Công sở tiền tỉ bỏ hoang sau sáp nhập

VHO- Nhiều địa phương ở tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, thôn từ đó giúp giảm được đáng kể số lượng đơn vị hành chính. Tuy nhiên, sau sáp nhập đã dư thừa hàng loạt công sở được đầu tư nhiều tỉ đồng đang bị bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất và ngân sách. Đây là bài toán cần sớm có lời giải vì tới đây số lượng các đơn vị sáp nhập là rất lớn.

Công sở tiền tỉ bỏ hoang sau sáp nhập - Anh 1

Khu công sở xã Hà Yên, huyện Hà Trung được xây dựng khoảng 10 tỉ đồng, sử dụng được một năm thì bỏ không

 Nhiều trụ sở tiền tỉ bị bỏ hoang

Theo thống kê của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thanh Hóa, sau khi sáp nhập đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2023, tỉnh Thanh Hóa có 995 công sở, nhà đất dôi dư. Trong 995 công sở, nhà đất dôi dư thì có 629 công sở, trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị cấp xã, huyện, cấp tỉnh và 366 nhà văn hóa thôn, bản. Trong đó, có nhiều công sở làm việc mới xây dựng, tu bổ với kinh phí nhiều tỉ đồng đang bỏ hoang, gây lãng phí.

Tại huyện Hà Trung (Thanh Hóa), năm 2019, xã Hà Yên sáp nhập với xã Hà Dương, lấy tên mới là xã Yên Dương. Thời điểm sáp nhập, công sở xã Hà Yên được đầu tư khoảng 10 tỉ đồng, hoàn thành và sử dụng cuối năm 2018, nhưng sau sáp nhập bị bỏ hoang. Một người dân xã Yên Dương cho hay: ”Việc sáp nhập xã là chủ trương đúng đắn nhằm tinh giản bộ máy hành chính cồng kềnh, nâng cao hiệu quả hoạt động về quản lý nhà nước tại địa phương, cắt giảm chi phí ngân sách nhà nước về công tác cán bộ... Tuy nhiên, sau sáp nhập nhiều trụ sở làm việc đang bị bỏ hoang, chưa có kế hoạch sử dụng rất lãng phí ngân sách nhà nước”.

Cũng trong tình trạng tương tự, tại huyện Hậu Lộc, năm 2019, xã Thuần Lộc sáp nhập với xã Văn Lộc (lấy tên xã mới là xã Thuần Lộc), thời điểm sáp nhập, khu công sở xã Thuần Lộc (cũ) mới được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2018 với giá trị gần 5 tỉ đồng, tuy nhiên sau sáp nhập thì bỏ không. Riêng nhà văn hóa xã (nằm ngay cạnh nhà công sở) được đầu tư 5,1 tỉ đồng, sau khi hoàn thành mới tổ chức họp được 4 lần thì “đắp chiếu” đến nay.

Bên cạnh đó, khu công sở xã Quảng Phúc (H. Quảng Xương, Thanh Hóa) gần hoàn thành thì cũng bỏ hoang giữa cánh đồng sau khi sáp nhập. Năm 2019, xã Quảng Phúc sáp nhập với xã Quảng Vọng lấy tên là xã Quảng Phúc. Thời điểm sáp nhập, khu công sở xã Quảng Phúc đã xây dựng hoàn thành hơn 90%, với tổng vốn 8,6 tỉ đồng. Trong đó, nhà công sở 2 tầng giá trị 5,6 tỉ đồng đã hoàn thành hơn 90%; nhà văn hóa xã giá trị 3 tỉ đồng hoàn thành và tổ chức được vài cuộc họp thì cũng rơi vào cảnh bỏ hoang. Cũng vì bỏ hoang nên có thời điểm người dân địa phương đã mang cả lợn vào nuôi trong khu nhà công sở.

Ông Bùi Ngọc Tam, Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc cho hay: “Đến hiện tại khu công sở dôi dư vẫn phải bỏ không. Xã đã đưa ra hướng là quy hoạch chuyển đổi thành đất dịch vụ để kêu gọi doanh nghiệp vào đấu giá. Nhưng đến nay mới trong giai đoạn điều chỉnh quy hoạch, và đang phải tiếp tục điều chỉnh, chờ cấp có thẩm quyền quyết định”.

Tại huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) sau khi thị trấn Quan Sơn và xã Sơn Lư sáp nhập, trụ sở làm việc được thống nhất chuyển về UBND xã Sơn Lư. Điều này đồng nghĩa với việc UBND thị trấn Quan Sơn trở thành công trình dôi dư. Sau nhiều năm bỏ hoang, không đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp, rác vứt bừa bãi, gây mất mỹ quan đô thị. Theo thống kê, sau sáp nhập đơn vị hành chính, huyện Quan Sơn có 40 cơ sở nhà đất dôi dư. Huyện đã tái sử dụng 18 cơ sở, còn lại 22 cơ sở đến nay vẫn chưa được chuyển đổi… Địa phương đã có văn bản trình UBND tỉnh, Sở Tài chính sắp xếp tài sản, nhà đất, tránh lãng phí cho Nhà nước. Huyện đã đề nghị 22 cơ sở này bán tài sản trên đất, chuyển quyền sử dụng để tăng nguồn thu. Còn lại 18 cơ sở, huyện đã có phương án sắp xếp theo quy định, trình UBND tỉnh vào quý I/2024...

Nhiều vướng mắc trong xử lý công sở, nhà đất dôi dư

Vấn đề vướng mắc trong xử lý công sở, nhà đất dôi dư sau sáp nhập, theo ông Lê Quang Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thanh Hóa cho biết, thực trạng sắp xếp công sở, nhà đất dôi dư tại Thanh Hóa đang gặp một số khó khăn, như các quy định của Luật Quản lý sử dụng, tài sản công; luật Đất đai; các nghị định, thông tư có liên quan còn nhiều bất cập, quy định chưa rõ ràng hoặc chưa quy định nên ảnh hưởng đến việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Nhiều công sở, nhà đất dôi dư không có hồ sơ pháp lý về nhà, đất hoặc có nhưng không đầy đủ; một số cơ sở không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng vùng huyện, xã; khó xác định nguồn vốn hình thành tài sản công; trình tự, thủ tục thực hiện phức tạp, nhiều bước lại thiếu hướng dẫn chi tiết, nên dẫn đến việc xử lý tài sản kéo dài. Một số huyện không xây dựng kế hoạch sắp xếp tài sản; tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt phương án sắp xếp tài sản chậm. “Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng đã đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa đẩy nhanh việc sắp xếp, xử lý tài sản dôi dư; phê duyệt phương án xử lý cụ thể với từng tài sản; có hướng dẫn cụ thể về quy định, quy trình đề xuất, thực hiện việc sắp xếp, xử lý công sở, nhà đất dôi dư”, ông Hùng thông tin.

Quyết liệt xử lý công sở dôi dư

Trước thực trạng công sở, nhà đất dôi dư, tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu các địa phương, đơn vị rà soát, báo cáo, đề xuất việc xử lý tài sản, trụ sở làm việc sau sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 và phương án thực hiện cho giai đoạn 2023-2030.

Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương phải quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất đang dôi dư. Đối với nhà văn hóa thôn, bản dôi dư, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các huyện xử lý dứt điểm theo hướng bàn giao lại cho cộng đồng dân cư quản lý, sử dụng, tạo điều kiện cho người dân tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng phù hợp tại địa phương. Trong trường hợp các nhà văn hóa thôn, bản xử lý theo hướng bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc thu hồi thì phải được sự đồng thuận, thống nhất của nhân dân trong thôn, và phải thực hiện theo trình tự, thủ tục xác lập sở hữu toàn dân.

Đối với công trình là trụ sở xã, nếu địa phương có kế hoạch sử dụng cho các cơ quan, đơn vị nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội thì nhanh chóng bàn giao cho đơn vị quản lý, sử dụng. Các công sở còn lại thì xây dựng phương án chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng công trình phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất...

Mới đây, tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa diễn ra từ ngày 12 - 14.12.2023, trong phần giải trình về các vấn đề còn tồn tại, ý kiến, kiến nghị của đại biểu HĐND và của cử tri, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thừa nhận tình trạng để công sở, nhà đất dôi dư kéo dài đã gây bức xúc cho người dân. Tuy nhiên, việc sáp nhập đơn vị hành chính thì sẽ không tránh khỏi việc dôi dư công sở. Ông Tuấn cũng cho biết sẽ triển khai thành lập ngay các Ban chỉ đạo xử lý công sở, nhà đất dôi dư từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã; đến ngày 31.12.2024 sẽ cơ bản sắp xếp xong công sở, nhà đất dôi dư.

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc