạo tỉnh và một số sở, ban, ngành, hiệp hội có liên quan.

Báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hoá, du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cho biết: Về Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá tỉnh đã ban hành hai văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa, các văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả gắn với việc phân cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương; công tác lập, phê duyệt, thực hiện quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; chính sách phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện. Từ năm 2005-2023, toàn tỉnh đã có hơn 40 di tích được lập dự án sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện tu bổ, tôn tạo với tổng số vốn đầu tư 1.154 tỉ đồng. Bên cạnh đó, còn có hàng trăm tỷ đồng do nhân dân đóng góp tu bổ, sửa chữa di tích.

Công tác kiểm kê, phân loại, xếp hạng, khoanh vùng bảo vệ di tích được thực hiện thường xuyên: Năm 2020, tỉnh đã phê duyệt “Danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh” với 1821 di tích được kiểm kê, thuộc nhiều loại hình khác nhau. Trong đó có 395 di tích đã được xếp hạng (314 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp Quốc gia, trong đó có 3 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 1 Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới). Các di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh đều được khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích theo quy định. Công tác trùng tu, tôn tạo di tích được tỉnh Ninh Bình triển khai cẩn trọng, nghiêm túc theo quy định; có sự theo dõi, giám sát quá trình tu bổ, tôn tạo của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư; nguồn kinh phí đầu tư được công khai, minh bạch.

Công tác quy hoạch khảo cổ, hoạt động khảo cổ học và bảo quản hiện vật sau khai quật đều được thực hiện đúng quy định. Hầu hết các di vật, cổ vật trong di tích, nhất là các di tích đã được xếp hạng luôn được bảo quản nguyên vẹn, cẩn mật, không để thất lạc, hư hỏng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 5 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia, các bảo vật đều trong tình trạng bảo quản tốt. Tỉnh hiện có 3 bảo tàng công lập, 3 bảo tàng ngoài công lập được cấp phép hoạt động. Đối với các bảo tàng công lập, đã tổ chức hoạt động theo đúng Quy chế tổ chức hoạt động Bảo tàng của Bộ VHTTDL.

Ninh Bình xác định bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản làm nguồn lực và động lực phát triển - Anh 2

Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu tại buổi làm việc

Đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể: Theo kiểm kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có 430 di sản văn hoá phi vật thể. Trong đó, có 4 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay tỉnh đang tiếp tục triển khai kế hoạch kiểm kê, dự kiến cuối năm 2023 sẽ phê duyệt danh mục kiểm kê di sản văn hoá  phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Công tác truyền dạy và phát huy di sản văn hóa phi vật thể được quan tâm, như: Mở lớp truyền dạy các loại hình nghệ thuật truyền thống cho giới trẻ, tổ chức và tham gia các hội diễn, liên hoan nghệ thuật. Đến nay tỉnh đã có 8 nghệ nhân được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể, thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Trong lĩnh vực làng nghề có 36 nghệ nhân Nghề đá Mỹ nghệ xã Ninh Vân, Hoa Lư được tôn vinh. Công tác quản lý tổ chức và quản lý hoạt động lễ hội được hiện nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật: Đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 243 lễ hội, trong đó, 242 lễ hội truyền thống và 1 lễ hội văn hóa.

Trong lĩnh vực du lịch, Ninh Bình xác định du lịch là định hướng mũi nhọn của tỉnh trong phát triển kinh tế xã hội, tỉnh đã ban hành các đề án, kế hoạch phát triển du lịch; tập trung đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng có lợi thế riêng của tỉnh như: du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh; du lịch tham quan thắng cảnh thiên nhiên du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; hoạt động xúc tiến quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch được tỉnh quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh ở trong nước và quốc tế; tập trung xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, dịch vụ chất lượng, người dân thân thiện; tăng cường liên kết, hợp tác du lịch, tổ chức các hoạt động liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, các trung tâm du lịch trong cả nước; xây dựng hệ thống thông tin số du lịch tỉnh Ninh Bình phục vụ công tác quản lý, quảng bá du lịch. Thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý kinh doanh du lịch, xây dựng môi trường du lịch an toàn, cạnh tranh lành mạnh.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận những kết quả đã đạt được, những khó khăn vướng mắc, giải pháp triển khai thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hoá, du lịch tại tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.

Ninh Bình xác định bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản làm nguồn lực và động lực phát triển - Anh 3

Toàn cảnh buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc  nhấn mạnh: Ninh Bình đã sớm phát hiện tiềm năng, thế mạnh riêng có để xây dựng chiến lược, các chính sách dài hạn, với quan điểm xuyên suốt là lấy nền tảng văn hóa của vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử và phát huy giá trị di sản thiên nhiên làm động lực cho sự phát triển xanh, bền vững, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Và việc thực hiện chiến lược bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch thời gian qua đã mang lại lợi ích cho người dân để không chỉ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập mà còn nâng tầm hưởng thụ đời sống văn hóa, người dân được sống hạnh phúc và bình yên. 

Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết: Trong thời gian tới, Ninh Bình tiếp tục thực hiện nhất quán quan điểm thu hút các dự án phát triển công nghệ sạch làm động lực cho tăng trưởng. Ninh Bình xác định trách nhiệm phải bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa, di sản làm nguồn lực và động lực phát triển. Để có hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho Ninh Bình thực hiện tốt hơn nữa các chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển du lịch, đề nghị Ủy ban văn hóa xã hội tiếp tục tham mưu, trình Quốc hội xem xét điều chỉnh, bổ sung Luật Di sản; các cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung các văn bản hướng dẫn tạo thuận lợi cho địa phương trong quản lý và tổ chức thực hiện pháp luật về di sản văn hóa và du lịch; có cơ chế đặc thù cho các vùng có Di sản thiên nhiên thế giới, các vùng kinh tế trọng điểm. Đề nghị xem xét, ban hành chủ trương, khung chính sách phù hợp cho các tỉnh, thành phố có di sản, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá với phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất là tinh thần cho nhân dân. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hoá, du lịch thời gian qua. Bày tỏ vui mừng trước những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh đã đạt được đã tạo ra sự đột phá đáng khích lệ; thể hiện sự nhất quán, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều cách làm mới sáng tạo rất đáng ghi nhận. Đồng chí bày tỏ mong muốn tỉnh sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hoá, du lịch trong thời gian tới, trong đó: Quan tâm huy động nguồn lực để tu bổ, tôn tạo các di tích văn hoá; tăng cường kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng di tích; tăng cường rà soát, kiểm tra, bảo tồn, nâng cao năng lực quản lý di sản…Đối với những đề xuất kiến nghị của tỉnh, Đoàn khảo sát sẽ tập hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.

THU LAN

Ý kiến bạn đọc