Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Hành trình Tyler Perry gầy dựng đế chế giải trí tỉ đô

Thứ Ba 01/12/2020 | 14:48 GMT+7

VHO- Từ một người “nghèo rớt mồng tơi” trở thành tỉ phú: cách Tyler Perry xây dựng đế chế giải trí và thay đổi mãi mãi lĩnh vực kinh doanh chương trình truyền hình.

“Khỉ thật, ở đây nóng quá,” Tyler Perry than vãn trong bộ đồ đen tuyền từ đầu đến chân, đeo khẩu trang màu trắng, khi đang chỉ đạo êkíp 12 người quay bộ phim hài Sistas cho dịch vụ trực tuyến BET+.

Nếu giống năm ngoái, có thể Perry sẽ tránh quay phim dưới ánh nắng mặt trời tháng bảy của Atlanta, nhưng trong thời Covid-19, cần phải tận dụng bất kỳ thời gian nào có thể và phim trường “Camp Quarantine” (tạm dịch: Trại cách ly) tại hãng phim Tyler Perry Studios của ông đang cố gắng đi tiên phong trong lĩnh vực giải trí hậu đại dịch.

Hành trình Tyler Perry gầy dựng đế chế giải trí tỉ đô - ảnh 1

Tự lực cánh sinh: Tyler Perry chụp hình tại phim trường của mình ở phía nam Atlanta tháng 10.2019. 

“Ra khỏi xe đi,” ông gọi diễn viên trong xe cảnh sát. Anh này bước ngang qua chiếc xe bán tải màu bạc do Devale Ellis lái. Sau đó, ông nhắc lời thoại cho Ellis – “Tôi phải làm gì?” Có vẻ như chưa có ai xem kịch bản.

Khi bạn đang tìm cách quay toàn bộ mùa truyền hình chiếu trên khung giờ vàng trong vòng 11 ngày – cần làm xong mọi việc trước khi phần còn lại của Hollywood khởi động trở lại – những phần việc râu ria cần phải được cắt bỏ.

Xong buổi quay, ngồi một mình trên chiếc ghế xếp ở trung tâm phim trường nhiều ngóc ngách và vắng người, với một thùng khăn ướt diệt khuẩn Lysol để dưới chân, Perry giải thích phương pháp của mình. “Tôi chủ yếu làm theo ý muốn và bản năng. Tôi thích làm ngược lại với thông lệ và xem liệu mình có thể làm được gì khác biệt”.

Đó là một chiến lược thành công có hiệu quả đặc biệt trong ngành mà dường như không ai chào đón bạn. Phần lớn Hollywood, thậm chí một số nhân vật da màu nổi tiếng khác cũng không chào đón ông (Spike Lee từng chế nhạo cách tiếp cận thô lỗ của Perry là “thứ phế thải” trước khi rút lại lời đó).

Perry thành công nhờ hai lý do: Ông biến tác phẩm mà rất nhiều người khác chê bai trở nên thành công. Và ông đảm bảo sẽ kiểm soát được mọi thứ. Nghệ sĩ giải trí 51 tuổi này sở hữu toàn bộ các tác phẩm sáng tạo của mình, gồm hơn 1.200 tập phim truyền hình, 22 phim truyện và hơn 20 vở kịch, cũng như một phim trường rộng hơn 133 héc ta ở phía nam Atlanta.

Perry dùng khối tài sản này làm lợi thế thương thảo với tập đoàn truyền thông ViacomCBS, thu được 150 triệu USD mỗi năm cho nội dung mới và có được cổ phần trong BET+, dịch vụ phát trực tuyến mà ViacomCBS ra mắt vào tháng 9.2019. Forbes ước tính, kể từ năm 2005, Perry đã kiếm được hơn 1,4 tỉ USD thu nhập trước thuế, và dùng số tiền này để mua nhà ở Atlanta, New York, Los Angeles và Jackson Hole, Wyoming, cùng hai chiếc máy bay.

Đây quả thật là lối sống sang trọng đối với một nhà viết kịch vô gia cư lớn lên trong cảnh nghèo khó ở New Orleans. Hiện nay, Forbes ước tính giá trị tài sản ròng của ông là 1 tỉ USD, và hoàn toàn có khả năng lọt vào danh sách Forbes 400 trong tương lai. Ông nói: “Tôi thích nghe mọi người nói rằng bạn xuất phát từ ‘điểm khởi đầu khiêm tốn’. Nói vậy có nghĩa là bạn đã từng nghèo rớt mồng tơi đấy.” Xuất phát điểm như thế sẽ khiến cho thành công trở nên ngọt ngào hơn nhiều. “Quyền sở hữu”, ông nói thêm, “thay đổi mọi thứ.”

THÀNH CÔNG NHỜ MADEA. Perry có tài năng bẩm sinh, thường hay chọc mẹ mình phải bật cười khi giả dạng người khác. Bên cạnh cuộc sống khó khăn về kinh tế, ông còn phải đối mặt với nhiều thứ khác nữa: ông phải chịu đựng sự bạo hành của cha (mà về sau ông phát hiện ra đó không phải cha ruột mình). Sau khi xem một tập trong chương trình trò chuyện của Oprah Winfrey, ông học được cách viết để giải tỏa tâm lý.

Suốt những năm 20 tuổi, ông đi lưu diễn tại các nhà hát nhỏ trên khắp đất nước để trình diễn các vở kịch mà ông đã viết, sản xuất và đóng vai chính – đó là kinh nghiệm cho ông trong tương lai. Perry nói: “Bạn phải hiểu rằng tôi không có ai chỉ dẫn. Cha tôi không biết gì về kinh doanh, còn các chú và mẹ tôi, họ không biết gì về chuyện này. Tôi không học trường kinh doanh. Mọi thứ tôi học được đều là kinh nghiệm tôi rút ra.”

Sau khi bỏ học trung học, ông tích lũy kiến thức bằng mọi cách. Những năm đầu lứa tuổi 20, ông làm việc tại khách sạn Windsor Court ở New Orleans, nơi tổ chức hội nghị thường niên của hiệp hội Nhà điều hành Chương trình truyền hình quốc gia.

Anh chàng Perry trẻ tuổi dùng những huy hiệu bị bỏ lại trong những căn phòng trống để lẻn vào các cuộc gặp gỡ riêng. Và trong những lần đó, ông đã gặp gỡ người dẫn chương trình trò chơi Pat Sajak. Ông bắt đầu viết kịch bản trong khi bán xe hơi và làm nhân viên thu nợ. Ông gom góp được 12.000 USD, và dùng tiền đó thuê mặt bằng tại một nhà hát cộng đồng ở Atlanta để trình diễn tác phẩm mà ông đã viết trong thời gian rảnh rỗi.

Vở kịch mang tên I Know I’ve Been Change là câu chuyện về những nạn nhân của việc lạm dụng trẻ em. Những nỗ lực này không mang lại thành công ngay lập tức. Thời điểm đó, số tiền kiếm được không đủ để trả tiền thuê nhà và trong ba tháng, ông phải ăn ngủ trên chiếc xe hơi của mình, đồng thời chỉnh sửa kịch bản, giải quyết các tình tiết trong câu chuyện cho đến khi tác phẩm bắt đầu nhận được sự chú ý.

Hành trình Tyler Perry gầy dựng đế chế giải trí tỉ đô - ảnh 2

Ông thiết kế cảnh diễn, lên chương trình và treo đèn,  thậm chí còn bán đồ ăn nhẹ trong thời gian nghỉ giữa giờ. Arthur Primas, người quản lý của Perry trong hơn 20 năm qua, cho biết: “Tôi mất không biết bao nhiêu ngày để thuyết phục anh ấy rằng nhà biên kịch, đạo diễn thì sẽ không làm việc này.”

Perry đi lưu diễn liên tục, tích lũy lượng người hâm mộ trung thành là những người Mỹ da đen, đặc biệt là nhóm người đi nhà thờ – những phụ nữ lớn tuổi như mẹ anh, những người phải vất vả mưu sinh và rất thích thú khi có ai đó mang lại tiếng nói đại diện cho họ, thậm chí còn mang lại cả tiếng cười.

Bộ phim cùng tên với nhân vật kinh điển của ông, Madea, một người bà thẳng tính đội bộ tóc giả xấu mù, người to lớn dềnh dàng, đã truyền tải các giá trị đạo đức với sự hài hước đồng thời cũng trung thực đến tàn nhẫn, trở thành không thể bỏ qua của cụm rạp Chitlin Circuit, mạng lưới sân khấu nhỏ của các cộng đồng da đen trên nước Mỹ.

“Tôi có biết về các vở diễn lưu động, nhưng chưa bao giờ thực sự xem nghiêm túc bởi tôi tự coi mình là một người đánh giá cao sân khấu và Broadway,” Oprah Winfrey chia sẻ. “Nhưng tôi đã đi xem một vở diễn ở Los Angeles, và tôi không chỉ cảm động mà còn bị tác phẩm làm thay đổi quan điểm.”

Winfrey mời Perry tham gia chương trình trò chuyện của mình vào năm 2001, khi ông mới ngoài 30 tuổi. Trên màn ảnh, họ chia sẻ về ngôn ngữ truyền cảm hứng cần thiết cho sự bền bỉ và đổi mới, nhưng ở hậu trường, họ đã khai thác một khía cạnh hoàn toàn khác: tiền.

Winfrey, thời điểm đó sở hữu chương trình của bà và Harpo, công ty sản xuất chương trình đó, đã cung cấp cho Perry một bí mật mà lúc đó ông đã bắt đầu tự nhận thức được: tầm quan trọng của việc “tự viết tấm séc mang tên mình” và kiểm soát hoàn toàn. Bà ấy trở thành một người bạn, người kiểm nghiệm và có lẽ quan trọng nhất, là một nhân tố xúc tác.

Trước cả khi thực hiện bộ phim hoặc chương trình truyền hình đầu tiên, Perry đã thu về hơn 100 triệu USD từ việc bán vé sân khấu, 20 triệu USD nhờ bán hàng hóa và 30 triệu USD khi bán các video quay các buổi biểu diễn. Đã đến lúc ông tiến vào Hollywood.

RÚT LUI VỀ ATLANTA. Màn trình diễn ra mắt được thực hiện tại nhà hát Wilshire Ebell, tòa nhà mang kiến trúc Ý có 1.200 chỗ ngồi được mở cửa vào những năm 1920, thời kỳ bình minh trong giai đoạn thăng hoa khi Los Angeles được xem là một kinh đô giải trí.

Năm 2001, Perry đặt chỗ để trình diễn vở kịch Diary of a Mad Black Woman trong ba đêm. Sự kiện này được thiết kế nhằm giới thiệu ông và tác phẩm của mình với những nhân vật quyền lực trong giới – những người có thể biến ông trở thành ngôi sao. Vé được bán hết, nhưng chỉ có người dân địa phương và một số trợ lý được cử đến xem.

“Khi ra phố tôi luôn nghe thấy mọi người la hét: ‘Madea, Tyler, Madea!’”Perry nhớ lại. “Sau đó tôi đến Hollywood, và họ không biết gì hết. Không ai biết gì về những điều tôi đã làm, tôi là ai hay tôi có lượng người hâm mộ như thế nào.”

Một trong những trợ lý đã đến xem buổi trình diễn, thời điểm đó đang làm việc cho Chuck Lorre, người dẫn chương trình rất nổi tiếng với các chương trình như Grace Under Fire, Cybill và Dharma & Greg. Sau khi nghe về vở kịch, Lorre quyết định sẽ cố gắng ra mắt một bộ phim hài về Perry.

Tuy nhiên, Lorre thấy không khả quan lắm, vì vậy ông ấy chuyển sang Two and a Half Men, với nhân vật Charlie Sheen, đã trở thành một chương trình đột phá của đài CBS. Perry kể: “Có thời gian khoảng 10 năm mà mọi thứ đều chìm lắng và không có tác phẩm nào dành cho người da màu.”

Vì vậy, ông rút lui đến Atlanta, tiếp tục làm việc trên sân khấu kịch và kịch bản phim. Nhưng ông không ngừng nghĩ về truyền hình. Ông luôn ghi nhớ một công thức mà ông học lỏm được khi lẻn vào buổi họp kín ngày trước: 100 tập phim, khán giả trung thành và nhà phân phối nhiệt tình.

“Khi nhìn lại mọi việc, tôi thấy việc Hollywood làm lơ mình là một điều thật tuyệt vời,” ông nói. Ông thuê một nhà kho phía sau một câu lạc bộ thoát y ở phía nam Atlanta và biến nơi đó thành phim trường cách âm, đầu tư vào công cụ mà ông hiểu biết rất ít – đèn, cần quay, micro, đồ trang trí – và bắt đầu quay.

Ông tập trung quay về gia đình da đen nhiều thế hệ sống cùng nhau ở Atlanta, là khởi nguồn của bộ phim sitcom đầu tiên của mình. Một bước ngoặt lớn xảy ra vào năm 2006, khi hai kênh truyền hình đang gặp khó khăn, UPN và WB, hợp nhất để tạo ra một kênh mới, gọi là CW.

Hành trình Tyler Perry gầy dựng đế chế giải trí tỉ đô - ảnh 3

Họ cần nội dung và Perry đã có sẵn. Ông quay trở lại Hollywood, với 10 tập phim truyền hình, đã được trả tiền và sẵn sàng phát sóng. CW mua loạt phim này và phát sóng với tên gọi House of Payne. Bộ phim được xếp hạng cao hơn mong đợi.

Các giám đốc điều hành của đài TBS lớn hơn nhiều đã chú ý. Trước khi quay tác phẩm khác, Perry ký hợp đồng đảm bảo TBS sẽ phát sóng ít nhất 90 tập mới trong chương trình, và ông sẽ sở hữu hoàn toàn tác phẩm của mình.

Đài TBS đã đề nghị hợp đồng 200 triệu USD để ông rời khỏi CW, cái giá vô cùng hấp dẫn với những tác phẩm như vậy – “chương trình giờ vàng với ngân sách cho các bộ phim thể loại phim truyền hình dài tập”, theo cách dùng từ của một nhà môi giới hàng đầu – mà không phải chi cho biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất phim. Perry đã bỏ túi một khoản tiền khổng lồ: ước tính khoảng 138 triệu USD.

Luật sư ngành giải trí Dan Black nói: “Mô hình này thật khác biệt, đáng kinh ngạc,” và cho biết thỏa thuận của Perry vẫn được tham chiếu trong các cuộc đàm phán hiện nay. “Bạn có thể nhận được những khoản phí hấp dẫn và đầu tư tốt, nhưng nếu bạn sở hữu nội dung thì điều đó cực kỳ ấn tượng và không dễ gì làm được.”

Mặc dù rõ ràng ông đang thu hút được rất nhiều người, nhưng những nhân vật quyền lực da trắng chiếm đa số của Hollywood vẫn không hiểu được điều đó. Nỗ lực chuyển vở kịch Diary thành phim của Perry chỉ nhận được những gợi ý về việc viết lại để các tình tiết trong cốt truyện trở nên dễ chịu hơn đối với khán giả “chính thống.”

Perry kể, một giám đốc điều hành đã nói với ông “người da đen đến nhà thờ không đi xem phim.” Ông chia sẻ: “Tôi đến từ một nơi có những người da đen đã ôm ấp và yêu thương tôi. Tôi hoàn toàn hạnh phúc ở đó, và bây giờ vẫn vậy.”

Vì vậy, ông đã tìm ra cơ hội từ sự thờ ơ của người khác. Ông đề xuất với CEO Jon Feltheimer của Lionsgate rằng mình sẽ chịu một nửa chi phí, thu một nửa lợi nhuận và giữ quyền kiểm soát nội dung. Hãng phim có quyền khấu trừ tất cả các chi phí tiếp thị từ khoản cắt giảm của ông, mà Perry biết rằng khoản đó sẽ không là gì khi so sánh với lượng người hâm mộ ông sẽ có, cũng như 12,5% khác trong chi phí phân phối.

Điều quan trọng là, cuối cùng Perry sẽ sở hữu hoàn toàn. “Ông muốn gì từ Diary?” Perry hỏi. “À, nếu bộ phim mang lại cho chúng tôi 20 triệu USD, tôi sẽ rất vui,” Feltheimer trả lời, đề cập đến doanh thu phòng vé trọn đời của bộ phim. “Tôi nói: ‘OK, được thôi – 20 triệu USD trong cuối tuần đầu tiên?’”

Diary, có kinh phí thực hiện 5,5 triệu USD, đã thu về 51 triệu USD khi chiếu rạp và mang lại thêm 150 triệu USD từ việc cho thuê video, xem theo yêu cầu, bán DVD và cấp phép truyền hình. Trong lúc phần lớn ở Hollywood cho rằng thành công của bộ phim là điều may mắn, Perry và Lionsgate bắt đầu tung ra loạt phim Madea – 11 phim trong 14 năm, tất cả đều được thực hiện theo lịch trình sản xuất nhanh chóng và ngân sách tối thiểu.

Theo ước tính của Forbes, vào thời điểm Perry quyết định ngừng nhượng quyền vào năm 2019, bộ phim đã thu về hơn 670 triệu USD tại phòng vé và thu về cho ông khoảng 290 triệu USD phí và lợi nhuận. Tất cả số tiền đó giờ đây bắt đầu thuộc về ông, khi Lionsgate bắt đầu trả lại quyền kiểm soát cho ông.

Với sự giúp đỡ của cố vấn tài chính John Cary tại công ty NextGen Capital ở Atlanta, Perry đang bắt đầu khai thác các bộ phim rầm rộ hơn ở nước ngoài, với thành công ban đầu ở Nam Phi, Nam Mỹ và các khu vực của châu Âu, trong khi tiếp tục tự trang trải kinh phí cho hàng trăm tập phim truyền hình mới và ít nhất một phim truyện mới mỗi năm.

PHỤC THÙ. Pyler Perry Studios, địa điểm sản xuất phim giải trí lớn nhất dành cho khán giả da đen của Mỹ, từng là một thành trì quân sự của Liên minh miền Nam. Được đổi tên thành Pháo đài McPherson, căn cứ quân sự này được sử dụng để giam giữ các tù nhân trong chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ và Thế chiến I.

Những ngôi nhà và công trình kiến trúc bằng gạch lâu đời ở đây từng là nơi cư trú của những nhân vật nổi tiếng như Franklin D. Roosevelt và Colin Powell, và Perry cho biết, sân golf 18 lỗ hằn lún ở nơi này từng là đối thủ của sân Augusta. Thách thức đối với Perry, người từng ăn ngủ trên chiếc xe mà ông đậu gần đó, là biến nơi này thành bối cảnh cho câu chuyện kiểu Horatio Alger của ông.

 

Hành trình Tyler Perry gầy dựng đế chế giải trí tỉ đô - ảnh 4

Nhìn từ bên ngoài, đây là một khu đất không hấp dẫn, phía bắc giáp với hàng rào thép gai dài, phía đông giáp đường ray xe lửa dài hàng dặm và phía nam giáp với đường cao tốc State Highway 154. Khu đất này nằm kẹp giữa hai khu phố đã từng sầm uất, với dãy nhà trung lưu, vài nhà trông có vẻ sáng sủa, trong khi phần lớn có lớp sơn đã phai màu và vách ngăn nứt nẻ.

Tuy nhiên, bên trong cánh cổng là thiên đường với Perry. Trong chuyến thăm vào mùa thu năm ngoái, ông đi quanh trên chiếc Polaris Ranger tới những phim trường cách âm mà ông mới mở và đặt theo tên của những huyền thoại showbiz như Oprah Winfrey, Spike Lee, Sidney Poitier và Denzel Washington.

Ông vừa lái xe vừa chỉ ra những điểm nổi bật – một trung tâm mua sắm, một chiếc du thuyền, một phim trường trống, một ngôi nhà có bốn mặt tiền – và sau khi khoa trương về sân golf bỏ hoang, ông chỉ về nơi yêu thích mới mua của mình: một bản sao của Nhà Trắng.

Perry ngồi xuống một chiếc ghế dài trong văn phòng của mình trên tầng cao nhất của tòa nhà bốn tầng hiện đại đã được tân trang, mà ông gọi là Dream Building, và cho biết: “Tôi sở hữu những chiếc đèn. Tôi sở hữu những bộ này. Đó là lý do tạo nên sự khác biệt. Bởi vì tôi làm chủ mọi thứ, lợi nhuận của tôi sẽ cao hơn”.

Ông mua nơi này với giá 30 triệu USD vào năm 2015 và tính đến nay, ông đã chi 250 triệu USD, xây dựng một phim trường có quy mô lớn hơn gấp đôi phim trường của Warner Bros. ở Burbank, California – tất cả đều được trả bằng số tiền ông thu được từ phim và chương trình truyền hình trong 15 năm qua.

Đây là một nước đi khôn ngoan, giúp ông có nơi để xây dựng một cơ sở điện ảnh hàng đầu ở một tiểu bang đang tích cực thu hút các tác phẩm của Hollywood, và sở hữu một khu đất rộng lớn nằm giữa một trong những Vùng cơ hội kinh tế hấp dẫn của Atlanta.

Winfrey, một trong số ít người đến xem nơi này khi Perry còn đang cân nhắc, kể lại: “Tôi thích đất đai giống như một số phụ nữ yêu thích giày. Và tôi đã nói với cậu ấy: ‘Nếu cậu không mua thì tôi sẽ mua.’ Nơi này cực kỳ ấn tượng.” Có lẽ chỉ Perry mới có thể thực hiện được vụ mua bán đó.

Ông hoạt động tại Atlanta kể từ khi phát hành Diary vào năm 2005; trong 15 năm sau đó, ông đã sản xuất ít nhất một phim truyện mỗi năm, cũng như 13 phim truyền hình khác, gần như tất cả đều được quay ở thành phố. Khi đó, Atlanta đang cần một đối tác phát triển, người có thể thúc đẩy hoạt động thương mại giúp hồi sinh khu vực bị lãng quên ở rìa phía nam của thành phố.

Perry có lợi thế, không chỉ thông qua mối quan hệ của ông với tổng thống Obama – khi đó đang tại chức và có quyền ngăn cản bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến khu đất quân sự – mà còn nhờ vào việc ông đã cung cấp việc làm cho các cư dân địa phương trong thời gian dài. Thời cơ của ông đã tới.

Năm 2008, văn phòng Điện ảnh Georgia đưa ra nhiều ưu đãi về thuế cho các công ty sản xuất và Perry mua bất động sản này trong bối cảnh cuộc cách mạng phát trực tuyến, vốn đã tạo ra một cuộc chạy đua về nội dung, cũng thúc đẩy sự bùng nổ nhu cầu đối với phim trường cách âm. Ngay cả trong đại dịch, ông vẫn giữ cho mọi việc được thông suốt.

Vì đã ngưng khai thác nhân vật Madea và hợp đồng độc quyền với kênh truyền hình trực tuyến OWN của Winfrey hết hạn, năm ngoái, Perry đặt mục tiêu vào kênh truyền hình BET đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm hướng đi và hiện ông xây dựng dịch vụ phát trực tuyến BET+. Kênh truyền hình này sẽ trả cho Perry 150 triệu USD hằng năm để sản xuất tối thiểu 90 tập phim truyền hình mới mỗi năm cho đến năm 2025.

BET+ đạt một triệu người đăng ký vào tháng tám – và các chi nhánh khác của Viacom được độc quyền phát sóng các chương trình đó trong năm năm, đồng thời có quyền phát lại loạt phim House of Payne, Meet the Browns và For Better or Worse, cộng với một số tác phẩm giai đoạn đầu của ông được Cary bắt đầu khai thác.

Sau năm năm, bản quyền đối với tất cả các chương trình được BET tài trợ sẽ thuộc về Perry. Hai chương trình đầu tiên – The Oval và Sistas – đã trở thành hai chương trình được xếp hạng cao nhất của BET trong mùa đầu tiên của họ. Perry cho biết, ông còn có nhiều dự án hơn, chẳng hạn như A Fall From Grace, ra mắt vào tháng một trên Netflix với những đánh giá “khủng” và 26 triệu lượt phát trực tuyến trong tuần đầu tiên.

Ông cũng có kế hoạch bắt đầu tài trợ cho các sản phẩm từ những người sáng tạo da đen khác mà Hollywood đã làm ngơ. Trong khi đó, nhờ những ưu đãi về thuế của văn phòng Điện ảnh Georgia, những người khác cũng đang sẵn sàng để tăng năng suất. Perry đã cho thuê trường quay để quay các tác phẩm lớn như Black Panther của Walt Disney, phần tiếp theo của phim Bad Boys for Life của Will Smith và phim The Walking Dead.

Năm ngoái, Disney, Warner Bros. và các hãng phim lớn khác, cũng như những thành viên mới như Netflix, Amazon và Apple, đã dành tổng cộng 100 tỉ đô la Mỹ cho để mua nội dung nguyên gốc, theo Frank Patterson, CEO của Pinewood Atlanta Studios, đối thủ của Tyler Perry Studios, ở cách đó 32km về phía nam.

Với phim trường này, Perry làm tương tự như Disney và Universal với nhiều kế hoạch phát triển như xây dựng các nhà hàng, cửa hiệu và một khu phức hợp giải trí gồm một nhà hát và một công viên giải trí. Giống như trong bài hát Margaritaville của Jimmy Buffett, nhưng nơi này sẽ mang đến cảm giác của một căn bếp miền Nam bình dị.

Perry thừa nhận rằng đối với ông, làm thế nghĩa là ra khỏi vùng an toàn về phạm vi, quyền kiểm soát, và cả nợ nần, vì từ trước đến nay, ông nỗ lực tự lập trong hoạt động kinh doanh của mình. Ông cũng muốn xây nhà cho những phụ nữ từng rơi vào tay bọn buôn người và thanh thiếu niên LGBTQ, và một học viện để dạy những đứa trẻ có hoàn cảnh như ông được học những điều ông chưa bao giờ học – hiểu biết về tài chính.

Tuy nhiên, rủi ro là điều đáng giá. “Tôi có thể tự do đi lại trên vùng đất này, nơi từng có những binh lính thuộc Liên minh miền Nam đi tuần, ủ mưu và lên kế hoạch bằng mọi cách duy trì chế độ nô lệ da đen,” Perry nói. “Thực tế là tôi đang ở đây, trên mảnh đất này, thực tế là hàng trăm người – người da đen và da màu đến đây để kiếm sống, điều đó đang tạo ra sự thay đổi.” 

(*) Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 89, tháng 10.2020

Theo Forbes Việt Nam

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top