Phát triển con người vì mục tiêu chấn hưng văn hóa (Bài 1):  Khơi dậy khát vọng cống hiến từ “sức mạnh mềm”

VHO- Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt về phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam: khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Nghị quyết của Đảng nêu rõ, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.

Phát triển con người vì mục tiêu chấn hưng văn hóa (Bài 1):  Khơi dậy khát vọng cống hiến từ “sức mạnh mềm” - Anh 1

 Đồng bào Mông ở Hà Giang nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống

 

 Kể từ Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa, Nghị quyết 33-NQ/TW về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đến Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là luôn tập trung vấn đề xây dựng con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trong thực tế đời sống văn hóa tại nhiều địa phương, nguồn lực con người luôn là vấn đề thường trực, nóng hổi, thậm chí cấp bách. Ở đâu có nguồn lực con người dồi dào, đáp ứng yêu cầu công việc, thì ở đó “sức mạnh mềm” văn hóa được phát huy mạnh mẽ.

Nguồn lực trọng yếu

Nhấn mạnh mục tiêu: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, Nghị quyết 33-NQ/TW đề ra nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng văn hóa - con người, đó là: “Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam”. Gần 10 năm triển khai, những nhiệm vụ cụ thể trong Nghị quyết 33 là chỉ dẫn quan trọng để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hội nghị Diên Hồng về văn hóa, được tổ chức sau hơn 7 thập kỷ kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần đầu tiên năm 1946, với lời hiệu triệu tâm huyết từ người đứng đầu đất nước về nhiệm vụ chấn hưng, phát triển văn hóa quốc gia, phát huy sức mạnh tổng hợp từ nguồn lực quan trọng nhất, căn cốt nhất là con người. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Để xây dựng, phát triển bền vững nền văn hóa Việt Nam, nhiệm vụ quan trọng nhất là xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc. Tổng Bí thư nêu rõ, bên cạnh những thành tựu, chúng ta cần nhìn thẳng vào hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa, tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Một trong những hạn chế, yếu kém được nhắc lại nhiều lần là “văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm”.

Tổng Bí thư lưu ý, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát

 triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Nhằm tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc, nhiệm vụ trọng tâm là khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của nhân tố con người trong quá trình xây dựng, phát triển, đưa văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam từ sau đổi mới, nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Thực tiễn đã chứng minh, vào những lúc đất nước khó khăn nhất thì các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc lại được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ; lòng yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái, sống có nghĩa, có tình, mang đậm bản sắc văn hóa Việt lại càng tỏa sáng. Văn hóa đã đóng góp tích cực, quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, để Nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống, phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người - xây dựng con người để phát triển văn hóa là một trong những mục tiêu quan trọng. Mệnh đề xương sống trong các Nghị quyết của Đảng: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” để được hiện thực hóa thì nhân tố con người phải được phát huy một cách toàn diện. Ngay sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Bộ VHTTDL đã sớm phát động triển khai chủ đề công tác “Xây dựng môi trường văn hóa và công tác tổ chức cán bộ” trong toàn ngành. Sở dĩ chọn lựa chủ đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: “Đây là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kết luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc nhằm chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với Ngành. Bởi lẽ, muốn xây dựng, phát triển văn hóa, trước hết phải có những con người văn hóa, đồng thời, sự hoàn thiện con người cần và chỉ có thể thực hiện được trong văn hóa và bằng văn hóa. Công tác cán bộ được xác định là “then chốt của then chốt”. Lúc sinh thời, Bác Hồ đã khẳng định: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành hay bại do cán bộ tốt hay xấu mà nên, vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ của ngành VHTTDL là nhiệm vụ cấp thiết, thường xuyên”.

Bố trí đúng người, đúng việc

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, thước đo của sự phát triển văn hóa chính là sự phát triển con người. Nhằm thực hiện trọng trách góp phần chấn hưng nền văn hóa quốc gia, một trong những việc phải ưu tiên hàng đầu là xác định và thực hành hệ giá trị con người Việt Nam, với những phẩm chất phù hợp yêu cầu của thời đại mới như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo và hội nhập.

Trong gần 1 thập kỷ qua, bên cạnh những thành tựu, việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển con người theo tinh thần Nghị quyết 33 được nhận định còn chưa đều khắp ở các lĩnh vực, vùng miền. Quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ. Nhận định này được thể hiện khá rõ từ thực tiễn. Tại nhiều địa phương, nguồn lực con người luôn là vấn đề thường trực, nóng hổi và thậm chí là cấp bách. Trong quá trình khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy một mệnh đề tương ứng rất rõ ràng, ở đâu có nguồn lực con người dồi dào, đáp ứng yêu cầu công việc, thì ở đó “sức mạnh mềm” văn hóa được phát huy mạnh mẽ. Tâm tư này được ông Nông Ích Đạt, với nhiều năm kinh nghiệm làm Bí thư Chi bộ thôn Bản Cun Khuổi Ky chia sẻ khi chúng tôi về xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng tìm hiểu thực tế công tác xây dựng đời sống, giữ gìn bản sắc văn hóa. “Nếu không có những cán bộ cơ sở tâm huyết, lăn lộn thì sẽ rất khó để làng Tày Khuổi Ky giữ gìn được trọn vẹn những giá trị bản sắc, cội nguồn. Đặc biệt, với những giá trị văn hóa truyền thống như tiếng nói, chữ viết, trang phục, đội ngũ cán bộ, đảng viên nơi đây không quản ngại địa hình xa xôi, đi lại khó khăn để đến từng nhà tuyên truyền, vận động bà con, nhất là lớp trẻ nâng cao nhận thức, bảo tồn di sản của cha ông, từ đó tạo sức hút để quảng bá, phát triển du lịch”, ông Đạt cho biết.

“Nhiều khó khăn!”, đó là tâm sự của Bí thư Chi bộ xã Đàm Thủy Lương Văn La về công tác cán bộ, con người làm văn hóa trên địa bàn xã vùng cao biên giới. Cái khó của người làm văn hóa nói chung dường như nhân lên gấp nhiều lần nơi miền biên viễn. “Chúng tôi thường trực nỗi lo lắng trước nguy cơ bản sắc văn hóa của các dân tộc có thể bị đồng hóa, khi mỗi ngày cuộc sống của người dân ở các xóm vùng biên có sự giao thoa rất nhiều với nước bạn. Nhưng với những cán bộ tâm huyết, sự quan tâm đặc biệt trong chỉ đạo, điều hành từ cấp ủy, chính quyền địa phương, những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc cơ bản đã được gìn giữ, bảo tồn, tạo sức hút với bản sắc riêng có”, ông Lương Văn La bộc bạch.

Thấu hiểu tầm quan trọng của nhân tố con người trong việc tạo nên và phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa, Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy cũng chia sẻ, trong đầu tư cho văn hóa, ngoài vấn đề kinh phí thì quan trọng hơn cả chính là con người. Cán bộ văn hóa không chỉ đơn thuần đảm trách nhiệm vụ về quản lý Nhà nước mà cần thực sự đáp ứng các tiêu chí như lời dạy của Bác Hồ, là “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”, phải quyết tâm, tâm huyết và hiểu biết. Ông cho biết, hiện nay, một trong những trở ngại lớn nhất trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở vùng cao nói chung, tại Đàm Thủy nói riêng chính là khâu tổ chức cán bộ. Bố trí sắp xếp đúng người, đúng việc thì sự phát triển văn hóa của địa phương sẽ chuyển biến tích cực và ngược lại, cán bộ không đúng chuyên ngành, không có năng lực thì sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy khó lường”.

“Khoảng trống” con người làm văn hóa ở Cao Bằng cũng được lãnh đạo Sở VHTTDL địa phương này thừa nhận. Phó giám đốc Sở Tô Thị Trang cho rằng, để hiện thực hóa quan điểm mục tiêu “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” thì cần có sự đầu tư xứng tầm, trong đó, đầu tư để xây dựng đội ngũ cán bộ là yếu tố quan trọng số một. Thực tế hiện nay, nhiều cán bộ làm văn hóa còn thiếu kiến thức chuyên môn nghiệp vụ. Để khắc phục tình trạng này, Cao Bằng đã chú trọng định hướng lựa chọn, bố trí cán bộ văn hóa đúng chuyên môn, am hiểu văn hóa các dân tộc và đặc biệt phải thực sự kiên nhẫn, tâm huyết với nhiệm vụ, công việc được giao.

Khó khăn về cán bộ làm văn hóa cũng được Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang Nguyễn Hồng Hải chia sẻ, với đặc thù địa hình miền núi, vùng cao, mỗi làng bản cách nhau hàng cây số, thêm những cọ xát khi du lịch và dòng chảy cuộc sống mới tràn vào đã dẫn đến vô vàn nguy cơ mai một bản sắc văn hóa truyền thống. Chưa kể, trong cộng đồng vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu cần đẩy lùi, xóa bỏ. “Hàng loạt vấn đề thực tiễn đặt ra đòi hỏi các cán bộ làm văn hóa cần phải gánh vác. Lương thấp, trách nhiệm cao, nhưng không có cách nào khác là tự thân mỗi người phải thực sự nỗ lực, cố gắng để từ đó, khơi dậy khát vọng cống hiến, phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa…”, Giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang bộc bạch.

 PHƯƠNG ANH - NGUYỄN ANH

(Còn nữa)

 

Ý kiến bạn đọc