Người trẻ chung sức “Thắp sáng quê hương”

VHO - Nhiều chương trình, phong trào của thanh niên huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên Huế) đã khơi dậy động lực làm giàu, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng môi trường sống văn minh trong cộng đồng.

Người trẻ chung sức “Thắp sáng quê hương” - Anh 1

 Tuyến đường điện mặt trời trong chương trình “Thắp sáng đường quê” của lực lượng thanh niên tại xã Hương Hữu

Huyện miền núi Nam Đông có khoảng 43% dân số là đồng bào dân tộc Cơ tu. Huyện đang tăng tốc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nâng cao chất lượng đời sống của người dân địa phương về cả kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong các chương trình, sự góp sức của những người trẻ đã góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, thay đổi bộ mặt của miền núi Nam Đông.
Xây dựng nông thôn văn minh
Từ năm 2022, tại xã Hương Hữu, chương trình “Thắp sáng đường quê” được lực lượng thanh niên triển khai hiệu quả tại 5 tuyến đường với chiều dài hơn 7 km trên địa bàn các thôn. Trong đó, có những tuyến đường được lắp điện mặt trời, có tuyến đường được hỗ trợ trụ cột, dây điện và bóng đèn để kết nối từ nhà dân thắp sáng đường quê. 
Nhờ mô hình này, các trục đường liên thôn, liên xã trên địa bàn luôn sạch, sáng và văn minh. Chị Hồ Thị Hồng, Bí thư Xã đoàn Hương Hữu cho biết, nhân dân rất phấn khởi từ khi có những tuyến đường được thắp sáng ở các thôn trên địa bàn xã. Từ khi có điện đường, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, dạo bộ, vui chơi của trẻ nhỏ và người dân rất thuận lợi; đặc biệt, việc đi lại ban đêm đảm bảo an toàn giao thông cũng như góp phần cho việc giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Năm 2022, cùng với quỹ heo đất của lực lượng đoàn viên thanh niên đã hỗ trợ cho gia đình anh Tà Rương Vân (43 tuổi) và Hồ Thị A Rứt (42 tuổi), dân tộc Cơ tu, trú tại thôn Ư Rang, xã Hương Hữu với số tiền 60 triệu đồng để xây nhà ở. Từ ngôi nhà tạm, mỗi mùa mưa là thấm dột, không đảm bảo an toàn cho hai vợ chồng và 3 đứa con, gia đình anh Tà Rương Vân đã xây được ngôi nhà kiên cố hơn 70m2 và thoát nghèo sau đó không lâu. 
Đi qua con đường chạy dọc thôn Phú Nhuận, xã Hương Xuân, chúng tôi cũng ngạc nhiên với những hàng rào xanh mướt, các loại hoa nở khoe sắc dọc hai bên đường. Bộ mặt nông thôn của một xã miền núi đã đổi thay, xanh - sạch - sáng và văn minh. Có được con đường hoa này, Đoàn Thanh niên xã Hương Xuân đã vận động các Mạnh Thường Quân hỗ trợ thêm nguồn lực, người dân địa phương và lực lượng thanh niên cùng bỏ công sức để trồng tưới, chăm sóc. Đây cũng là điểm nhấn trong phong trào xây dựng nông thôn mới, hưởng ứng đề án Ngày chủ nhật xanh của tỉnh Thừa Thiên Huế. Chị Nguyễn Thị Hằng, Bí thư Xã đoàn Hương Xuân cho biết, cả xã có 8 thôn và đều được triển khai trồng hoa dọc hai bên đường, riêng con đường qua thôn Phú Nhuận được trồng 100% các loại hoa. Các loại hoa dễ chăm sóc, phù hợp với khí hậu địa phương như hoa trang, hoa giấy, hồng huế, mai vạn phúc… 
Khi Đoàn xã tổ chức phong trào này, bà con nhân dân địa phương rất ủng hộ, hưởng ứng; trong đó những Đảng viên, Đoàn viên đã gương mẫu đi đầu và thực hiện tốt để phong trào lan tỏa sâu rộng, xây dựng môi trường sống nông thôn sạch và văn minh.

Người trẻ chung sức “Thắp sáng quê hương” - Anh 2

 Vợ chồng anh Tà Rương Vân chia sẻ về ngôi nhà kiên cố mà Đoàn thanh niên hỗ trợ

Khơi dậy phát triển kinh tế
Không chỉ đi đầu xây dựng phong trào xanh - sạch - sáng, những người trẻ ở Hương Xuân còn phụ giúp cho các hộ nghèo, hộ khó khăn triển khai mô hình kinh tế phù hợp. Năm 2019, từ kinh phí của đoàn viên thanh niên trong xã, Đoàn xã Hương Xuân đã hỗ trợ heo giống cho gia đình bà Nguyễn Thị Nghiêm (ở thôn 10). Mô hình này trở nên thiết thực khi heo giống sinh sản, được nhân giống lên nhiều và gia đình bà Nghiêm cũng thoát nghèo sau một năm. Chính bà Nghiêm cũng trao tặng lại heo giống để Đoàn Thanh niên xã trao tặng cho hộ gia đình khó khăn khác phát triển kinh tế. 
Nhiều năm trước, gia đình anh Hồ Xuân Y Son (24 tuổi), dân tộc Cơ tu, trú tại thôn A2, xã Hương Sơn có mảnh vườn hơn 500m2 trồng cây cao su. Tuy nhiên do diện tích nhỏ và cao su rớt giá nên việc phát triển kinh tế gia đình gặp khó khăn. Với sự năng nổ trong phong trào đoàn, anh Son mong muốn được phát triển kinh tế hộ gia đình nên đã được Huyện đoàn Nam Đông hỗ trợ giống bưởi da xanh và phân bón để tiến hành trồng trọt. Cùng với đó, Huyện đoàn cũng phối hợp với Hội nông dân địa phương hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật trồng và cách thức chăm sóc cây cho gia đình để sớm có kết quả tốt.
Anh Hồ Xuân Y Son chia sẻ: Hiện nay trên địa bàn có nhiều gia đình, trang trại trồng cam quy mô nên khó cạnh tranh. Diện tích vườn của gia đình em hạn chế nên muốn trồng giống bưởi da xanh cũng phù hợp với thổ nhưỡng Nam Đông. Em đang cố gắng chăm sóc cây tốt để có hiệu quả đưa ra thị trường, góp phần cải thiện thu nhập và phát triển kinh tế cho gia đình. Nếu hiệu quả tốt, em mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng mô hình này cho các gia đình trong thôn, xã để phát triển kinh tế bền vững.
Bà Hồ Thị Kim Liên, 51 tuổi, mẹ của Y Son cũng bày tỏ rất vui mừng khi được Huyện đoàn “ươm mầm” để con trai và gia đình phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương.
Ông Dương Thanh Phước, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông thông tin: Thời gian qua, lực lượng đoàn viên thanh niên đóng vai trò rất quan trọng trong các phong trào xây dựng nông thôn mới. Đoàn viên thanh niên đã phát huy và duy trì tốt đề án “Ngày chủ nhật xanh”, xây dựng các tuyến đường xanh - sạch - sáng. Ý thức của thanh niên trong việc thoát nghèo được nâng cao, không để lại gánh nặng trong xã hội, năm 2023 số hộ nghèo trong thanh niên là 64 đến nay còn 11 hộ. Phong trào xung kích tình nguyện xây dựng nông thôn mới được các cấp bộ Đoàn từ huyện đến xã và các thôn triển khai sâu rộng, tổ chức các hoạt động như xây dựng và sửa chữa nhà nhân ái, hỗ trợ cải tạo vườn tạp, xây dựng các điểm vui chơi cho thiếu nhi và công trình ánh sáng nông thôn mới. Đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp, đến nay một số đoàn viên thanh niên đã mạnh dạn đầu tư, tìm tòi và phát triển những mô hình mới như: Nuôi lợn rừng lai; nuôi dúi, nông sản sạch, VAC (vườn - ao - chuồng) và đặc biệt là mô hình nuôi lợn hữu cơ theo tiêu chuẩn của Tập đoàn Quế Lâm, cho thu nhập khá ổn định. 
“Với sức trẻ, nhiệt huyết và bằng những cách làm sáng tạo, hiệu quả, thiết thực, lãnh đạo huyện rất kỳ vọng, tin tưởng vào đội ngũ, tuổi trẻ huyện nhà trong hành trình xây dựng nông thôn mới. Đó không chỉ là những công trình, mô hình cụ thể, mà quan trọng hơn, hình ảnh thanh niên được khẳng định vững chắc hơn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…”, ông Phước nhấn mạnh. 

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc