Mở rộng diện miễn thị thực đơn phương (Bài 1): Cơ hội để du lịch Việt Nam bứt tốc

VHO - Tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15.2.2024 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất chính sách mở rộng các nước có công dân được đơn phương miễn thị thực Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp du lịch Việt Nam cho rằng, đây là cơ hội để Việt Nam có chính sách visa cởi mở hơn, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia về du lịch.

Mở rộng diện miễn thị thực đơn phương (Bài 1): Cơ hội để du lịch Việt Nam bứt tốc - Anh 1

 Đầu năm 2024 khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao

Cộng đồng doanh nghiệp du lịch Việt Nam cho rằng, việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mở rộng các nước có công dân được đơn phương miễn thị thực Việt Nam có ý nghĩa và tầm quan trọng rất lớn trong việc phục hồi và phát triển du lịch trong tình hình mới.

 Giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam: “Chủ trương này là một bước đột phá trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều cho du khách khi lựa chọn điểm đến. Đồng thời, mở ra cơ hội lớn cho một số thị trường tiềm năng, thúc đẩy nhanh hơn việc phục hồi và tăng trưởng của ngành Du lịch”.

Khi thực hiện Nghị quyết 127/ NQ-CP cấp thị thực điện tử, e-visa cho công dân tất cả các nước từ ngày 15.8.2023 và Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 14.8.2023 sửa đổi Nghị quyết 32/NQ-CP ngày 15.3.2022 về việc miễn thị thực cho công dân một số nước, doanh nghiệp du lịch cho biết có rất nhiều thuận lợi. Du khách đã chủ động và dễ dàng hơn trong việc xin visa vào Việt Nam, tiếp cận được xu thế chung của thương mại điện tử. Bên cạnh đó, mở rộng thêm diện miễn thị thực và kéo dài thời gian lưu trú là hết sức có ý nghĩa khi mà cạnh tranh khu vực ngày càng trở nên gay gắt. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn cho du khách và doanh nghiệp do thiếu thông tin hay sơ suất trong quá trình xin thị thực điện tử mà không được cấp khi đã đến sát ngày bay.

Chính sách thị thực cởi mở là một trong những trụ cột để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bên cạnh sự hấp dẫn của điểm đến và năng lực tiếp cận khai thác khách. Minh chứng là Việt Nam đã có sự tăng trưởng ngoạn mục các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 khi thị trường bắt đầu có độ ngấm về chính sách thị thực mới.

Bên cạnh đó, có thể thấy hầu hết các trung tâm thu hút khách quốc tế lớn trên thế giới đều coi trọng chính sách này. “Một số nước châu Âu trong khối Schengen có thể thu hút được 60 - 80 triệu khách quốc tế/năm, một phần là do sự đi lại dễ dàng của công dân trong khối. Các nước Đông Nam Á đang thu hút lượng khách quốc tế lớn như: Thái Lan, Singapore, Malaysia cũng là những điển hình khi sử dụng đòn bẩy chính sách visa”, ông Cao Trí Dũng nhận định.

Cần có cả kế hoạch ngắn hạn và dài hạn

Việc miễn thị thực cho công dân một số nước là một biện pháp thúc đẩy du lịch quốc tế, tạo thuận lợi cho du khách đến Việt Nam; góp phần tăng cường hợp tác, giao lưu, thắt chặt tình hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Đây cũng là cơ hội để du lịch Việt Nam khẳng định vị thế, uy tín, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế, phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa và tự nhiên của Việt Nam.

Đại diện nhiều doanh nghiệp du lịch Việt Nam cho rằng, việc miễn thị thực cũng là một động lực để du lịch Việt Nam phát triển bền vững, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Bà Nhữ Thị Ngần, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism) cho biết: “Với chính sách visa thuận tiện, doanh nghiệp có thể tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng từ nhiều nước khác nhau, đặc biệt là các nước có nhu cầu du lịch, đầu tư, hợp tác kinh tế với Việt Nam. Doanh nghiệp có thể tận dụng được các cơ hội hợp tác, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin với các đối tác nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Qua đó, doanh nghiệp có thể giảm được chi phí, thời gian và thủ tục cho việc xin thị thực cho khách hàng nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch, thanh toán, vận chuyển hàng hóa”.

Thái Lan là một trong những quốc gia có chính sách visa cởi mở nhất ở Đông Nam Á, miễn visa du lịch cho công dân tới từ 65 quốc gia/vùng lãnh thổ, cấp visa điện tử cho 21 quốc gia, cấp visa tại cửa khẩu cho 28 quốc gia. Chính sách visa này đã giúp Thái Lan thu hút được hơn 39 triệu lượt khách quốc tế năm 2019, đứng thứ 9 thế giới về lượng khách quốc tế. Singapore cũng có chính sách visa linh hoạt và tiên tiến, miễn visa cho 34 quốc gia/ vùng lãnh thổ, cấp visa điện tử cho 15 quốc gia, cấp visa tại cửa khẩu cho 8 quốc gia. Chính sách visa này đã giúp Singapore thu hút được hơn 19 triệu lượt khách quốc tế năm 2019, đứng thứ 17 thế giới về lượng khách quốc tế. New Zealand là một quốc gia có chính sách visa thân thiện và hiện đại, miễn visa cho 60 quốc gia/ vùng lãnh thổ, cấp visa điện tử cho 60 quốc gia, cấp visa tại cửa khẩu cho 28 quốc gia. Chính sách visa này đã giúp New Zealand thu hút được hơn 3,8 triệu lượt khách quốc tế năm 2019, đứng thứ 45 thế giới về lượng khách quốc tế.

Đứng trên quan điểm tiếp cận thị trường khách và năng lực phục vụ của điểm đến, trong ngắn hạn doanh nghiệp du lịch mong muốn Chính phủ sớm miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước: Australia, Newzeland, một số quốc gia châu Âu trong Schengen… Trong dài hạn là: Ấn Độ, Mỹ, một số nước Trung Đông… Theo bà Nhữ Thị Ngần, Việt Nam nên miễn visa đơn phương thời gian tới cho những thị trường có tiềm năng du lịch, đầu tư, hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục với Việt Nam, cũng như những thị trường có nhu cầu cao về du lịch Việt Nam. Phân tích cụ thể, bà Ngần cho rằng, Ấn Độ là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, có nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng như an ninh, quốc phòng, năng lượng, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục. Có lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng nhanh, đạt hơn 170.000 lượt năm 2019, tăng 23,3% so với năm 2018. Mỹ là đối tác toàn diện của Việt Nam, có nhiều hoạt động hợp tác, trao đổi, hỗ trợ trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại, nhân quyền, giáo dục, y tế, môi trường. Có lượng khách du lịch đến Việt Nam đứng thứ ba trong các quốc gia, đạt hơn 700.000 lượt năm 2019, tăng 7,7% so với năm 2018… Vì thế, đây là những nước chúng ta nên ưu tiên miễn thị thực đơn phương để thu hút khách quốc tế.

Ngoài chính sách visa, đại diện các doanh nghiệp du lịch cho rằng, Việt Nam cần có những giải pháp cấp thiết để phục hồi và phát triển du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. Ông Cao Trí Dũng nhấn mạnh, để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, còn cần thêm nhiều nhóm nhân tố thúc đẩy. Trước mắt, cần nhanh chóng nâng cao thương hiệu du lịch quốc gia; xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc thù; xây dựng môi trường du lịch thân thiện, an toàn, mến khách. Bên cạnh đó, huy động nhiều nguồn lực cho công tác xúc tiến; tham gia sâu vào chuỗi dịch vụ du lịch toàn cầu dựa trên các nền tảng…

 Phát triển toàn diện, nhanh và bền vững

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thúc đẩy phát triển Du lịch Việt Nam một cách toàn diện, nhanh và bền vững với phương châm “Liên kết chặt chẽ - Phối hợp nhịp nhàng - Hợp tác sâu rộng - Bao trùm toàn diện - Hiệu quả bền vững”.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3 triệu lượt, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm trước. Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất với 844.000 lượt; Trung Quốc xếp ở vị trí thứ hai, đạt 538.000 lượt; Đài Loan (Trung Quốc) ở vị trí thứ ba với 198.000 lượt. Đáng chú ý, các thị trường ở châu Âu đều tăng trưởng sôi động, nhất là các thị trường được hưởng chính sách đơn phương miễn thị thực như: Anh (+32,6%), Pháp (+34,6%), Đức (+37,1%)...

VŨ AN

 

 NGUYỄN ANH

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc