“Buộc” cuộc đời với rối

VH- Hơn chục năm lận đận với múa rối nước, có lúc trắng tay phải chạy vạy vay mượn tiền của nhưng đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn vẫn quyết giữ loại hình nghệ thuật truyền thống này trên mảnh đất Cố đô. ​

Anh đến với múa rối cũng chỉ là cái duyên nhưng duyên đó đã “buộc chặt” cuộc đời anh. Và dù khó khăn, vị đạo diễn này vẫn tin rằng, loại hình nghệ thuật lâu đời này sẽ là điểm đến hấp dẫn để thưởng thức văn hóa truyền thống tại Huế.

“Buộc” cuộc đời với rối - Anh 1

 Các diễn viên của nhà hát giúp khán giả trẻ trải nghiệm với múa rối nước

Bén duyên với múa rối

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội, chàng trai trẻ Nguyễn Phi Tuấn đã khăn gói lên vùng Tây Nguyên nghèo khó. Tưởng hoạt động nghệ thuật đúng chuyên ngành, nhưng do múa rối thiếu nhân lực và lãnh đạo đã điều anh về bộ phận này. “Ban đầu, tôi cũng ngỡ ngàng lắm, bởi những gì tôi được học là diễn viên kịch nhưng lại theo một lĩnh vực khác. Nhưng khi được cầm rối, rồi được phân đảm nhận vai chính, tôi yêu thích và đam mê nó lúc nào không hay. Có lẽ, đó là cái duyên của cuộc đời…”, đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn nhớ lại.

Công tác ở vùng Tây Nguyên nắng gió được vài năm, anh trở về quê hương Cố đô Huế và công tác tại Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế. Vừa làm diễn viên, vừa làm công tác nghiên cứu. Trong thời gian đó, anh tiếp tục khăn gói ra Hà Nội học tiếp khóa đạo diễn. Giờ đây anh vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên cầm rối, vừa đào tạo thêm cho những người trẻ muốn theo nghiệp của mình.

Câu lạc bộ chẳng mấy chốc được nhiều người biết đến, nên năm 2007, anh cùng với một số bạn bè nghệ sĩ góp vốn để thành lập Nhà hát Múa rối Cố đô Huế. Từ khi theo nghiệp biểu diễn, cuộc đời Nguyễn Phi Tuấn như bị “buộc” chặt với rối. Nhà hát ngày đêm mở cửa đón khách, trong đó không ít khách du lịch quốc tế đến Huế.

“Buộc” cuộc đời với rối - Anh 2

 Đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn vừa làm diễn viên và đạo diễn cho múa rối nước, dù “lận đận” nhưng vẫn quyết không bỏ nghề

Lận đận

Đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn kể rằng: Thời hoàng kim của Nhà hát Múa rối Cố đô Huế là những năm 2010-2011, khi đó trung bình mỗi năm nhà hát đón 10.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đễn thưởng thức múa rối. Khách quốc tế thường là các thị trường Nhật Bản, Pháp, Đức, Anh, Thái Lan… Cũng chính thời điểm này, anh xin nghỉ việc ở Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế để dành trọn thời gian cho múa rối nước.

Thế nhưng suốt hơn chục năm thành lập nhà hát, anh vẫn “lận đận” bởi không có chỗ “an cư”. “Khó khăn của tôi không phải là phụ thuộc vào lượng khách mà là địa điểm để biểu diễn. Cứ thuê địa điểm vài ba năm thì bị “đuổi”, anh Tuấn nói.

Không đành lòng bỏ nghiệp rối, đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn đã gõ cửa khắp nơi để xin được thuê một điểm biểu diễn. Và mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vừa đồng ý chủ trương cho xây dựng nhà hát ở khu vực sông Như Ý (ven Đập Đá) với thời hạn 30 năm. Cuối cùng thì đứa con tinh thần cũng đã “sống lại”. Anh Tuấn phấn khởi: “Nguồn kinh phí đầu tư khoảng 10 tỉ đồng và nhà đầu tư (theo xã hội hóa) đã rất tích cực trong công tác xây dựng nhà hát. Dự tính nhà hát sẽ hoàn thành trước kỳ Festival Huế 2018. Đây không chỉ là không gian biểu diễn múa rối nước đặc trưng của Huế mà còn sẽ là điểm biểu diễn các hình thức nghệ thuật truyền thống phục vụ nhân dân và du khách khi đến Huế”. Trong lúc chờ xây dựng, nhà hát vẫn duy trì biểu diễn tại “Không gian văn hóa làng quê Việt” (64 Lê Lợi, TP Huế) để phục vụ du khách.

Trong hơn 10 năm qua, Nhà hát Múa rối Cố đô Huế cũng đi khắp các tỉnh thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên để biểu diễn phục vụ học sinh bậc tiểu học và mầm non. Mỗi năm, nhà hát dành từ 3-4 tháng để phục vụ ở các trường học, với trung bình 200 suất diễn. “Chúng tôi không đặt mục đích doanh thu khi thực hiện chương trình “múa rối học đường”, bởi nguồn thu chính chỉ là sự hỗ trợ của phụ huynh học sinh. Mục đích của chương trình là tạo sự hứng khởi, yêu thích ở con trẻ, góp phần bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống này.

(Đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn)

Sơn Thùy

 

Ý kiến bạn đọc