Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Những địa danh không nên “bỏ lỡ” khi đến phố núi Kon Tum

Thứ Năm 29/04/2021 | 09:54 GMT+7

VHO - Là tỉnh nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, Kon Tum được ví như “nàng tiên say giấc giữa đại ngàn”, với những cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, huyền bí, cùng nhiều điểm tham quan mang đậm nét văn hóa truyền thống các dân tộc. Nếu có dịp ghé đến Kon Tum, những địa điểm dưới đây sẽ mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho du khách.

Nhà thờ Chánh Tòa Kon Tum

Đây là công trình độc đáo được kết hợp giữa kiến trúc Châu Âu và kiến trúc nhà sàn đặc trưng của đồng bào Bana. Nhà thờ chánh toà Kon Tum (hay còn gọi là Nhà thờ Gỗ) nằm ở đường Nguyễn Huệ, Phường Thống Nhất, TP. Kon Tum; Nhà thờ được người Pháp xây dựng năm 1913 và hoàn thành năm 1918. Nhà thờ Gỗ mang đậm phong cách Roman phối với kiểu nhà sàn người Bana đặc trưng Tây Nguyên. Toàn bộ nhà thờ được làm bằng gỗ cà chít, xung quanh là những bức tường được làm từ đất trộn rơm, kết hợp tone màu nâu trầm khó trộn lẫn. Bất kể mùa nào trong năm, du khách cũng có thể ghé qua đây để chụp hình check-in và chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền ảo, cổ kính của nhà thờ gỗ.

Kiến trúc độc đáo của Nhà thờ Gỗ hơn 100 tuổi ở phố núi Kon Tum

 

Nhà rông Kon K’lor

Đây được coi là nhà rông lớn nhất Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Nhà rông Kon Klor được xây dựng theo kiểu truyền thống với chất liệu hoàn toàn bằng gỗ, tre, nứa, tranh, lá và có những họa tiết, hoa văn trang trí rất công phu. Các nghệ nhân và người dân làng Kon K’lor đã đồng lòng gìn giữ và bảo tồn những nét đặc trưng của mình trên nhà rông. Với mái nhà cao vút, nhà rông Kon K’lor sừng sững, vững chãi được coi là điểm tựa cho hồn làng, cũng là niềm tự hào của các nghệ nhân và người dân Ba Na. Ngôi nhà nằm gần bên sông Đắk Bla và cầu treo Kon K’lor.

Nhà Rông Kon K’lor biểu tượng của đồng bào Bana ở TP. Kon Tum

 

Cầu treo Kon Klor

Cách nhà Rông Kon K’lor vài chục mét, chiếc cầu treo dây văng to đẹp nhất Kon Tum và khu vực Tây Nguyên, nối liền 2 bờ của dòng sông Đăk Bla. Cầu có chiều dài 292m, rộng 4,5m. Cầu treo Kon K’lor được xem là biểu tượng của Kon Tum và cũng là niềm tự hào của người dân nơi đây.

Cầu treo Kon K’lor nối đôi bờ sông Đăk Bla, là cây cầu treo dây văng lớn nhất, đẹp nhất ở Kon Tum

 

Công trình xanh Indochine Café

Lấy cảm hứng từ chiếc nơm cá úp ngược, kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa đã thiết kế, xây dựng quán café đặc trưng, nổi tiếng và là top 5 công trình của năm 2014 do tạp chí kiến trúc ArchDaily (Mỹ) bình chọn và đề cử. Nằm bên dòng Đăk Bla, công trình xanh Indochine có hình chữ nhật được bao quanh bằng một hồ nước nhân tạo xanh mát, giữa lòng hồ là những gốc cây cổ thụ được bố trí theo một khoảng cách nhất định, ngoài cùng là những hàng hoa sứ thẳng tắp tạo nên một vẻ đẹp tự nhiên, thông thoáng. Mái của công trình được hỗ trợ bởi 15 cụm tre hình nón ngược. Mái được lợp bởi những tấm sợi thủy tinh và lớp mái vọt tự nhiên phía dưới để chống nóng. Kết cấu độc đáo này cho phép nhận được những cơn gió mát thổi vào mùa hè, đồng thời chịu được bão lốc vào những mùa mưa.

Công trình xanh Indochine café được làm bằng chất liệu tre

 

Tòa giám mục Kon Tum

Tòa giám mục Kon Tum (hay còn gọi tên đầy đủ là Chủng viện thừa sai Kon Tum) được xây dựng vào năm 1935, hoàn thành năm 1938. Tòa Giám mục là sự kết hợp hài hoà giữa lối kiến trúc phương Tây với lối kiến trúc dân tộc bản địa truyền thống. Nằm khuất sau 2 hàng cây hoa đại (hoa sứ) và những hàng cây rợp bóng mát, Tòa giám mục mang dáng vẻ yên bình, tĩnh lặng như chính nhịp sống của người bản địa Kon Tum.

Nằm khuất sau hàng hoa sứ, Tòa giám mục Kon Tum mang dáng vẻ yên bình, tĩnh lặng

 

Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen

Cách trung tâm TP. Kon Tum hơn 50 km về hướng Đông, khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen nằm trên địa phận huyện Kon Plong. Với khí hậu mát mẻ quanh năm cùng với nhiều suối đá, hồ thác cùng các cảnh quan hấp dẫn, nơi đây được ví như là “Đà Lạt 2” của Việt Nam.

Đến với Măng Đen, du khách sẽ có cơ hội khám phá vùng đất Ba hồ, Bảy thác… cùng với những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng như: tượng Đức Mẹ Sầu Bi - một công trình kiến trúc được xây dựng từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp; tham quan Chùa Khánh Lâm; tham quan những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hay khám phá, trải nghiệm tại làng du lịch cộng đồng Kon Bring và thưởng thức những món ăn dân dã, đặc sản nơi đây như gà nướng, cơm lam, thịt heo nướng… do chính bàn tay đồng bào dân tộc nơi đây làm.

Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen là địa điểm thu hút đông đảo khách tham quan, du lịch

 

Ngã ba Đông Dương

Cột mốc biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào là địa điểm check-in thú vị mà nhiều du khách chinh phục khi đến Kon Tum

Ngã ba Đông Dương (hay còn gọi Cột mốc ba biên) cách trung tâm TP. Kon Tum khoảng 80km, thuộc địa phận xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi. Là điểm tiếp giáp ranh giới 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, là nơi “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe thấy”. Cột mốc ba biên được làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi có độ cao 1.086m so mực nước biển, có hình trụ tam giác, mỗi mặt hướng về quốc gia đó có tên nước và quốc huy trang trọng. Ngã 3 Đông Dương trở thành điểm check-in thú vị mà nhiều du khách muốn chinh phục khi đặt chân đến Kon Tum. 

Ngoài những địa danh ở trên, du khách có thể khám phá trải nghiệm Vườn Quốc gia Chư Mom Ray - Di sản ASEAN, nơi có tính đa dạng sinh học cao nhất trong số những Vườn quốc gia trên cả nước; hoặc chinh phục đỉnh Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei), trực tiếp ngắm nhìn Quốc bảo của Việt Nam - Sâm Ngọc Linh…

VĨNH AN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top