Văn Cao là ví dụ tiêu biểu đầy nhiệt huyết cho tinh thần nhập cuộc của người nghệ sĩ

VHO - Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao (15.11.1923-15.11.2023), sáng 14.11, Ban Văn học Nghệ thuật VOV6 đã tổ chức Hội thảo và ra mắt sách Văn Cao – Mùa chữ, mùa người, nhằm tôn vinh người nghệ sĩ tài danh.

Văn Cao là ví dụ tiêu biểu đầy nhiệt huyết cho tinh thần nhập cuộc của người nghệ sĩ - Anh 1

Hội thảo và ra mắt sách Văn Cao – Mùa chữ, mùa người

Phát biểu khai mạc Hội thảo, nhà báo Trần Nhật Minh, Trưởng Ban Văn học Nghệ thuật VOV6 nhấn mạnh, nếu như về âm nhạc Văn Cao đã được khẳng định ở vị trí số một Việt Nam trong thế kỷ XX thì các lĩnh vực sáng tác khác, là họa và đặc biệt là thơ của ông dường như chưa có sự nghiên cứu thấu đáo.

Văn Cao có nhiều thành tựu ở cả nhạc, họa và thơ. Hội thảo sẽ tập trung phần lớn vào những đóng góp của ông ở thơ. Qua bài viết của các tác giả Lê Huy Quang, Văn Giá, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Hoài Nam, Thiên Sơn, Phùng Gia Thế..., người đọc sẽ có cái nhìn tổng thể về hành trình thơ Văn Cao cùng những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của ông. Nhìn vào hành trình thơ Văn Cao, có thể thấy cả sự vận động của thi ca Việt Nam hiện đại, từ lãng mạn đến tượng trưng và siêu thực.

Theo nhà thơ Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao, thì Văn Cao làm thơ lúc chỉ mới 12, 13 tuổi. Văn Cao đến với thơ trước khi đến với nhạc, họa và thơ cũng là cõi riêng ông thổ lộ những suy tư thăm thẳm về cuộc đời mình, những chiêm nghiệm trước hiện thực ngặt nghèo mấy mươi năm thăng trầm của một thế kỷ đầy bão táp.

Dù không sáng tác nhiều thơ, nhưng Văn Cao cũng đã ôm chứa trong ông bước dịch chuyển lớn lao mang dấu ấn của hơn nửa thế kỷ tìm đường của thơ Việt. Từ một nhà lãng mạn, Văn Cao đã nỗ lực để trở thành một nhà thơ hiện thực, từ một nhà hiện thực, Văn Cao đã tiến thêm một bước vào lãnh địa của thơ tượng trưng. Trong thơ ông người ta tìm thấy cả dấu ấn thân phận nhà thơ, lẫn nỗi cay đắng của một lịch sử đầy gấp khúc

Nhìn lại sự nghiệp thơ Văn Cao, ta không khỏi ngạc nhiên, khi chỉ trong hơn 10 năm kể từ khi có tác phẩm thơ đầu tiên, từ một nhà lãng mạn cuối mùa, ông đã làm một hành trình dài lao thẳng vào hiện đại như một cánh chim xuyên qua bão táp của những thành kiến trong thời đại mình để trở thành một nhà tiên phong, mở ra một cánh cửa mới cho thơ hiện đại Việt Nam, mà cho đến nay chúng ta chưa đi hết cung đường mà ông đã vạch ra.

Văn Cao là ví dụ tiêu biểu đầy nhiệt huyết cho tinh thần nhập cuộc của người nghệ sĩ - Anh 2

Nhìn vào hành trình thơ Văn Cao, có thể thấy cả sự vận động của thi ca Việt Nam hiện đại. Ảnh: ITN

Cuối những năm 30, đầu những năm 40 thế kỷ trước, phong trào thơ mới bắt đầu cạn dần dòng chảy của nó. Những sáng tác đầu tiên của Văn Cao chịu ảnh hưởng của tư duy thơ mới, nhưng lối dùng chữ vẫn còn nặng về Hán Việt, nhạc thơ còn chưa thật nhuần nhuyễn. Nhưng, chỉ khoảng 1 năm sau, khi ông viết Một đêm đàn lạnh trên sông Huế (1940) thì độ điêu luyện, mượt mà đã không kém các bậc đàn anh trong thơ mới trước đó. Và cũng chỉ mấy năm sau, ông viết Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc thì không chỉ độ điêu luyện đã lên đến đỉnh, mà còn cho thấy cách nhìn, cách miêu tả hiện thực sắc sảo, trực diện trước thảm họa khủng khiếp của dân tộc ta trong nạn đói năm 1945. Đó là thời điểm Văn Cao đã hoàn toàn vượt qua ảnh hưởng của thơ mới và nghiêng theo chủ nghĩa hiện thực. Nhưng rồi sau đó, Văn Cao chủ yếu chuyển sang nhạc, liên tiếp giành được những thành tựu lớn trong âm nhạc, còn đường thơ thì dần trở nên thưa thớt.

Nửa cuối thập niên 40 của thế kỷ trước, Văn Cao có vài bài thơ, mà đáng chú ý phải nói đến Ngoại ô mùa thu năm 1946. Sự biểu đạt về ngôn từ ở đây đã thoát thai ra khỏi lối ước lệ cổ điển và cập nhật những từ ngữ mới mang hơi thở đời sống. Cũng phải nói rằng, chính cuộc sống chiến đấu và lao động mới sau cách mạng Tháng 8 đã giúp nhào nặn lại ngôn ngữ thơ của Văn Cao và đưa ông lên tuyền đầu với những ước mơ và khát vọng sáng tạo mới cho thơ.

Theo nhà văn Thiên Sơn, ngọn lửa thơ của Văn Cao sung sức và bùng cháy nhất chính ở thời điểm ông viết trường ca Những người trên cửa biển năm 1956. Cảm xúc sôi trào. Ý tứ sắc sảo. Câu thơ hoạt. Hình tượng thơ gây nhiều ám ảnh. Từ thời điểm này về trước, Văn Cao thiên về cảm xúc, cảm giác và những hình ảnh lãng mạn. Sau thời điểm này, Văn Cao chuyển dần sang ẩn dụ, tượng trưng với những hình ảnh biểu tượng hết sức sâu sắc và những suy tư mang nhiều cay đắng.

Trong bài viết Thơ và thơ – Ca từ của Văn Cao, nhà văn Cao Ngọc Thắng cho biết, Văn Cao để lại cho đời, cho nền nghệ thuật nước nhà, cho các thế hệ sáng tạo và quần chúng cần lao rất nhiều, nhiều về chất lượng chứ không nhiều về số lượng. Bởi, Văn Cao là người tiên phong đặt nền móng cho nền thơ, nền nhạc và gợi ý tưởng cho nền họa, để đắp xây nên con đường nghệ thuật Việt Nam hòa nhập thời đại, ngay từ thuở giao thời. Trên bước đường đầu tiên ấy, chính ông là người luôn luôn tự đổi mới mình, cách tân nghệ thuật của mình. Ông tiên phong khẳng định thơ không vần, trường ca (thơ và nhạc). Ông sử dụng tiếng Việt trong sáng, chính xác, đắc địa, hàm xúc, đa nghĩa, dụng công làm giàu và đẹp ngôn từ: “Nhớ một cánh buồm/ Xa ngoài sông Hồng thấp thoáng/ Nhớ một điệu đàn/ Vũng sao khuya sóng sánh” (Một đêm Hà Nội).

Khẳng định Văn Cao là người tiên phong của thể loại thơ không vần, nhà phê bình Văn Giá cho biết, thơ tự do của Văn Cao là một thứ thơ tự do không vần, khác với thơ tự do có vần. Thơ tự do không vần đã giải phóng hoàn toàn thơ ra khỏi yếu tố vần mà vẫn đảm bảo nhịp điệu như một yếu tính của thơ. Nhớ lại, cuộc tranh luận về thơ không vần của Nguyễn Đình Thi vào năm 1949 trên Việt Bắc khiến cho xu hướng thơ không vần lúc đó ở một số ít nhà thơ và ở ngay cả chính Nguyễn Đình Thi đã dừng lại. Tuy nhiên, mọi cách tân chân chính luôn có cách thế tồn tại của nó. Thơ không vần không hiện diện trên văn đàn chính thống. Nó đã tìm cách đi vào “thơ chui”. Cùng một loạt các nhà thơ Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng, Phùng Cung (sau một chút là Dương Tường, sau nữa là Hoàng Hưng), Văn Cao góp phần thúc đẩy dòng thơ tự do không vần thành tựu, góp phần mở rộng giới hạn và khả thể của thơ Việt.

Một nốt son nữa ở thơ Văn Cao là tính họa như một thế mạnh trong con người nghệ sĩ đã được trưng dụng. Về điểm này, thường được cắt nghĩa rằng Văn Cao là một họa sĩ, nên thơ ông tất yếu mang tính họa. Nhưng nhà phê bình Văn Giá cho rằng, nó không hẳn tất yếu. Cái quan trọng nhất là năng lực chuyển hóa những ấn tượng thị giác để trở thành những ấn tượng ngôn từ. Không ít người vừa làm thơ vừa vẽ tranh, đâu có thấy cái chất “Thi trung hữu họa”; hay ngược lại, có những nhà thơ đâu có biết vẽ thế mà trong thơ lại tràn đầy họa tính. Cái tài năng đáng nể của Văn Cao ở chỗ ông đã làm hội họa bằng ngôn từ.

Nhà thơ, nhà báo, Nguyễn Quang Hưng khẳng định, Văn Cao là một ví dụ tiêu biểu đầy nhiệt huyết cho văn nghệ sĩ, cho người cầm bút hôm nay và nhiều thế hệ sau này về tinh thần nhập cuộc, ý thức xây dựng, phản biện trước đời sống và hành động lắng nghe, nắm bắt, cất lên tiếng nói trách nhiệm của mình. Đó là những hành động cụ thể bằng tác phẩm nghệ thuật, bằng sáng tạo để làm mới, làm cho cao và xa hơn chính nghệ thuật của mình. Và nghệ thuật đó sẽ làm giàu thêm cho văn hóa, làm trong trẻo hơn cho tâm hồn người, vun đắp thêm vào suy tư và đạo đức con người ý thức cải tạo, sửa chữa để từ đây góp sức dọn dẹp, cải biến xã hội.

Bao nhiêu năm trước và những năm sau này, Văn Cao đã dựng lên đền đài nghệ thuật bằng giai điệu, bằng những bài thơ trìu mến của mình. Cách mà ông phát biểu, ông cổ vũ cùng đất nước qua những bài thơ mang tinh thần phản biện, tự vấn, cảnh báo cũng thiết tha, cũng đầy trách nhiệm như thế, trách nhiệm của công dân, trách nhiệm của nghệ sỹ, trách nhiệm trong sáng tạo.

THANH NGỌC

Ý kiến bạn đọc