Vĩnh biệt nhà biên khảo văn học và sử học Nguyễn Q.Thắng

VHO - Thông tin từ gia đình và bạn bè, đồng nghiệp cho biết, nhà nghiên cứu Nguyễn Q.Thắng đã từ trần vào khuya ngày 1.1.2024 tại nhà riêng ở quận Phú Nhuận, TP.HCM, thọ 85 tuổi.

Vĩnh biệt nhà biên khảo văn học và sử học Nguyễn Q.Thắng - Anh 1

Nhà nghiên cứu Nguyễn Q.Thắng để lại sự nghiệp nghiên cứu đồ sộ với hơn 60 công trình được xuất bản

Theo Cáo phó từ gia đình, lễ nhập quan đã diễn ra vào 11h ngày 2.1. Linh cữu quàn tại Quãn Sanh Đường Chùa Vĩnh Nghiêm, Quận 3, TP.HCM. Lễ động quan vào lúc 7h ngày 4.1.2024. Linh cữu hỏa táng tại Trung tâm Bình Hưng Hòa.

Nguyễn Q.Thắng là nhà biên khảo văn học và sử học Việt Nam. Ông tên thật là Nguyễn Quyết Thắng, sinh năm 1940 tại làng Trường Xuân, Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Nguyễn Q.Thắng học xong Tú tài, tốt nghiệp đại học (ĐH) ông đi dạy trường trung học Đồng Khánh ở Huế. Năm 1968 vào Sài Gòn, học cao học và trình luận án tiến sĩ năm 1975 tại Trường ĐH Văn khoa Sài Gòn. Ông được phân đi dạy tại Trường ĐH Sư phạm Cần Thơ, sau dạy Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho đến khi nghỉ hưu. Năm 1995 ông bị bệnh nặng, sau khi hồi phục, ông chỉ chuyên tâm vào khảo cứu, viết sách.

Ông để lại sự nghiệp nghiên cứu đồ sộ với hơn 60 công trình được xuất bản, chủ yếu về lịch sử và văn học cổ cận đại Việt Nam, nhất là Trung và Nam Bộ.

Các công trình đáng chú ý nhất của học giả Nguyễn Q.Thắng: Huỳnh Thúc Kháng - Con người và thơ văn của Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1972; Trung Kì dân biến thỉ mạt ký (dịch thuật) của Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1973; Phan Châu Trinh, cuộc đời và tác phẩm của NXB TP.HCM, 1986; NXB Văn học tái bản, 1992; 

Hoàng Sa - Trường Sa của NXB Trẻ, TP.HCM, 1988; Tiến trình Văn nghệ miền Nam của NXB An Giang, 1990; Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (soạn chung với Nguyễn Bá Thế) của NXB Khoa học xã hội, 1991, 1992 (tái bản); NXB Văn hóa tái bản năm 1993, 1994… Đến nay sách đã được tái bản lần thứ 8;

Huỳnh Thúc Kháng - Tác phẩm của NXB TP.HCM, 1992; Kim Thạch Kì Duyên của NXB Văn học, 1993; Khoa cử và Giáo dục Việt Nam của NXB Văn hóa, 1993, 1994 (tái bản); NXB TP.HCM tái bản, 2003; Hoàng Việt luật lệ, tức luật Gia Long (dịch thuật) của NXB Văn hóa, 1994;

Quảng Nam - Đất nước và Nhân vật của NXB Văn hóa, 1996, 2001 (tái bản); Từ điển tác gia Văn hóa Việt Nam của NXB Văn hóa, 1999; Trần Văn Dư với phong trào Nghĩa hội của NXB Văn hóa Thông tin, 2001; Tuyển tập Vương Hồng Sển của NXB Văn học, 2001; Tuyển tập Bình Nguyên Lộc của NXB Văn học, 2001; 

Văn học miền Nam (2 tập) của NXB Văn hóa Thông tin, 2003; Tuyển tập Nguyễn Hiến Lê (4 tập) của NXB Văn học, 2005; Phong trào Duy tân 1908 với các khuôn mặt tiêu biểu của NXB Văn hóa Thông tin, 2006; Văn học Việt Nam nơi miền đất mới (4 tập, gồm 6.000 trang) của NXB Văn học, 2007;…

Trên các văn đàn, giới nghiên cứu, trí thức bày tỏ niềm thương tiếc vô hạn về sự ra đi của một tài năng lớn.

PGS.TS Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa Văn học, Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM) bày tỏ: “Đối với chúng tôi, Nguyễn Q.Thắng là nhà nghiên cứu bậc đàn anh. Gặp anh lần đầu tiên năm 1985 ở Hội thảo về Phan Văn Trị (Cần Thơ), khi anh đang giảng dạy ở đó. Sau anh chuyển về Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Tôi thường trao đổi tư liệu, đưa anh mượn những tài liệu anh cần và được anh tặng sách. Đôi lần đến thăm anh, hồi nhà anh ở Gò Vấp. Tôi ngạc nhiên về sự uyên bác và sức viết dồi dào của Nguyễn Q.Thắng. Anh có rất nhiều tư liệu quý, luôn tìm tòi, khám phá những hướng nghiên cứu mới.

Lâu rồi không gặp anh, tôi hứa cho anh mượn tài liệu về Truyện Kiều mà chưa kịp gửi. Giờ thì muộn rồi. Cánh tay cầm bút, gõ phím của anh đã mỏi, anh đã duỗi ra và không bao giờ nắm lại nữa… Anh hãy yên nghỉ. Thân xác sẽ thành tro bụi nhưng sự nghiệp của anh sẽ còn mãi. Các thế hệ sau đêm đêm còn gặp anh tâm sự qua từng trang sách”.

TS Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV xúc động: “Nhớ hồi đó, Thầy đã cực lực lên án những cách nói làm nghèo tiếng Việt như giải phóng bến cảng, vận tải biển, nắm bài… Mình nhớ Thầy từng nêu một quan điểm giống quan điểm của nhà ngữ học Cao Xuân Hạo mà sau này mình biết - để phản bác giới nghiên cứu bấy giờ: Lấy ngữ pháp phương Tây để nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt thì nhiều trường hợp ko giải thích nỗi. Những năm khó khăn xăng dầu quý hiếm vậy mà Thầy vẫn thong dong cỡi chiếc Honda đời 72 màu đỏ, nghe đâu chạy bằng khí hoá lỏng. Phong thái trí thức, nghệ sĩ. 

Năm thứ ba, mình và một nhóm bạn được giao làm niên luận với Thầy. Đề tài của mình là Phó từ trong tác phẩm Lục Vân Tiên (từ câu… đến câu…). Mình thích lý luận văn học, ngán ngôn ngữ nên nhận đề tài xong không ngó ngàng gì. Nước đến chân mới xin gặp Thầy. Mình và hai bạn cùng hội cùng thuyền nữa. Thầy mắng cho một chập không ngẩng mặt lên được. Chờ Thầy dứt lời, mình xin lỗi Thầy và xin phép ra về, thâm tâm đánh liều, chuyến này nghỉ học về làm ruộng, không còn mải mai hi vọng niên luận khoá luận gì nữa. Mình nhớ Thầy hơi ngẩng ra, như ngạc nhiên tí, rồi dịu giọng về bảo các anh chị còn lại chiều mai ra gặp thầy. Ba thằng thở phào. Hôm sau Thầy không nhắc gì chuyện trễ nãi. Nhiều năm sau này mình vẫn biết ơn sự bao dung rộng lượng của Thầy.

Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, bạn bè thỉnh thoảng đi thăm Thầy, chụp hình chụp ảnh, mình thấy thèm. Có lúc hẹn bạn bè rồi vì những lý do không đáng nào đó mà lần lữa, để đến hôm nay thì không còn cơ hội nữa!”.

Theo TS Phan Công Khanh, trong 64 quyển sách nhà nghiên cứu Nguyễn Q.Thắng viết, phần lớn là văn chương, nhân vật. Ông dành nhiều tâm huyết cho những danh nhân, chí sĩ yêu nước xứ Quảng, miền Trung. 

“Thầy viết về anh hùng Phan Đình Phùng, Lương Ngọc Quyến, về nhà văn nhà báo Đào Trinh Nhất. Sách của Thầy rất có giá trị về mặt tư liệu, khảo cứu, như bộ Văn học Việt Nam nơi miền đất mới 4 tập hay Hương gió miền Nam 2 tập, các tuyển tập Bình Nguyên Lộc, Vương Hồng Sển, Nguyễn Hiến Lê. Năm 2008, Thầy in quyển Hoàng Sa - Trường Sa lãnh thổ Việt Nam với công pháp Quốc tế... Gia tài chữ nghĩa thế là đồ sộ, trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Thầy làm từ điển, viết về khoa cử và giáo dục, về địa chí, nhân vật chí.

Có nhà báo khái quát nội dung nghiên cứu, sáng tác của Thầy là Danh Hiền Cố sự. Gọi Thầy là học giả cũng đúng, nhà khảo cứu cũng không sai, dịch giả cũng chính xác. Thầy cũng là nhà văn, người nghệ sĩ lãng tử tài hoa. Một kẻ sĩ đất Quảng Nam. Với mình, Thầy là thầy giáo, một thầy giáo hiền hậu, uyên bác, hóm hỉnh, bao dung - bề ngoài thì có vẻ bất cần đời nhưng bên trong thì yêu tha thiết cuộc sống và con người, bề ngoài thì tài tử nhưng thực sự thì làm việc rất miệt mài nghiêm túc, bề ngoài thì có vẻ nghiêm khắc nhưng thực tế thì rất rộng lượng, khoan dung”, TS Phan Công Khanh bày tỏ.

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc