Sân khấu chuyển mình nhờ công nghệ

VHO - Để bắt kịp xu hướng của lớp khán giả đương đại, nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật đã tích cực tiến hành chuyển đổi số, tạo nên những thay đổi đáng kể, từ đó nâng cao giá trị tác phẩm và đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.

Sân khấu chuyển mình nhờ công nghệ - Anh 1

 Liên đoàn Xiếc Việt Nam mở Hội nghị khách hàng năm 2024, đây là sự kiện được đơn vị tổ chức thường niên để nắm bắt thị hiếu khán giả

 Mang lại hiệu quả tích cực về doanh thu

Có thể thấy, ở thời điểm này, nhiều nhà hát và đơn vị nghệ thuật đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên nền tảng mạng xã hội. Các trang Fanpage được sử dụng như một kênh thông tin chính thức với nội dung được cập nhật nhanh chóng, gần gũi với khán giả. Phương pháp này đang chứng minh ưu điểm vượt trội so với các website truyền thống và mang lại hiệu quả tích cực về doanh thu.

Thời gian qua, Nhà hát Kịch Việt Nam (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội) trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều đối tượng khán giả, đặc biệt là những người trẻ đã chủ động tới mua vé để thưởng thức nghệ thuật. NSND Nguyễn Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát bật mí, sự thành công trong hoạt động tổ chức biểu diễn của đơn vị, bên cạnh chất lượng vở diễn thì việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cũng góp phần quan trọng. Công nghệ đã giúp tăng cường tương tác giữa nhà hát, nghệ sĩ với khán giả, giúp cho khâu quản lý tài nguyên khoa học hơn, tiết kiệm được thời gian và công sức cho các cán bộ công nhân viên cùng anh em nghệ sĩ. “Việc truyền thông về các vở diễn mới, chuyện hậu trường “bếp núc” đăng trên nền tảng mạng xã hội đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút khán giả đến với sân khấu kịch. Và quan trọng nhất, nó kích thích mong muốn và khát khao được thưởng thức nghệ thuật của công chúng”, NSND Xuân Bắc khẳng định.

Đơn cử như ngày 17.3 vừa qua, Nhà hát Kịch Việt Nam trình diễn vở Bóng rối do đạo diễn, NSND Tạ Tuấn Minh dàn dựng. Khán giả và người hâm mộ các “ngôi sao” của Nhà hát đã được gặp gỡ những gương mặt nổi tiếng qua kênh truyền thông, trong đó mạng xã hội là một kênh nhanh chóng và hiệu quả để họ trực tiếp bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ về vở diễn thông qua những dòng bình luận ngay bên dưới các bài đăng trên Fanpage. Đây cũng là cơ hội để tập thể nghệ sĩ cùng ê kíp sản xuất lắng nghe và tiếp thu ý kiến người xem, từ đó rút kinh nghiệm trong những chặng đường sáng tạo nghệ thuật sắp tới.

Với Nhà hát Tuổi Trẻ, Giám đốc NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến cho biết, đơn vị đã đầu tư nhân lực, vật lực để xây dựng nội dung cho Fanpage thật phong phú, hấp dẫn. Nhà hát rất quan tâm tới các chỉ số như lượng người theo dõi, lượng người truy cập, tỷ lệ tương tác, bình luận trong từng bài đăng, theo từng giai đoạn, để từ đó có những điều chỉnh hợp lý. Việc quảng bá hiệu quả đã đóng góp tích cực cho doanh thu phòng vé, và việc Nhà hát tương tác, trả lời độc giả trên trang mạng xã hội được xác định như một khâu “chăm sóc khách hàng”. Công chúng cũng dành nhiều sự quan tâm đối với Fanpage của Nhà hát Tuổi Trẻ và các nghệ sĩ mà họ yêu thích, bởi qua đây, họ có có thể nắm bắt được các thông tin về lịch diễn cũng như nội dung, gương mặt nghệ sĩ sẽ tham gia ở từng chương trình.

Việc tương tác với khán giả trên mạng xã hội cũng được các nhà hát, đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ chăm chút kỹ càng hơn. Nhiều Facebook của nghệ sĩ có lượng tương tác lớn như: NSND Xuân Bắc, NSND Tạ Tuấn Minh (Nhà hát Kịch VN); NSƯT Lộc Huyền, NSƯT Kiều Oanh (Nhà hát Tuồng VN); NSND Triệu Trung Kiên, NSƯT Trần Khải (Cải lương); NSND Lệ Ngọc (Sân khấu Kịch Lệ Ngọc); NSND Tống Toàn Thắng (Liên đoàn Xiếc VN); Nghệ sĩ Đồng Quang Vinh (Nhà hát Nhạc vũ kịch VN)...

Sân khấu chuyển mình nhờ công nghệ - Anh 2

Sân khấu chuyển mình nhờ công nghệ - Anh 3

 Fanpage của Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi Trẻ thu hút lượng khán giả tương tác rất lớn

Nhiều hình thức tổ chức biểu diễn mới phát triển

Không thể phủ nhận việc truyền thông nghệ thuật trên các nền tảng mạng xã hội đã giúp cho sân khấu gần hơn với khán giả và biến tác phẩm nghệ thuật thành những “sản phẩm kinh doanh đặc biệt”. Có thể thấy rất rõ những thay đổi tích cực về doanh thu bán vé online cũng như trực tiếp. Nhờ mạng xã hội, thông tin về vở diễn mới được phổ biến tới nhiều đối tượng người xem, có những khán giả không có thói quen đi xem sân khấu bao giờ, thì nay cũng vì “tò mò” mà đặt chân tới nhà hát.

Ghi nhận hình thức bán vé online thành công phải kể tới Nhà hát Tuổi Trẻ. Theo chia sẻ của NSƯT Sĩ Tiến, đến nay, kênh trực tuyến đã chiếm đến 95% tổng lượng vé bán ra của mỗi suất diễn. Hình thức này phù hợp với thói quen tiêu dùng của đại đa số khán giả trẻ, khi họ chỉ cần ngồi nhà “click chuột” rồi tới rạp check-in trước giờ diễn, thay vì phải đi lại nhiều lần.

Rõ ràng, triển khai bán vé trực tuyến đã giúp các đơn vị nghệ thuật có kế hoạch biểu diễn phù hợp và nâng cao lượng khán giả đến xem. Hiện tại, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam... đều triển khai nhiều dịch vụ hỗ trợ khách hàng, họ có thể lựa chọn hình thức giao vé tận nhà hoặc đọc thông tin cá nhân đã đăng ký từ trước ngay tại cửa rạp.

NSND Xuân Bắc cho biết: “Nhà hát Kịch Việt Nam đã số hóa nhiều nội dung vào kho lưu trữ của hệ thống. Chỉ cần gõ nhan đề một vở diễn, bạn sẽ tìm thấy đủ thông tin như họa sĩ trang trí, người dựng vở, danh sách diễn viên, phục trang, số đo… Quá trình số hóa đã chi tiết tới tận cấp quản lý, tránh được tình trạng phải bới tìm rất lâu mỗi khi cần tra cứu về một thông tin nào đó như trước đây”.

Trao đổi với Văn Hóa, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Trần Ly Lycho rằng: “Trong cơ chế thị trường hiện nay, ngành sân khấu gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với các loại hình giải trí hiện đại. Sân khấu cũng như các ngành khác muốn tồn tại được thì phải tìm cách khôi phục, gắn với dòng chảy cuộc sống. Vì vậy, mỗi đơn vị nên xây dựng một bộ phận chuyên trách về công nghệ, truyền thông. Chỉ có nhân sự của chính nhà hát mới hiểu sâu, hiểu kỹ về sản phẩm của mình. Không ai có thể truyền thông tốt hơn người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm đó. Và đội ngũ này cũng cần phải có kiến thức chuyên môn để áp dụng công nghệ phù hợp”.

Xu hướng ứng dụng chuyển đổi số là tất yếu và sẽ tạo nên sự chuyển biến lớn đối với ngành nghệ thuật biểu diễn. Lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật khi trao đổi đều khẳng định điều này, tuy nhiên “hoàn cảnh con nhà nghèo” với đủ khó khăn bủa vây thì quả thực không ít đơn vị đành “lực bất tòng tâm”... Thế nhưng, nhìn vào hiệu quả vượt trội của chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ, rõ ràng những nhà quản lý và cá nhân các nghệ sĩ sẽ phải tự tìm ra cho mình cách đi và con đường phù hợp với xu thế thời đại. 

 THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc