Bắc Giang: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển du lịch bền vững

VHO - Hội thảo “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với khai thác giá trị di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên nhằm phát triển du lịch bền vững tỉnh Bắc Giang” do Sở Khoa học và Công nghệ, Sở VHTTDL và UBND huyện Lục Ngạn phối hợp tổ chức ngày 10.11, tại Khu du lịch sinh thái Bầu Tiên, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn.

Bắc Giang: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển du lịch bền vững - Anh 1

Toàn cảnh Hội thảo Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với khai thác giá trị di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên nhằm phát triển du lịch bền vững tỉnh Bắc Giang

Dự hội thảo có Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn; Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) Hà Văn Siêu; đại diện các đơn vị thuộc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ; Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Sở Khoa học và Công nghệ một số tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn cho biết: “Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo gắn với bảo tồn, gìn giữ và khai thác giá trị di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên nhằm phát triển du lịch bền vững là xu thế chung của Việt Nam và thế giới hiện nay. Thông qua các hoạt động du lịch, các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan, môi trường được gìn giữ và bảo vệ tốt hơn. Đồng thời sẽ tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm, hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, ổn định xã hội, phát triển kinh tế ở mỗi địa phương”.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho rằng, du lịch tỉnh Bắc Giang đang phát triển, nhưng còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Hội thảo là dịp để các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ thông tin nhằm nâng cao nhận thức về đóng góp quan trọng trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đối với ngành Du lịch và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, huy động sự tham gia của tất cả các ngành liên quan, đưa du lịch trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi tích cực trong việc bảo tồn và sử dụng dịch vụ hệ sinh thái; thúc đẩy thay đổi về chính sách, hành vi kinh doanh và tiêu dùng trong du lịch góp phần phát triển bền vững tỉnh Bắc Giang.

Bắc Giang: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển du lịch bền vững - Anh 2

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn

Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết, ứng dụng công nghệ đã tác động mạnh mẽ đến cung và cầu du lịch, hình thành các xu hướng du lịch mới như: du lịch thông minh, du lịch sáng tạo. Nhiều điểm đến đã đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, du lịch thực tế ảo… để mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn.

“Thực tế này đòi hỏi các điểm đến, các nhà quản lý và doanh nghiệp du lịch Bắc Giang cần phải quan tâm và đầu tư nhiều hơn để phát triển du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ để không ngừng hoàn thiện năng lực cung ứng dịch vụ du lịch và nâng cao khả năng cạnh tranh của điểm đến, sản phẩm du lịch”, ông Hà Văn Siêu nói.

Vai trò quy hoạch trong xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch bền vững tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2025-2030, định hướng đến 2040 được Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn khẳng định là rất quan trọng. Vì thế, tỉnh cần phát huy tối ưu tài nguyên và tiềm năng du lịch.

Có thể nhận thấy, Quy hoạch tỉnh Bắc Giang đã đánh giá rất đầy đủ và chi tiết về tài nguyên và tiềm năng phát triển du lịch của Bắc Giang. Đối với tài nguyên du lịch, Quy hoạch đã thống kê, mô tả và phân tích giá trị của các loại tài nguyên gồm: tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hoá. Việc hiểu rõ về tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hoá là yếu tố rất quan trọng, là cơ sở để xác định điểm mạnh, độc đáo mà tỉnh có thể tận dụng để xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, phù hợp, khác biệt và có khả năng cạnh tranh cao.

Bắc Giang: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển du lịch bền vững - Anh 3

Đại diện UBND huyện Lục Ngạn và Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam trao Biên bản hợp tác phát triển du lịch

Bên cạnh đó việc việc thống kê, đánh giá tài nguyên du lịch đầy đủ và chi tiết cũng giúp quản lý bền vững tài nguyên, bảo tồn phát triển văn hoá địa phương và khai phá tiềm năng du lịch mới. Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Bắc Giang bền vững trong tương lai.

Trong đó, chuyên gia cho rằng, việc dự báo nhu cầu thị trường là nội dung quan trọng trong quy hoạch du lịch, và nó đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển sản phẩm du lịch bền vững tại tỉnh Bắc Giang cũng như bất kỳ địa phương nào.

Trên cơ sở dự báo nhu cầu của các thị trường mục tiêu, thị trường tiềm năng đối với du lịch tỉnh Bắc Giang, Quy hoạch tỉnh đã xác định các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, phát triển các sản phẩm dựa trên tiềm năng sẵn có như: Du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch vui chơi giải trí cao cấp, thể thao golf, leo núi, xe đạp địa hình, dù lượn; du lịch nghỉ dưỡng sinh thái: Khu resort, bungalow cao cấp gắn kết với thiên nhiên ven các khu rừng, hồ…; du lịch nghỉ dưỡng dân dã theo mô hình các trang trại nông nghiệp tại các vùng nông thôn; vui chơi giải trí cao cấp theo mô hình công viên chuyên đề, vui chơi giải trí công nghệ cao....

Đây cũng là cơ sở để quy hoạch định hướng phát triển sản phẩm du lịch theo không gian trên địa bàn tỉnh một cách phù hợp, đảm bảo khai thác tài nguyên du lịch, là yếu tố quan trọng để phát triển sản phẩm du lịch bền vững.

Theo Quy hoạch tỉnh, mục tiêu tổng quát phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang được xác định là: Quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển các khu du lịch có quy mô lớn, hình thành các khu du lịch đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí khu du lịch quốc gia theo Luật du lịch, cấp tỉnh có sự khác biệt, nổi trội, các điểm đến hấp dẫn; đa dạng hóa các loại hình du lịch, trọng tâm là du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng, thể thao.

Xây dựng Bắc Giang trở thành tỉnh có thương hiệu du lịch, có vị trí quan trọng trong vùng Đồng bằng và Trung du Bắc bộ. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Có thể thấy, mục tiêu Quy hoạch có vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch bền vững tỉnh Bắc Giang.

Trong đó, hình thành các khu du lịch đáp ứng tiêu chuẩn và tiêu chí quốc gia, đa dạng hóa loại hình du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch và vị trí quan trọng, phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng... Các mục tiêu này định hướng cho việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh đa dạng hơn và có chất lượng cao hơn, tạo ra một cơ sở vững chắc cho ngành Du lịch phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Bắc Giang: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển du lịch bền vững - Anh 4

Đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia du lịch khảo sát dịch vụ du lịch tại Bắc Giang

Để phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch, thúc đẩy du lịch Bắc Giang phát triển bền vững, đổi mới, sáng tạo, trong quá trình phát triển, Bắc Giang cần tiếp tục đầu tư và nâng cấp sản phẩm du lịch đặc thù và các sản phẩm du lịch bổ trợ phù hợp với thị trường mục tiêu. Trước hết, cần tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao dựa trên khai thác lợi thế về văn hóa, lịch sử, thiên nhiên của Bắc Giang.

Ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các dòng sản phẩm chất lượng cao, chuyên nghiệp như du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch sinh thái; du lịch MICE gắn với khai thác các khu công nghiệp, khu chế xuất; du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng; du lịch golf...

Chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch xanh, bền vững, bảo vệ môi trường, tôn trọng văn hóa bản địa và cộng đồng địa phương; liên kết du lịch với các ngành kinh tế dịch vụ khác là thế mạnh của Bắc Giang để đa dạng giá trị trải nghiệm và đem lại giá trị gia tăng cho các sản phẩm du lịch phù hợp với thị trường mục tiêu bao gồm cả thị trường khách nội địa và quốc tế.

Phát triển các tuyến du lịch văn hóa, gắn với các hoạt động tham quan, lễ hội, khám phá văn hóa bản địa, tập trung nguồn lực khai thác du lịch khu vực Tây Yên Tử gắn với Con đường Hoằng dương phật pháp của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử… 

Khai thác các hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí tại các vực hồ Suối Lục, hồ Núi Cấm, khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thương, khu vục Tây Yên Tử... Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp: hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, cung cấp trải nghiệm văn hóa, lối sống của người dân địa phương, ẩm thực cho du khách dựa trên khai thác các làng nghề truyền thống, cộng đồng dân tộc thiểu số, vùng canh tác nông nghiệp trồng cây ăn trái tại huyện Lục Ngạn và một số địa phương...

Để thu hút đầu tư du lịch hiệu quả, Bắc Giang cần thực hiện tốt công tác quy hoạch xây dựng, đảm bảo các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch được triển khai thuận lợi, nhất quán. Cập nhật các thông tin về chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Giang nói chung, dự án ưu tiên đầu tư du lịch nói riêng, đặc biệt là các dự án có quy mô, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển du lịch của tỉnh.

Cùng với việc tạo dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, Bắc Giang cần tập trung đầu tư, hoàn thiện nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ hỗ trợ cho tiếp cận điểm đến và trải nghiệm của du khách.

Quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực du lịch để đảm bảo phát triển du lịch chuyên nghiệp, chất lượng; phát triển đội ngũ hướng dẫn viên, hướng dẫn viên tại điểm nhằm truyền tải tốt nhất các thông điệp, nội dung và tạo ấn tượng tốt đẹp về điểm đến tới du khách; triển khai các hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cộng đồng địa phương, khuyến khích các tập thể và cá nhân khai thác các sản phẩm du lịch mới, xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương...

Tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng Đông Bắc và các địa phương khác như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hà Nội… để khai thác tuyến, điểm du lịch và sản phẩm du lịch đáp ứng tính đa dạng trong phát triển du lịch, hấp dẫn du khách đồng thời thúc đẩy trao đổi khách giữa các địa phương. Xây dựng các tuyến du lịch kết nối Tây Yên Tử - Đông Yên Tử với các điểm đến du lịch khác trong và ngoài tỉnh…

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Triển khai các chương trình xúc tiến chuyên đề đến các thị trường mục tiêu, hướng tới đa dạng thị trường khách trong đó khai thác hiệu quả thị trường khách du lịch nội địa và thị trường khách quốc tế với các sản phẩm như du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch golf... Xây dựng thương hiệu du lịch, tạo điểm nhấn khác biệt, giá trị riêng của du lịch Bắc Giang.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý đầu tư, phát triển điểm đến du lịch thông minh, thân thiện; xây dựng sản phẩm du lịch sáng tạo, chất lượng và triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá cho du lịch Bắc Giang. Tạo thuận lợi cho du khách tiếp cận thông tin về chính sách đầu tư cũng như thông tin về điểm đến và các dịch vụ du lịch trên địa bàn.

Để phát triển du lịch Bắc Giang thông qua chuyển đổi số, đại diện Công ty Cổ phần VietISO cho rằng, Bắc Giang nên tập trung vào 4 chiến lược chính gồm: Đổi mới sáng tạo sản phẩm du lịch với mục tiêu nâng cao trải nghiệm tại mỗi điểm chạm trên hành trình của du khách. Cần có sự kết nối các thành phần vai trò chính trong ngành du lịch với nhau dựa trên công nghệ số nhằm tạo ra môi trường hiệu quả hơn cho việc thu thập và xử lý dữ liệu, nâng cao trải nghiệm người dùng. Cùng đó, phát triển doanh nghiệp du lịch thông minh, gia tăng trải nghiệm du lịch thông minh.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp trong du lịch; các giải pháp khoa học và công nghệ khai thác phát triển du lịch trong xu thế công nghệ 4.0 trong giai đoạn hiện nay; định hướng phát triển du lịch Bắc Giang đến năm 2030; phát triển ứng dụng công nghệ trong quản lý hoạt động khai thác du lịch tâm linh, du lịch sinh thái nông nghiệp.

Hội thảo là sự kiện nằm trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Giang năm 2023 (Techfest Bắc Giang năm 2023) và trình diễn kết nối cung cầu công nghệ.

NGUYỄN ANH; ảnh: ĐÀO HOA

Ý kiến bạn đọc