Làng nghề đá mỹ nghệ Non nước Ngũ Hành Sơn: Làm mới để đón du khách

VHO - Nhằm đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm đá mỹ nghệ tới du khách trong và ngoài nước, Làng nghề đá mỹ nghệ Non nước Ngũ Hành Sơn (Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) đang từng bước số hóa hoạt động trưng bày, sản xuất, qua đó ban đầu đã đạt được những hiệu ứng tích cực.

Ứng dụng công nghệ hiện đại để quảng bá sản phẩm

Năm 2023, Sở TT&TT TP. Đà Nẵng, UBND quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, thúc đẩy chuyển đổi số ở Làng nghề đá mỹ nghệ Non nước Ngũ Hành Sơn. Trong đó, Công ty Phygital Labs phối hợp với quận UBND Ngũ Hành Sơn, Ban Quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (BQL) áp dụng công nghệ blockchain 4.0 đối với các sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước, dựa trên thực tế để tạo “câu chuyện văn hóa” mang đặc trưng của từng sản phẩm và số hóa sản phẩm tiếp cận mạng toàn cầu. 

Làng nghề đá mỹ nghệ Non nước Ngũ Hành Sơn: Làm mới để đón du khách - Anh 1

 Tác phẩm điêu khắc đạt giải có gắn chip công nghệ được đặt tại vườn hoa quận Ngũ Hành Sơn để du khách tìm hiểu, thưởng lãm

Năm 2023 cuộc thi Điêu khắc đá mỹ nghệ non nước Ngũ Hành Sơn đã chọn ra 10 tác phẩm xuất sắc đạt giải. Những tác phẩm này đang được đặt tại công viên vườn hoa quận Ngũ Hành Sơn để du khách tham quan thưởng lãm. Đặc biệt hơn, 10 tác phẩm này đã được công ty Phygital Labs tài trợ gắn chip công nghệ blockchain (công nghệ chuỗi khối).

Theo đó, chỉ cần dùng thiết bị điện tử thông minh có mạng internet quét vào con chip, ứng dụng của người xem sẽ hiện lên toàn bộ thông tin về sản phẩm. Những thông tin này có nội dung chi tiết, được trình bày dưới giao diện sống động và màu sắc, ánh sáng đầy tính nghệ thuật. Những thông tin này được gọi là một “câu chuyện văn hóa” độc đáo kể về quá trình thai nghén và hoàn thiện sản phẩm, từ lúc nhập nguyên liệu cho đến lúc được chế tác, thông tin chi tiết về tác giả, nguồn gốc tác phẩm, số lượng, địa điểm chế tác... Với ứng dụng này, sản phẩm của Làng nghề đá mỹ nghệ Non nước Ngũ Hành Sơn là những sản phẩm đầu tiên được gắn chip blockchain trên cả nước Việt Nam.

Ông Lưu Vạn Tâm Anh, Trưởng Ban quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non nước cho biết điểm ưu việt của công nghệ: “Gắn chip blockchain là một trong những cách làm rất hay để bảo hộ quyền tác giả suốt đời của tác phẩm. Dù có công dụng giới thiệu sản phẩm đi khắp toàn cầu nhưng đây là công nghệ bảo mật không thể sao chép.

Định hướng của làng nghề sắp tới là những sản phẩm có giá trị lớn trên 500 triệu sẽ khuyến khích tác giả gắn chip để bảo vệ quyền tác giả. Giá thành 1 con chip khoảng 20 triệu nhưng bảo đảm được rất nhiều lợi ích, các cơ sở đang rất đồng tình ủng hộ và đăng ký được gắn chip cho sản phẩm. Trong làng nghề nói chung,  tình trạng sao chép tác phẩm diễn ra rất nhanh, chỉ cần đưa tác phẩm mới ra là sẽ có người làm giống y như vậy. Việc gắn chip cũng giống như quảng cáo suốt đời cho sản phẩm và tác giả, ngoài ra còn tăng giá trị của sản phẩm cũng như sức hấp dẫn của làng nghề” - ông Tâm Anh nhấn mạnh. 

Làng nghề đá mỹ nghệ Non nước Ngũ Hành Sơn: Làm mới để đón du khách - Anh 2

Câu chuyện văn hóa của từng sản phẩm hiện lên khi du khách quét chip công nghệ blockchain 4.0

Anh Nguyễn Đức Sĩ - chủ một cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ Non nước cho biết cơ sở của anh đã đăng ký với BQL làng nghề được gắn chip công nghệ vào tác phẩm nhưng vẫn đang trong quá trình chờ đợi: “Những sản phẩm mang giá trị kinh tế lớn chúng tôi sẽ đăng ký gắn chip. Ứng dụng của công nghệ với sản phẩm làng nghề đá rất hữu ích, vừa hỗ trợ cơ sở về khâu quảng bá sản phẩm suốt đời không giới hạn, vừa bảo hộ quyền tác phẩm, tác giả, giúp người làm nghề điêu khắc đá an tâm lao động giữ nghề”.

Làng nghề đá sẽ sớm đón khách tham quan du lịch

Thông tin sơ bộ từ BQl làng nghề đá mỹ nghệ Non nước Ngũ Hành Sơn cho thấy, hiện nay làng nghề có 384 cơ sở sản xuất lớn nhỏ, khoảng 1.500 lao động, sản xuất từ sản phẩm kích thước cao trên 10m đến những sản phẩm nhỏ tinh xảo như vòng tay đá, giá thành các sản phẩm dao động từ vài trăm nghìn đến tiền tỷ. Doanh thu làng đá một năm từ 800 đến 1.000 tỷ, nhân công thu nhập 700.000 - 1.5000 triệu/ngày. 

Để thúc đẩy sự phát triển của làng nghề, tăng mức thu nhập cho người lao động, các cơ sở trong làng nghề đều áp dụng công nghệ hiện đại trong thiết kế, chế tác. Lao động trẻ là lực lượng tăng cường sản xuất và thúc đẩy nhanh sự chuyển đổi mạnh mẽ của làng nghề. Trong 1.500 lao động  thì có 50% là lao động địa phương, đây là những người quyết tâm bám trụ với nghề cha ông để lại. Với khát khao đưa sản phẩm làng nghề vươn xa, nhiều người trẻ đã tự giác học hỏi nâng cao trình độ, tốt nghiệp các ngành nghề liên quan, thúc đẩy sản xuất làng nghề theo hướng chuyên nghiệp, bài bản. 

Làng nghề đá mỹ nghệ Non nước Ngũ Hành Sơn: Làm mới để đón du khách - Anh 3

Làng nghề đá mỹ nghệ Non nước Ngũ Hành Sơn đang xây dựng cơ sở hạ tầng để đón khách du lịch trong năm 2025

“Để giữ nghề truyền thống, nhiều cơ sở đã cho con đi học các ngành nghề về công nghệ phần mềm, mỹ thuật... Người trẻ được đào tạo bài bản làm việc nhanh nhạy, hiệu quả hơn nhiều so với trước đây. Họ nghiên cứu ra những sản phẩm đẹp, đa dạng nhiều kích cỡ khác nhau, tự quay phim, chụp ảnh, diễn giải thông tin để đưa vào sản phẩm, do đó năng suất lao động được nâng cao hơn. Khả năng sắp tới, các hộ trong làng nghề sẽ đầu tư “cánh tay robot” có thể thay các công đoạn tới 90%”, ông Tâm Anh chia sẻ.

Hiện nay BQL Làng nghề điêu khắc đá mỹ Nghệ Non nước Ngũ Hành Sơn đang hoàn thiện “Đề án khôi phục và phát triển trong làng nghề”. Theo đề án sẽ cải tạo cảnh quan môi trường, tạo “vành đai xanh” là hàng cây xanh bóng mát, vừa tạo không gian vừa ngăn che bụi. Du khách sẽ vào tham quan, trải nghiệm đục khắc đá, để khách mang sản phẩm tự tay làm về. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà truyền thống làng nghề, trong đó trưng bày các sản phẩm làng nghề, hình thành các tour đi bằng xe điện hoặc đi bộ. 

“BQL làng nghề đã cam kết với UBND quận Ngũ Hành Sơn, đến cuối năm 2025 sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng đưa vào phục vụ các đoàn khách tham quan du lịch. Hiện nay vẫn có những đoàn khách muốn vào tham quan nhưng cảnh quan môi trường chưa đảm bảo nên BQL chưa đón khách. Khoảng 2 năm nay, các cơ sở ứng dụng công nghệ nhiều trong việc đục đẽo đá, thực hiện phun nước song song với các hoạt động cắt, khoan, mài đá bụi ẩm đã giảm 70% so với trước đây nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, dần dần phải giảm thiểu bụi ẩm ở mức thấp nhất mới có thể đón khách”, Trưởng BQL làng nghề đá mỹ nghệ Non nước Ngũ Hành Sơn  Lưu Vạn Tâm Anh nói.


NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc