Sẽ đấu giá bức vẽ cuối cùng của danh họa Gustav Klimt

VHO- “Dame mit Fächer”, bức chân dung cuối cùng của danh họa Gustav Klimt dự kiến sẽ thu về khoảng 80 triệu USD khi được đưa ra bán đấu giá vào cuối tháng 6 tại London (Anh). Đây là mức giá ước tính rất cao được đưa ra cho một tác phẩm nghệ thuật tại một cuộc đấu giá ở châu Âu.

Sẽ đấu giá bức vẽ cuối cùng của danh họa Gustav Klimt - Anh 1

Bức tranh “Dame mit Fächer” của Klimt

Thông báo về việc bán đấu giá, nhà đấu giá Sotheby’s gọi bức chân dung là “kiệt tác cuối cùng” của danh họa Gustav Klimt. Theo nhà đấu giá Sotheby’s, bức họa “Dame mit Fächer” (Quý bà cầm quạt) là một trong hai bức tranh được tìm thấy tại xưởng vẽ của họa sĩ người Áo, sau khi ông qua đời vào năm 1918. Thomas Boyd Bowman, người đứng đầu bộ phận bán hàng buổi tối nghệ thuật hiện đại và trường phái ấn tượng của nhà đấu giá đã mô tả bức họa với hai từ “tuyệt đẹp”. Ông mô tả trong một thông cáo báo chí rằng, vẻ đẹp và sự gợi cảm của bức chân dung nằm ở chi tiết, những vệt xanh và hồng làm nổi bật làn da của người trông trẻ, hàng lông mi cong vút và đôi môi mím lại tạo nên nét đặc trưng cho khuôn mặt của cô ấy.

“Dame mit Fächer” được thể hiện theo phong cách biểu cảm, phong phú đặc trưng của danh họa Klimt. Giống như phần lớn tác phẩm của họa sĩ, nó thể hiện những ảnh hưởng của văn hóa Á Đông, không chỉ ở chiếc quạt, mà còn cả việc sử dụng các họa tiết hoa phượng và hoa sen. Đồng thời, phối cảnh phẳng của nền gợi lên các bản in khắc gỗ Nhật Bản nổi bật trong bộ sưu tập nghệ thuật châu Á khá lớn của họa sĩ. Trong một tuyên bố của Helena Newman, người đứng đầu bộ phận nghệ thuật hiện đại và ấn tượng của Sotheby’s cho biết: “Danh họa Gustav Klimt qua đời ở tuổi 55, đúng thời kỳ đỉnh cao nghệ thuật và đã cho ra đời một số tác phẩm mang tính thử nghiệm và thành tựu nhất của mình”. Kiệt tác “Dame mit Fächer” là một trong số ít bức chân dung của Klimt vẫn thuộc sở hữu tư nhân, với kích thước khoảng 1m x 1m. Newman cũng nhận định rằng, không giống như nhiều bức chân dung nổi tiếng của Klimt, tác phẩm này có thể được vẽ vì niềm vui của chính ông.

Theo một số dữ liệu, bức tranh trước đây thuộc sở hữu của Erwin Böhle (một người bạn và người bảo trợ của Klimt). Sau đó được mua bởi nhà sưu tập nghệ thuật Rudolf Leopold, người đã bán nó cho gia đình chủ sở hữu hiện tại tại Sotheby’s vào năm 1994 với giá khoảng 12 triệu USD. Bức tranh đã không được bán đấu giá kể từ đó, mặc dù nó đã được trưng bày vào năm ngoái tại The Belvedere, một bảo tàng Áo.

Những bức tranh của Klimt đã bùng nổ về giá trị trong hai thập kỷ qua. Kỷ lục đấu giá cho một bức tranh của Klimt hiện đang được nắm giữ bởi tác phẩm “Rừng bạch dương”, từng thuộc sở hữu của người đồng sáng lập Microsoft quá cố Paul G, đã thu về 104,5 triệu USD vào năm ngoái. Các tác phẩm khác được cho là đã được bán riêng với giá cao hơn. Theo Financial Times, các tài liệu tòa án từ vụ tranh chấp pháp lý đang diễn ra giữa tỷ phú người Nga Dmitry Rybolovlev và nhà buôn nghệ thuật Yves Bouvier cho thấy nhà tài phiệt này từng mua bức “Wasserschlangen II” (Những con rắn nước II) của Klimt với giá 183,8 triệu USD. Trong khi đó, “Chân dung Adele Bloch-Bauer I” của Klimt đã được mua bởi doanh nhân người Mỹ Ronald Lauder với giá 135 triệu USD được báo cáo vào năm 2006. Mười năm sau, Oprah Winfrey đã bán một bức tranh khác cùng chủ đề, “Chân dung Adele Bloch-Bauer II,” cho một người mua Trung Quốc với giá 150 triệu USD .

“Dame mit Fächer” được dự báo sẽ là “ngôi sao” trong buổi đấu giá mùa hè nghệ thuật đương đại và hiện đại của Sotheby’s sẽ được diễn ra vào ngày 27.6. Được sắp xếp trùng với thời điểm mở cửa trở lại được chờ đợi từ lâu của Phòng trưng bày Chân dung Quốc gia ở London, buổi đấu giá sẽ trưng bày các bức chân dung khác của các nghệ sĩ nổi tiếng như Alberto Giacometti và Edvard Munch.

Danh họa tài ba Klimt sinh năm 1862 tại Baumgarten vùng ngoại ô Thủ đô Vienna (Áo). Ông là thứ 2 trong 7 người con của một gia đình nghèo có hơi hướng nghệ thuật. Mẹ ông, bà Anna là một nhạc sĩ tài năng. Bố ông là Ernst Klimt vừa là thợ kim hoàn kiêm một họa sĩ với nhiều năm kinh nghiệm cũng chính là người dạy vẽ cho các con từ khi còn rất nhỏ. Sinh ra trong một gia đình không khá giả, nhưng nhờ vào sự nỗ lực phấn đấu cùng với tài năng thiên phú về nghệ thuật đã nuôi dưỡng Klimt trở thành người danh họa tài ba. 

DƯƠNG LINH - HỒNG HẠNH

 

Ý kiến bạn đọc