Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Xung quanh việc thử nghiệm công đức qua ví điện tử Momo: Ngập ngừng quẹt thẻ mã cúng dường

Thứ Sáu 26/02/2021 | 11:12 GMT+7

VHO-  Mùa lễ hội Xuân Tân Sửu, 12 ngôi chùa đang triển khai thử nghiệm cách thức cúng dường qua ví điện tử Momo theo chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Cúng dường qua ví điện tử Momo

Mới lạ, đáng được chú ý, bên cạnh đó, việc thử nghiệm hình thức công đức theo bối cảnh công nghệ 4.0 cũng mang đến nhiều băn khoăn, cho rằng chưa phù hợp đối với một khía cạnh nhạy cảm trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt.

Một sáng kiến đáng quan tâm

Tìm hỏi một số người dân về tiếp nhận ra sao với hình thức cúng dường, công đức qua ví điện tử đang được thử nghiệm tại một số ngôi chùa, chúng tôi nhận thấy có nhiều trạng thái tâm lý khác nhau. Hào hứng tiếp nhận có, và cũng có không ít băn khoăn.

Bà Đặng Thị Kim (72 tuổi, Giảng Võ, Hà  Nội) chia sẻ, đối với những người lớn tuổi, có thói quen đi lễ chùa và đặt tiền giọt dầu lên ban thờ Phật thì có lẽ việc ứng dụng công nghệ hiện đại cho phát tâm công đức chưa thể được tiếp nhận ngay trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, con gái bà Kim, chị Phạm Phương Hạnh (42 tuổi, hiện đang công tác tại một công ty xây dựng tại Hà Nội) lại chia sẻ, cách thức này không hẳn không phù hợp, có chăng chỉlà vấn đề thay đổi tâm lý. “Trong điều kiện dịch bệnh bùng phát, công việc bận rộn thì việc sử dụng công nghệ trong phát tâm công đức có thể là một lựa chọn mang nhiều ưu điểm. Thay vì việc tập trung đông người, xếp hàng tại các bàn công đức thì chúng ta có thể quét mã QR để gửi số tiền phát tâm tự nguyện qua ví điện tử, tất nhiên đó phải là những địa chỉchính thống do các chùa quản lý…”, chị Hạnh cho biết.

Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, ông Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, truyền thống của người Việt từ xưa đến nay, việc cúng dường là nét văn hóa luôn mong muốn được thực hiện, đặc biệt dịp đầu Xuân. Tuy nhiên, trong điều kiện xã hội đang cần giãn cách vì dịch bệnh Covid-19 thì việc cúng dường online có thể xem là giải pháp hoàn toàn hợp lý. Trên thực tế, nhiều phật tử vì không có điều kiện về chùa đã gửi một khoản kinh phí để công đức qua hình thức online.

Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu, thử nghiệm cúng dường online của Giáo hội Phật giáo Việt Nam sở dĩ chưa được sự đón nhận của mọi đối tượng trong xã hội bởi trong suy nghĩ của nhiều người vẫn cho rằng, cần phải đến chùa làm lễ mới thiêng. Các khóa lễ online, cúng dường qua ví điện tử là hình thức quá mới, khiến nhiều người dân, phật tử băn khoăn rằng những nghi lễ tâm linh liệu có bị giảm đi tính thiêng. “Sự phát triển của tín ngưỡng hay tôn giáo luôn đi cùng và nương tựa vào sự phát triển của thực tế, đặc biệt của khoa học kỹ thuật. Trong điều kiện hiện nay, cứ làm thí điểm trong mùa Xuân này, sau đó rút kinh nghiệm…”, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam cho rằng, việc thử nghiệm cúng dường online của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một sáng kiến đáng được quan tâm, có thể phù hợp với bối cảnh hiện nay. Sự phù hợp này thể hiện ở ba lý do. Thứ nhất, chúng ta đang ở trong giai đoạn chống dịch Covid-19, vì thế việc giãn cách xã hội là một yêu cầu bắt buộc, và việc cúng dường online cũng giống như nhiều hoạt động online khác chính là cách để chúng ta chung sức cùng Chính phủ thực hiện chủ trương giãn cách xã hội này. Thứ hai, trong bối cảnh xã hội số, thực hành tôn giáo hay bất cứ một thực hành xã hội nào khác cũng không thể tách mình ra khỏi bối cảnh xã hội này. Chính vì vậy, việc cúng dường online, không sớm thì muộn, chắc chắn sẽ xuất hiện. Dịch bệnh Covid-19 chỉkhiến cho hoạt động này đến sớm hơn mà thôi. Thứ ba, nhiều người dân đã sẵn sàng tâm lý cho việc cúng dường online. Việc cúng dường này đồng thời cũng là nhu cầu tự thân của rất nhiều người.

Ông Bùi Hoài Sơn phân tích, nhu cầu tự thân ấy bắt nguồn từ nhiều lý do, mang tính chủ quan, trong đó có việc mong muốn được đóng góp để tu bổ, xây dựng các cơ sở thờ tự, cũng như thông qua đó để thực hiện một việc thiện để có “quả lành”, mang đến sự an tâm, may mắn cho người cúng dường. Bối cảnh dịch bệnh hay những lý do mang tính cá nhân không cho phép nhiều người đến trực tiếp các cơ sở thờ tự thì việc góp tiền online cũng một phần giúp họ củng cố niềm tin vào hoạt động thiện nguyện này.

 Thử nghiệm cúng dường online qua ví điện tử Momo

Kết quả thử nghiệm sẽ trả lời

PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ, bất kỳ một sáng kiến mới nào cũng đều nhận được những phản ứng trái chiều. Vì thế hình thức cúng dường qua ví điện tử khi mới có thông tin đã gây ra tranh cãi cũng là dễ hiểu, đặc biệt là khi đã có một số hoạt động trục lợi liên quan đến tâm linh tín ngưỡng bị dư luận lên án trong thời gian qua. “Chúng ta cũng cần có thời gian để kiểm nghiệm xem thử nghiệm cúng dường online có hiệu quả hay không. Nhưng tôi tin, những lý do hợp lý ở trên sẽ khiến hoạt động thí điểm cúng dường online có cơ sở thành công, chứ không phải mang tính thương mại thái quá như một số ý kiến đã nêu…”, ông Sơn nhấn mạnh.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cũng cho rằng, không phải hình thức cúng dường online sẽ xóa bỏ việc hành lễ và cúng dường trực tiếp. Khi có điều kiện, cuộc sống trở lại bình thường thì tín ngưỡng này nên thực hành tại các chùa. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc cầu an hay bất cứ hình thức thực hiện các nghi lễ tâm linh, tín ngưỡng nào cũng cần đặt những giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho tất cả mọi người lên trên hết.

Cũng nhận định hình thức cúng dường online và nhận phát tâm qua ví điện tử là hợp lý, PGS. TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo cho rằng, việc đặt tiền giọt dầu, công đức bằng hình thức trực tiếp hay gửi qua tài khoản không ảnh hưởng gì đến niềm tin tôn giáo và tín ngưỡng, tất cả đều đáp ứng được niềm tin đó. Hiện nay dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, người dân không đến được chùa thì thông qua hình thức trực tuyến là tốt.

Bên cạnh đó, về một trong những cái lợi hướng đến khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thử nghiệm hình thức cúng dường online là khắc phục tình trạng rải, rắc tiền lẻ ở nơi thờ tự, theo các nhà nghiên cứu, đây là ưu điểm nếu việc cúng dường online tiếp tục được triển khai. “Việc không mang tiền lẻ đến chùa là văn minh, rải tiền lẻ ở chùa là phản cảm, không có mỹ quan, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của cơ sở thờ tự. Thay vì rút tiền lẻ thì có thể bấm gửi vào tài khoản của nhà chùa…”, ông Chu Văn Tuấn cho biết.

Khẳng định kết quả sau thời gian thử nghiệm sẽ trả lời hình thức cúng dường online có phù hợp và sẽ tiến tới triển khai đại trà hay không, các chuyên gia văn hóa cho rằng, cần có thời gian và có sự đánh giá mức độ tiếp nhận, thay đổi tư duy, thói quen của cộng đồng. Cũng cần nhìn nhận, thay đổi thói quen trong các sinh hoạt văn hoá, đặc biệt là các sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh là vô cùng khó khăn. Việc bản thân mỗi người tự thay đổi thói quen đến chùa, đặt giọt dầu, ghi công đức trở thành quét mã điện tử để chuyển tiền qua tài khoản, chắc chắn với nhiều người chưa thể quen ngay trong một sớm một chiều.

Trước những tâm lý còn lo ngại về vấn đề giả mạo, lợi dụng niềm tin tín ngưỡng và hình thức cúng dường qua ví điện tử để trục lợi bất chính, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam Bùi Hoài Sơn cho rằng, thử nghiệm cúng dường online dù đã có ý thức về việc kiểm soát dòng tiền qua ví Momo, vẫn luôn cần có những giải pháp để thể hiện sự minh bạch trong việc nhận và sử dụng các khoản tiền cúng dường, đồng thời tôn trọng tự do, bí mật riêng tư của cá nhân. “Làm được như vậy, chúng ta hy vọng sẽ có sự thay đổi tích cực trong văn hoá đi chùa của người Việt, để việc đi lễ chùa không chỉlà dịp cầu an, hướng đến chân- thiện-mỹ, xây dựng đạo đức cho mỗi người, mà còn giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc…”, ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh. 

 Không phải hình thức cúng dường online sẽ xóa bỏ việc hành lễ và cúng dường trực tiếp. Khi có điều kiện, cuộc sống trở lại bình thường thì tín ngưỡng này nên thực hành tại các chùa. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc cầu an hay bất cứ hình thức thực hiện các nghi lễ tâm linh, tín ngưỡng nào cũng cần đặt những giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho tất cả mọi người lên trên hết.

(Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian NGUYỄN HÙNG VĨ)

PHƯƠNG ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top