Tết đoàn tụ, sum vầy

VHO - Trong cuộc sống, người Việt có một thói quen ngỡ rất bình thường nhưng ngẫm kỹ lại rất thú vị. Ấy là vào dịp cuối năm, các bậc ông bà, cha mẹ hay hỏi con cháu đang ở xa: “Tết có về không?”, “Tết có cho đứa nào về không?”.

Tết đoàn tụ, sum vầy - Anh 1

Tranh minh họa của Vũ Tuấn 

Còn họ hàng, láng giềng thì hỏi:  “Tết này cái A thằng B có về không?”. Xét theo lịch sử, thói quen này không  ngẫu nhiên xuất hiện mà hình thành, tồn tại từ đời này qua đời khác. Bởi  đó là một yếu tố thiết yếu của lề lối tổ chức cộng đồng từ gia đình, dòng họ đến làng xóm. 
Xưa kia do điều kiện địa lý riêng mà người Việt lựa chọn nông nghiệp lúa nước làm phương thức sinh tồn, và lựa chọn đó quy định nét riêng của văn hóa Việt cả về vật chất lẫn tinh thần, quán xuyến mọi ứng xử trong  quan hệ với tự nhiên, ứng xử giữa người với người, từ quan niệm về tồn tại của các sự vật, hiện tượng đến ăn,  mặc, ở...  

Yêu cầu cố kết trong canh tác nông nghiệp lúa nước, vai trò của chữ hiếu được đề cao trong các quan hệ, yêu cầu cần cố kết bảo vệ cộng đồng trước  các thế lực ngoại xâm đưa tới sự ra  đời của tổ chức cộng đồng chặt chẽ và hình thành ý thức cộng đồng. Từ đó cộng đồng và cá thể cùng lo nỗi lo, cùng chia sẻ niềm vui. “Một giọt máu đào hơn một ao nước lã”, “bán anh em xa mua láng giềng gần”,... lời răn dạy trong quan hệ huyết thống và quan hệ cộng đồng, thoạt nghe như phủ nhận nhau, nhưng xét đến cùng là đề cao vai trò của cả quan hệ huyết thống lẫn quan hệ cộng đồng. 

Vấn đề quan thiết với cư dân nông nghiệp lúa nước là vòng quay không đổi của chu kỳ canh tác: Cày bừa - gieo  mạ - cấy - làm cỏ - bón phân - gặt,...  tạo nên tiết tấu khá ổn định của cuộc  sống qua các thế hệ. Xuân - hạ - thu - đông, tết đến xuân về, vụ chiêm - vụ  mùa, mọi thứ hầu như ít biến động, và  không thể gặt vào tháng giêng, không  thể đón tết vào ngày Đông chí. Nghĩa là con người sống, làm việc theo một chu kỳ đã được xác lập.  
Điều kiện địa lý - kinh tế riêng, sự lặp lại như bất đổi của vạn vật,… khiến thế hệ đi trước coi tích lũy,  trao truyền kinh nghiệm, lời răn dạy  đạo đức (đặc biệt là đạo hiếu và thực  hành đạo hiếu) cho thế hệ đi sau là trách nhiệm. Và thế hệ đi sau cũng  coi việc tiếp nhận, trau dồi, tích lũy, thực hiện điều trao truyền, răn dạy là  trách nhiệm.  

Hình ảnh gần gũi, thường xuyên của sự trao truyền, tiếp nhận là bữa ăn gia đình người Việt. Bữa ăn đó lấy gia đình làm đơn vị cơ bản, cả nhà ăn cùng mâm, gắp cùng đĩa, chấm  cùng bát... Đặt sang một bên việc bữa ăn cộng đồng có thể giúp mọi người nhường nhịn lúc đói kém, thì ngày nay, dù đời sống vật chất được cải thiện hơn trước, người Việt vẫn khó thích nghi với kiểu ăn mỗi người một đĩa.  

Lối ăn định suất chỉ sử dụng trong hoạt động ca, kíp, bữa trưa của viên chức. Còn về cơ bản trong một ngày, cả gia đình vẫn quây quần quanh mâm cơm và được coi là hành động biểu thị cho giá trị huyết thống. Bữa ăn cuối ngày (bữa chiều) của các gia đình Việt Nam trở thành một cuộc họp. Ở đó mọi người không chỉ ăn, mà còn là thời điểm ông bà, cha mẹ hỏi han, trao đổi, nhắc nhở công việc, nhắc nhở học hành, bàn soạn hoặc dự kiến hoạt động sắp tới của gia đình...

Các năm gần đây, hoạt động sống của người Việt Nam đã mở rộng, người Việt Nam tỏa đi bốn phương, sinh sống mọi miền và ra nước ngoài. Mỗi khi Tết đến xuân về, không phải ai cũng có điều kiện đoàn tụ. Từ đó nảy sinh cung cách ứng xử mới. Nhiều cha mẹ, ông bà không còn khắt khe, bằng lòng với việc con cháu gọi điện chúc Tết, gửi tiền qua tài khoản để các cụ tùy ý mua sắm. Và các cụ cũng chấp nhận việc đêm giao thừa đoàn tụ với con cháu qua video call. Rồi xưa kia, chỉ đến Tết mới được ăn bánh chưng, giờ muốn ăn là có, nhưng bàn thờ ngày Tết vẫn không thể thiếu cặp bánh chưng. Rồi nữa trước đây chỉ có ngũ quả thì giờ tại nhiều gia đình, ngũ quả bày biện theo tinh thần “cầu - vừa - đủ - xài”, và mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài lại sánh cùng cam, quýt, bưởi, sung, nho, thanh long, hồng xiêm…

Nên xét cho cùng, Tết gắn liền với một tập hợp quan niệm đạo đức, niềm tin, tập quán, phong tục,… đã ăn sâu, bám rễ vào cuộc sống của người Việt Nam, thậm chí trở thành chuẩn mực, để thỏa mãn tính thiết yếu của nhu cầu đoàn tụ, hướng về tổ tiên, cầu mong điều tốt lành, vui chơi, ăn  uống… Với đa số dân chúng ngày nay nhu cầu ăn uống, vui chơi không còn là nỗi câu thúc. Sinh sống ở thành thị  hay nông thôn thì mọi người vẫn có  thể du lịch đó đây, đến nhà hàng, mua về nấu nướng, giao tận nhà.  
Dù biến đổi khí hậu khiến bốn mùa  có sự sai chênh, đầu xuân thời tiết nóng hơn, thì các hoạt động đó vẫn không thể thay thế dịp đầu năm và ngày Tết. Đó không chỉ là cơ hội, mà  thời điểm nhu cầu đoàn tụ, thực hành  đạo hiếu, tri ân tổ tiên đã ở mức cao nhất trong năm, cần thỏa mãn cụ thể, trực tiếp.  
Vì thế, ngày mà nhu cầu đoàn tụ và đạo hiếu vẫn là yếu tố chi phối  tâm thức, ngày mà tri ân tổ tiên vẫn là hành vi thường trực, ngày mà cầu mong năm mới gặp nhiều may mắn, tốt lành vẫn là khát khao của mọi  người,… thì ngày đó, Tết vẫn còn nguyên ý nghĩa trong cuộc sống của người Việt Nam.

NGUYỄN HÒA 

Ý kiến bạn đọc