Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Đón Bằng công nhận hò thuốc cá ở Minh Hóa là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thứ Hai 26/04/2021 | 09:19 GMT+7

VHO - Nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian hò thuốc cá Minh Hóa được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định những giá trị và đóng góp của nhân dân Minh Hóa trong việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam.

Chương trình nghệ thuật "Ân tình Minh Hóa quê tôi"

Tối ngày 25.4 tại thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) đã tổ chức Lễ đón Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian hò thuốc cá huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình” và  Bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với “Căn cứ kháng chiến của Vua Hàm Nghi ở Minh Hóa”; đồng thời, khai hội Tuần lễ Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Hội rằm tháng ba năm 2021 với chương trình nghệ thuật "Ân tình Minh Hóa quê tôi".

Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã trao bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian hò thuốc cá huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình”; đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Bình trao bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với “Căn cứ kháng chiến của vua Hàm Nghi” ở Minh Hóa cho nhân dân và cán bộ huyện Minh Hóa.

Đại diện lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã trao bằng chứng nhận cho cán bộ và nhân dân Minh Hóa.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình đã chia sẻ niềm vui và nhấn mạnh: “Việc Nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian hò thuốc cá Minh Hóa được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định những giá trị và đóng góp của nhân dân Minh Hóa trong cộng đồng nền văn hóa Việt Nam; góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình yêu cầu huyện Minh Hóa cần phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành có liên quan, sớm triển khai xây dựng đề án, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian hò thuốc cá”, nhất là việc truyền dạy hò thuốc cá trong các trường học; quảng bá, giới thiệu nghệ thuật này đến đông đảo công chúng.

Đối với di tích lịch sử cấp tỉnh “Căn cứ kháng chiến của Vua Hàm Nghi ở Minh Hóa”, huyện cần triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư, để nơi đây, cùng với các sản phẩm văn hóa và tiềm năng khác ở trên địa bàn, trở thành điểm thu hút du khách và nhà đầu tư, góp phần cải thiện sinh kế cho đồng bào, nhân dân trên địa bàn và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tiếp đó, tại Chương trình nghệ thuật “Ân tình Minh Hóa quê tôi” chào mừng Tuần lễ Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Hội rằm tháng ba Minh Hóa năm 2021 gồm 2 phần: “Sắc hương quê mình” và “Minh Hóa ngày nắng lên”.

Chương trình đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng người dân và du khách thập phương, là một trong những hoạt động văn hóa ý nghĩa, góp phần động viên, khích lệ nhân dân địa phương tiếp tục hăng hái tham gia lao động sản xuất; đồng thời là dịp để huyện Minh Hóa quảng bá, giới thiệu tiềm năng thế mạnh về phát triển du lịch của địa phương đến với bạn bè và du khách gần xa.

Trao bằng công nhận Căn cứ kháng chiến của vua Hàm Nghi ở Minh Hóa là di tích cấp tỉnh

Tương truyền, Hội rằm tháng Ba  huyện Minh Hóa có nguồn gốc từ câu chuyện 2 anh em người làng Yên Đức, xã Yên Hóa đi tìm mật ong trên lèn Ông Ngoi. Khi họ lên đến đỉnh thì gặp một giếng nước trong vắt, bên cạnh có cây quýt rất nhiều quả; dưới tán cây có 12 hòn đá giống hình ông Bụt.

Bên cạnh có bàn đá bằng phẳng và có những quân cờ bằng đá. Hai anh em họ nghỉ ngơi, hái quýt ăn rồi trầm trồ về những cảnh vật xung quanh. Khi hai người xuống núi thì mang theo 1 hòn đá giống tượng Bụt, đến thác Cúi họ đặt tượng đá xuống để tắm. Thật kỳ lạ, lúc tắm xong, người anh đến lấy tượng đá thì không sao nhấc lên được.

Đặc biệt, từ khi tượng đá xuất hiện ở thác Cúi thì làng Yên Đức bỗng dưng xảy ra nhiều dịch bệnh, mùa màng bị chim thú về phá hoại, gia súc, gia cầm của người dân nuôi cũng bị thú dữ bắt đi. Dân làng bèn lập đàn khấn vái, tự nhiên có người ứng xưng là Bụt ở thác Cúi và đòi lập đàn thờ.

Dâng hương thác Bụt tại Hội Rằm tháng ba Minh Hóa năm 2021

Dân làng nghe thế liền làm theo. Từ khi lập đàn thờ Bụt, mọi tai ương dần biến mất. Từ đó, câu chuyện lan truyền, gây sự chú ý khiến nhiều người đến khấn vái Bụt. Dần dà, người dân quen gọi là Thác Bụt như tên gọi ngày nay.

Hằng năm, cứ đến Rằm tháng ba âm lịch, người dân Minh Hóa lại đến đây dâng hương cúng Bụt cầu mưa thuận gió hòa, cầu tài lộc, sức khỏe và dự hội chợ rằm. Ở phiên chợ rằm, người dân và du khách được mua bán các mặt hàng nông sản, hàng hóa của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Minh Hóa và nhiều món ăn truyền thống đặc trưng của người dân Minh Hóa như: ốc suối luộc, bồi ngô chấm mật ong rừng, khoai môn...

PHẠM PHÚ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top