Nàng Thiệt Thê: Xem chuyện xưa ngẫm chuyện nay

VH- Nhà hát Chèo Việt Nam vừa ra mắt vở Nàng Thiệt Thê (tác giả, đạo diễn: NSND Trần Bảng, họa sĩ: NSND Dân Quốc, biên đạo múa: NSND Trần Minh, âm nhạc: nhạc sĩ Đôn Truyền). Câu chuyện của những nhân vật xưa cũ được tái hiện lại trong cuộc sống đương đại thấy vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa về bài học đạo lý, về cách đối nhân xử thế giữa con người với con người...

Nàng Thiệt Thê: Xem chuyện xưa ngẫm chuyện nay - Anh 1

 Trích đoạn Tuần Ty Đào Huế được thể hiện rất đắt trong Nàng Thiệt Thê

Hơn 2 tiếng đồng hồ, khán giả tập trung theo dõi diễn tiến của vở lắng nghe từng câu hát, từng làn điệu. Trong số khán giả có rất nhiều cụ đã ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn ngồi xem từ đầu chí cuối. Một cụ bà hơn 80 tuổi ở cạnh Nhà hát Chèo Kim Mã cho biết: "Ở vở Nàng Thiệt Thê mà Nhà hát Chèo VN diễn lại có cách xử lý khác đó là Chu Mãi Thần nhận lại vợ nhưng nàng Thiệt Thê tự cảm thấy xấu hổ không dám nhận và từ chối bát thuốc mà người chồng đưa cho khi bị đau ốm, thân tàn ma dại. Tôi rất thích cách xử lý này của những người dựng vở hôm nay, cách ứng xử đầy quân tử của người chồng xứng là một “đấng nam nhi” không hẹp hòi, tàn nhẫn như tích cũ”.

Nàng Thiệt Thê cũng như một số vở chèo được Nhà hát Chèo VN phục dựng lại như Súy Vân, Lưu Bình Dương Lễ... chỉ cần thay đổi một vài tình tiết thì vở diễn đã được nâng tầm thêm giá trị tư tưởng, nhân văn cho tác phẩm. Vở Nàng Thiệt Thê viết lại từ tích chèo cổ Chu Mãi Thần. Tác giả Lương Tử Đức dựa trên ý đồ cũng như dàn dựng của GS Trần Bảng đã dụng công xây dựng nhân vật Chu Mãi Thần như là hiện thân của một nhân vật nho sinh đẹp nhất trong chèo cổ, quyết vượt lên mọi khó khăn để đạt được mục đích của mình về sự học, Chu Mãi Thần còn xử sự “đúng như một người quân tử”. Bát thuốc ân tình mà chàng sắc cho Thiệt Thê sau lần gặp lại đã khiến nhiều khán giả rơi nước mắt. Nhân vật Thiệt Thê trong vở diễn được khắc họa một cách nông nổi, đứng núi này trông núi nọ, vì ham muốn vật chất tầm thường trước mắt nên đã phải trả giá cho những sai lầm... Thay vì kêu gào, xoắn xít nhận chồng thì nàng Thiệt Thê lại cảm thấy ân hận, xấu hổ, trốn tránh và không dám nhận chén thuốc ân tình mà chồng cũ đưa cho...

Trong vở Nàng Thiệt Thê mới này, ê kíp sáng tạo đã tạo được những ấn tượng mới lạ khi triển khai làn điệu chèo kết hợp với âm nhạc dân gian miền Trung, đặc biệt là nét Vỉa Huế đầy ấn tượng. Nghệ thuật cách điệu, tính trào lộng được thấm đẫm ở các nhân vật, các tình huống của cốt truyện tạo nên sự cuốn hút cho người xem.

Rõ ràng những câu chuyện “tham vàng bỏ ngãi”, “đứng núi này trông núi nọ” và cả cách ứng xử đầy vị tha của những nhân vật chèo cổ xưa vẫn còn hiện hữu, thường trực và là câu chuyện nóng trong các gia đình Việt Nam thời nay. Gửi gắm những cách nhìn nhân văn, cách đối nhân xử thế lấy lòng nhân ái làm nền tảng đạo đức... là những gì mà người xem hôm nay cảm nhận được từ tác phẩm. Khuynh hướng phục dựng, chỉnh lý chèo cổ với góc nhìn của đương đại đã thêm một lần được ê kíp sáng tạo và phục dựng của Nhà hát Chèo VN thể hiện thành công ở vở Nàng Thiệt Thê.

Hiền Lương

 

Ý kiến bạn đọc