Bảo vệ và phát huy giá trị di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật chèo

VHO - Ngày 23.11 tại TP Thái Bình, Sở VHTTDL tỉnh Thái Bình phối hợp với Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại”.

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật chèo - Anh 1

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội thảo

Dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận; PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; các đại biểu đến từ Cục Di sản Văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL), Ủy ban UNESCO Việt Nam, Vụ ngoại giao văn hóa (Bộ Ngoại giao), Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Nhà hát chèo Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, lãnh đạo các Sở, ban, ngành tỉnh Thái Bình.

Hội thảo quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại” nằm trong khuôn khổ dự án hoàn thiện hồ sơ về Nghệ thuật chèo đệ trình UNESCO xem xét ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hội thảo là một diễn đàn học thuật của các chuyên gia quốc tế và trong nước để cùng nhau làm rõ những vấn đề chuyên môn về nghệ thuật trình diễn dân gian từ góc độ khoa học liên ngành và công tác xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO, những tiêu chí ghi danh của Công ước 2003 và những vấn đề khoa học liên quan đến nghệ thuật chèo từ góc độ di sản văn hóa phi vật thể.

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật chèo - Anh 2

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phát biểu

Hội thảo nhằm hướng tới công tác bảo vệ và phát huy giá trị của di sản nghệ thuật trình diễn dân gian nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng từ góc độ sản văn hóa phi vật thể. Đây là mối quan tâm của Nhà nước, của các cấp chính quyền và ngành văn hóa và với sự tham gia tích cực của cộng đồng thực hành di sản. Các nỗ lực tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước, hỗ trợ cộng đồng trong việc tổ chức, thực hành di sản góp phần làm giảm thiểu nguy cơ di sản bị mai một, đảm bảo sức sống của di sản cho thế hệ hiện tại, tương lai và cho sự phát triển bền vững.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận nhấn mạnh: Thái Bình được biết đến là cái nôi của nghệ thuật hát chèo. Năm 2023, nghệ thuật chèo ở Thái Bình được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ VHTTDL về việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh nghệ thuật chèo là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo Sở VHTTDL phối hợp với Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội và 14 tỉnh, thành phố Bắc Bộ xây dựng hồ sơ Nghệ thuật chèo.

"Đến nay, các bước quy trình đang tổ chức triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch và Hội thảo lần này là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình lập hồ sơ”, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận nhấn mạnh.

[

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật chèo - Anh 3

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Phát biểu đề dẫn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương khẳng định: Được sáng tạo và trao truyền qua bao thế hệ, đến nay, chèo truyền thống vẫn lan tỏa mạnh mẽ và chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt ở Bắc Bộ. Người dân nhiều làng xã ở các tỉnh như Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng... vẫn mê hát chèo và tham gia CLB chèo để được hát, được diễn. Các gánh chèo xưa tuy không còn, nhưng chèo vẫn được duy trì trong lễ hội làng truyền thống, trong các hội thi, hội diễn, trong ngày vui của gia đình và cộng đồng.

 “Hội thảo chia sẻ những bài học kinh nghiệm liên quan và làm sáng tỏ những ý nghĩa xã hội và kinh tế của di sản, nhìn nhận đầy đủ vai trò của di sản trong sự thúc đẩy gắn kết xã hội, thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa và đối thoại văn hóa. Thành công của hội thảo cũng sẽ góp phần mở rộng khái niệm về di sản văn hóa, lồng ghép di sản sống vào các chính sách và chương trình ở cấp quốc gia và thiết lập vững chắc các nỗ lực bảo vệ ở cấp độ quốc tế”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật chèo - Anh 4

Đêm trình diễn nghệ thuật chèo làng Khuốc

Với sự tham gia của các học giả đến từ sáu quốc gia: Mỹ, Thụy Sỹ, Anh, Cộng hòa Séc, Hàn Quốc, Trung Quốc, cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, tổ chức, trường đại học tại Việt Nam, đại diện cộng đồng chủ thể di sản, Hội thảo "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại” tập trung vào bốn chủ đề: Nghiên cứu di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật chèo từ cách tiếp cận liên ngành; sự đa dạng của di sản trình diễn dân gian ở Việt Nam và các nước trên thế giới; sự biến đổi và phát triển của nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại; bảo vệ và phát huy giá trị di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại.

Trong khuôn khổ Hội thảo, trước đó, tối ngày 22.11, tại xã Phong Châu (huyện Đông Hưng), Sở VHTTDL phối hợp Khoa các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Đêm trình diễn nghệ thuật chèo làng Khuốc.

Tại Đêm trình diễn, các nghệ nhân, thành viên Câu lạc bộ chèo xã Phong Châu đã thể hiện 7 tiết mục đặc sắc của nghệ thuật chèo, trong đó có làn điệu Ván cờ tiên, Sắp bay bổng, trích đoạn chèo Lão say cu cậu, Từ Thức du tiên, Lý trưởng mẹ mõ, bài hát Tuyết dạt sông Thương, Duyên phận đôi ta. Thông qua các tiết mục biểu diễn cũng như chia sẻ của nghệ nhân làng chèo đã góp phần giúp mỗi người dân cũng như du khách trong nước và quốc tế thêm hiểu biết, tự hào về nghệ thuật chèo.

NGUYỄN CƯỜNG

Ý kiến bạn đọc