Vì sao khó gọi đầu tư cho khu "đất vàng" ở Huế?

VHO- Thừa Thiên Huế đã kêu gọi đầu tư cho các khu “đất vàng” dọc đường Lê Lợi, bờ Nam sông Hương của TP Huế trong thời gian dài, nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào tham gia. Trong khi đó, tình trạng bỏ hoang lâu năm đã khiến hàng loạt dãy nhà ở dọc khu đất này ngày càng nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị…

Vì sao khó gọi đầu tư cho khu

 Sau khi Sở Y tế chuyển đến nơi mới, khu “đất vàng” số 28 Lê Lợi ở trung tâm TP Huế đang chờ nhà đầu tư

 Nhiều năm qua, Thừa Thiên Huế đã liên tục kêu gọi đầu tư cho các khu đất vốn từng là công sở của các Sở, ngành ở khu vực đường Lê Lợi. Đây là điểm nhấn cảnh quan nổi bật của TP Huế bởi trục đường này nằm ở ven bờ Nam sông Hương. Hiện nay, nhiều không gian văn hóa nghệ thuật ở mặt tiếp giáp bờ sông (tức phía Bắc đường Lê Lợi) đã được chỉnh trang, tháo dỡ lớp hàng rào, trụ cột để tạo không gian thông thoáng cho cộng đồng nhân dân và du khách tiếp cận và trải nghiệm.

Trong khi đó, các khu “đất vàng” ở phía dọc bờ Nam đường Lê Lợi lại trở nên nhếch nhác, do nhiều năm qua vẫn chưa có doanh nghiệp nào đến đầu tư. Các khu đất này vốn là trụ sở của các Sở GD&ĐT, Sở Y tế, Sở KH&CN, Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh… Sau khi các Sở, ngành này chuyển đến làm việc tại khu hành chính tập trung của tỉnh (tại khu đô thị An Vân Dương), thì những dãy nhà công sở này cũng để trống, xuống cấp, hư hại. Theo Sở KH&ĐT Thừa Thiên Huế, tỉnh này đang kêu gọi đầu tư các dự án tổ hợp khách sạn và dịch vụ du lịch cao cấp trên các khu “đất vàng” (từ số 22 đến 30A Lê Lợi). Trong đó, khu đất số 22-24 Lê Lợi với diện tích hơn 4.830m2, tỉnh kêu gọi đầu tư với tổng mức hơn 600 tỉ đồng để xây dựng khách sạn đạt tối thiểu 270 phòng, có phòng hội nghị 500m2 trở lên cùng khu nhà hàng và các dịch vụ du lịch.

Khu đất từ 26-28-30 Lê Lợi có diện tích hơn 6.230m2, kêu gọi đầu tư tổ hợp khách sạn khoảng 250-300 phòng với tổng mức hơn 700 tỉ đồng, trong đó 4 mặt tiền đường phải bố trí khu vực thương mại dịch vụ, tạo không gian thoáng để kết nối với trục không gian văn hóa nghệ thuật dọc đường Lê Lợi và bờ sông Hương… Tuy nhiên nhiều năm qua, đã có một số doanh nghiệp đến khảo sát nhưng vẫn chưa thể quyết định đầu tư. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, khó khăn lớn nhất ở đây chính là vướng cơ chế về bán tài sản công, các quy định, chính sách pháp luật còn chồng chéo.

Ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thông tin: Hiện nay các trụ sở cơ quan nói trên các khu “đất vàng” đường Lê Lợi buộc phải bán theo cơ chế tài sản công, tức là phải trả tiền một lần, trong khi đó, nếu đấu giá cho thuê đất thì có thể trả tiền hằng năm. Tỉnh đã nhiều lần kiến nghị, làm việc với Bộ Tài chính, Bộ TN&MT để xem xét lại các trường hợp này, bởi nếu áp dụng bán theo tài sản công thì rất khó. “Trước đây, các khu đất này là tài sản công nhưng bây giờ đã không còn là trụ sở cơ quan nhà nước nữa, và chúng tôi cũng đã quy hoạch là đất thương mại dịch vụ, thì đáng ra phải cho phép thanh lý tài sản trên đất, rồi cho thuê đất, đấu giá theo quy định của pháp luật về đất đai. Khi đó, các nhà đầu tư mới có điều kiện để tiếp cận được”, ông Phương nói.

Ngoài ra, các trụ sở nằm trên các khu đất này hiện đã không có nhu cầu sử dụng nữa, nhưng buộc chủ đầu tư phải mua. Theo ước tính của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, các công trình từng là trụ sở cơ quan nhà nước nằm trên nhưng khu “đất vàng” này ước tính có giá khoảng 20 tỉ đồng. Nếu nhà đầu tư “nhảy vào” thì buộc phải mua luôn các dãy nhà này, sau đó tốn thêm chi phí đập bỏ, hạ giải. “Đây là vấn đề bất cập hiện nay khi kêu gọi đầu tư thương mại dịch vụ ở tuyến đường Lê Lợi. Nếu không thay đổi cơ chế thì khả năng các khu “đất vàng” này không thể kêu gọi đầu tư được. Khó có doanh nghiệp có nguồn lực mạnh để bỏ kinh phí trả tiền một lần cùng chi phí đầu tư dự án lớn như vậy”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin.

Được biết, các khu “đất vàng” ở trục đường Lê Lợi ngay trung tâm TP Huế không chỉ bị vướng về cơ chế bán tài sản công, mà nếu đầu tư dự án thì công trình còn bị hạn chế về chiều cao theo quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương của UBND tỉnh đã phê duyệt. Đã có một số doanh nghiệp lớn đến khảo sát, làm việc với tỉnh nhưng vẫn chưa thể đầu tư do những vướng mắc nói trên. 

 SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc