Đẹp với trang sức cườm đá 7 màu của đồng bào Cor Quảng Ngãi

VHO- Bằng những vật trang sức truyền thống đơn giản như vòng đeo cổ, khuyên tai, vòng tay, dây cườm... cùng với chiếc váy áo đặc trưng, những phụ nữ Cor ở huyện Trà Bồng như bông hoa giữa đại ngàn mang vẻ đẹp độc đáo của phụ nữ vùng cao Quảng Ngãi.

Đẹp với trang sức cườm đá 7 màu của đồng bào Cor Quảng Ngãi - Anh 1

Bà Hồ Thị Non bên những chuỗi cườm đá nhiều màu sắc 

Ngôi nhà của bà Hồ Thị Non (70 tuổi) ở thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng nổi bật so với các ngôi nhà lân cận bởi những chuỗi cườm đá nhiều màu sắc xanh, đỏ, trắng, vàng… được treo khắp nơi. Dưới sự kết hợp giữa đôi tay nhanh nhẹn và cặp mắt tinh anh hiếm có, từng hạt đá màu nhỏ xíu nằm lần lượt xếp trên thân dây theo trật tự nhất định. Một chuỗi cườm dần thành hình. 
Theo bà Non, cườm đá có nhiều loại lớn nhỏ khác nhau, được xâu thành chuỗi, quấn thành nhiều vòng để đeo trên trán, cổ, hông. Mỗi bộ trang sức cườm đá khá cầu kỳ có giá khá cao từ 3,5 triệu đồng - 4,5 triệu đồng. Để làm nên bộ trang sức cườm đá, một thợ lành nghề phải mất hơn 1 tháng. “Đối với người đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn thì đây là một số tiền không nhỏ, nhưng với giá trị của bộ cườm trong văn hoá truyền thống của dân tộc và công sức của người nghệ nhân làm nên thì hoàn toàn xứng đáng. Hồi xưa, mấy bộ cườm này quý lắm, thậm chí còn quý hơn vàng. Người Cor giữ gìn và thường đeo vào những dịp lễ hội, cưới hỏi”, bà Non chia sẻ.

Đẹp với trang sức cườm đá 7 màu của đồng bào Cor Quảng Ngãi - Anh 2

Bà Hồ Thị Non hướng dẫn cách làm cườm đá cho thế hệ trẻ của địa phương

Bà Non say sưa kể, từ rất sớm, người Cor ở Trà Bồng đổi quế với người ở miền xui để lấy gạo, vải vóc, cồng chiêng và tạo cho mình bộ trang phục truyền thống mang nét văn hóa đặc sắc riêng. Với người Cor, nhất là phụ nữ Cor, trang sức cườm đá vừa là nhu cầu thẩm mỹ vừa ẩn chứa những giá trị trong đời sống văn hóa tinh thần. Từ rất lâu, trang sức cườm đá đã được xem là món quà hồi môn quý giá được người con gái Cor mang về nhà chồng và đeo vào các dịp lễ hội. Sự chuyển động của những chuỗi cườm đá 7 màu như hòa cùng những động tác múa uyển chuyển trong điệu Cà Đáo giúp người con gái Cor nơi núi rừng thêm đẹp và duyên hơn.

Đẹp với trang sức cườm đá 7 màu của đồng bào Cor Quảng Ngãi - Anh 3

Cườm đá 7 màu hòa cùng những động tác múa uyển chuyển trong điệu Cà Đáo của cô gái Cor

Bà Non từng công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trà Bồng, làm nhiệm vụ truyền dạy cách sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc và múa chiêng cho lớp trẻ người Cor tại vùng đất quế. Cũng từ đây, khi nhìn thấy những thiếu nữ người Cor biểu diễn trong bộ trang phục truyền thống nhưng lại thiếu đi vòng đội đầu, dây đeo cổ, thắt hông bằng cườm đá làm mất đi linh hồn của điệu múa. Không “cam tâm” nhìn những chuỗi cườm đầy màu sắc - một biểu tượng văn hóa của người Cor cứ biến mất dần theo thời gian, bà Non nung nấu quyết tâm phục hồi lại nghề làm cườm đá. Nghĩ là làm, bà Non lặn lội đi khắp các tỉnh, thành từ Nam ra Bắc tìm kiếm nguyên liệu cườm đá. Không ít lần hy vọng, rồi lại thất vọng vì không tìm đúng loại cườm mình cần. Sau một thời gian dài, bà cũng tìm được nguồn hàng, mở ra niềm hy vọng chạm đến giấc mơ khôi phục trang sức cườm đá trong một tương lai không xa.
Tìm được nguyên liệu rồi, chế tác như thế nào lại là một vấn đề hóc búa khác. Bà Non bắt đầu mày mò cách làm trang sức trong ký ức, quên ở đâu lại tìm đến các bà, các mẹ trong làng để học hỏi. Bộ trang sức cứ thế hoàn thiện. Bà Non trở thành người duy nhất ở huyện Trà Bồng làm ra được bộ trang phục, trang sức truyền thống dân tộc Cor trọn vẹn tại thời điểm đó, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa bản địa nói chung và trang phục của người Cor nói riêng.

Đẹp với trang sức cườm đá 7 màu của đồng bào Cor Quảng Ngãi - Anh 4

Bà Non luôn chỉ dạy con cháu về bản sắc văn hóa của dân tộc mình

Hơn một thập niên gắn bó với nghề làm cườm đá, tiếng lành đồn xa, khách hàng của bà Non cũng ngày càng nhiều. Ai cũng muốn mau chóng sở hữu cho mình bộ trang sức quý giá đã có một thời gian dài vắng bóng. Từ những khách hàng là người địa phương, danh tiếng của nghệ nhân Non bắt đầu lan sang các vùng lân cận rồi đến tận huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) nơi có một cộng đồng người Cor sinh sống khá đông. 
Nhận thấy một mình không đủ thời gian để hoàn thành các đơn đặt hàng cho khách lẻ và địa phương, bà Non đã cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cụ thể cách làm cho con cháu. Không giấu giếm, khi có người từ các xã khác trong huyện tìm đến xin học cách làm trang sức cườm đá, bà Non đều vui mừng, hào hứng chỉ dạy nhiệt tình, với hy vọng nghề này sẽ được nhiều người biết đến và gìn giữ về sau. “Chỉ có truyền nghề, phổ biến nghề ra thật rộng rãi thì mới có thể gìn giữ được nghề đến mai sau”, bà Non nói. 
Trải qua “cuộc phong ba”, tưởng như đã thất truyền thì nay, trang sức cườm đá của người Cor đã lại phổ biến tại vùng đất quế Trà Bồng. Trong ngày cưới, dịp lễ hội, các cô gái người Cor trong bộ trang phục truyền thống và bộ cườm đá 7 màu hòa cùng nhịp lắc lư với điệu múa Cà Đáo, âm thanh trầm bổng của cồng chiêng… càng thêm uyển chuyển, duyên dáng.

Đẹp với trang sức cườm đá 7 màu của đồng bào Cor Quảng Ngãi - Anh 5

Trang phục nam, nữ của đồng bào Cor tại lễ hội

Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Chư đã có nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu bản sắc văn hóa người Cor cho biết, người Cor không có nghề dệt nên thường mua vải của các dân tộc khác về để tự may trang phục cho mình. Xưa kia, đàn ông người Cor thường đóng khố ở trần. Khố có màu xanh hoặc đen. Khi trời lạnh thì khoác thêm tấm choàng, chéo qua vai che kín lưng đến bắp chân. Còn phụ nữ Cor mặc trang phục thường ngày rất đơn giản. Áo cộc tay, cổ tròn chui đầu và váy là một tấm vải hình chữ nhật có màu xanh hoặc đen được quấn quanh và giắt mối ở bên hông.

Đẹp với trang sức cườm đá 7 màu của đồng bào Cor Quảng Ngãi - Anh 6

Trang sức cườm đá được xem là món quà hồi môn quý giá của người con gái Cor

Ngày nay, phụ nữ Cor thường mặc trang phục có hai màu chủ đạo là màu xanh và trắng. Trang phục lễ hội của phụ nữ Cor khá đẹp. Trên đầu có dải vải chít ngang, phần trên cùng có trang trí hình tượng trưng những ngôi sao, giữa lưng có thắt vải màu, tượng trưng như những tổ ong. Ngoài trang phục, người Cor còn tạo ra nhiều loại vòng đeo cườm tay, đeo trên cổ, tô điểm thêm nét đẹp trong lễ hội.

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc