Cứu hộ trên đỉnh Ngũ Hành Sơn

VHO - Cứu hộ du khách không còn là chuyện hiếm gặp ở “đỉnh trời” di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn (Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) bởi có nhiều trường hợp gặp cảnh chẳng may, cán bộ bảo vệ, nhân viên của Ban quản lý di tích (BQL) trở thành nhân viên y tế mang hết sức mình trợ giúp để du khách được xuống núi an toàn.

Cứu hộ trên đỉnh Ngũ Hành Sơn - Anh 1

 Cứu hộ du khách nước ngoài bị tai nạn

Tại di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, ngoài công tác chuyên môn tổ chức đón tiếp, bảo vệ an ninh trật tự cho du khách và người tham quan di tích, các cán bộ di tích cũng phải thường xuyên đối diện với nhiều phát sinh không mong muốn, như cứu nạn du khách bị đi lạc, tai nạn, thương tích... không thể xuống núi được.

Những “bác sĩ” tay ngang trên núi

Họ là những người có nhiệm vụ quan sát du khách, giữ an ninh trật tự tại các điểm tham quan, luôn đặt sự an toàn và tính mạng của du khách lên hàng đầu. Như trường hợp một du khách người Mỹ đã leo lên động Vân Thông khám phá và có dấu hiệu say nắng không xuống được, nhận được tin báo của đoàn khách, những nhân viên nơi đây đã nhanh chóng nhận nhiệm vụ, tập trung tại hiện trường để cứu trợ. Sau khi thực hiện những động tác sơ cứu ban đầu, du khách người Mỹ nặng 80 kg đã được mọi người đưa xuống núi một cách an toàn.

Hay có trường hợp du khách người Hàn Quốc một mình leo lên đỉnh Thượng Thai rồi không tự xuống được vì... sợ độ cao. Từ sáng sớm tới chiều tối, khách ngồi trên “đỉnh trời”, sau đó nhờ một đoàn khách khác đi qua, thông tin tới Ban quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, các cán bộ đã ngay lập tức chuyển thức ăn, nước uống và vật dụng cần thiết lên cho du khách, động viên người này nhắm mắt lại để dìu xuống núi. Những “bác sĩ” này không được học qua trường lớp, tất cả đều phải mày mò học hỏi, tìm hiểu trên internet để kịp thời ứng phó với những trường hợp cần kíp. Đặc biệt là phải am hiểu về những biểu hiện bệnh lý ban đầu mà du khách thường gặp phải khi leo núi, như say nắng, tụt huyết áp, các bệnh về tim mạch. Nếu trong trường hợp ngoài khả năng và không được di chuyển, anh em sẽ liên hệ ngay với bệnh viện và các bác sĩ hướng dẫn cấp cứu trực tiếp qua điện thoại.

Sau sơ cứu thành công sẽ để bệnh nhân ổn định, tạo không gian thoáng khí, khi khách có thể cử động hoặc di chuyển sẽ đưa khách xuống dưới đưa vào xe cấp cứu tới bệnh viện. Nhờ sự chuyên tâm và trách nhiệm, chưa có du khách nào bị ảnh hưởng đến tính mạng.

Cứu hộ trên đỉnh Ngũ Hành Sơn - Anh 2

 Du khách quay lại cảm ơn sau khi nhận được sự hỗ trợ từ các cán bộ, nhân viên di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn

Vì điểm đến thân thiện, an toàn

Anh Lê Đình Bình, nhân viên bảo vệ (BQL di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn) cho biết, do đặc điểm về thời tiết, địa hình nhiều dốc nên trường hợp du khách bị tụt đường huyết xảy ra khá nhiều. Khi gặp trường hợp này, việc đầu tiên là BQL mang nước ngọt cho du khách, nếu họ đi không được sẽ hỗ trợ đưa xuống bằng băng ca.

Mới đây, trường hợp nặng nhất là một vị khách Ấn Độ bị gãy chân do trơn trượt. Với trọng lượng to lớn của vị khách này, anh em trong đội đã phải huy động 8 nhân viên đưa khách xuống chân núi. Dốc núi thẳng đứng và những bậc thang đá trơn trượt khiến cho việc khiêng cáng trở nên rất khó khăn, làm sao để những người đi sau không bị hụt chân, mà người đi trước không phải chịu quá nhiều lực. Trời nắng nóng khiến ai nấy đều hoa mắt chóng mặt, thỉnh thoảng lại phải dừng nghỉ hoặc thay người. Có những du khách ngang qua thấy anh em khiêng cáng vất vả cũng xắn tay vào khiêng giúp, mọi người vừa khiêng vừa nghỉ dưới trời nắng đổ lửa. “Trong hơn 25 năm công tác tại di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, các trường hợp du khách bị nạn đều được BQL di tích cùng nhân viên cứu hộ kịp thời và nhận được lời cảm ơn, khen ngợi của du khách, chưa có trường hợp nào đáng tiếc xảy ra”, anh Bình tự hào.

Là người luôn có mặt mỗi khi “sự cố” xảy ra với du khách, chỉ đạo xử lý rốt ráo sự việc, Trưởng BQL di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn ông Nguyễn Văn Hiền cho biết, các cán bộ nhân viên túc trực gần như “không có ngày nghỉ” vì phải đảm bảo phối hợp liên tục, đặc biệt trong những thời điểm đông khách. Để đảm bảo mỗi trường hợp đều được hỗ trợ một cách nhanh chóng, hiện nay BQL đã đặt 5 tủ thuốc tại những điểm cần thiết. Tủ thuốc gồm có những loại thuốc thông dụng, bao gồm cả băng gạc, cáng khiêng lúc nào cũng trong tình trạng “trực chiến”. Hiện BQL chỉ có 2 cán bộ chuyên trách nhưng mỗi khi có việc là tất cả phải cùng phối hợp. Thông qua nhóm Zalo, BQL truyền thông tin và chỉ đạo nhanh chóng để mọi người triển khai thực hiện. “Anh em làm rất tốt các công tác hỗ trợ và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách gần xa, các yêu cầu về việc mất đồ, đi lạc, tai nạn thương tích... đều được giúp đỡ tận tâm, tròn trách nhiệm.

Có thể nói, những hành động này đã làm nên ấn tượng tốt đẹp của một điểm di tích trong lòng du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Có nhiều du khách sau khi về nước đã gửi thư cảm ơn đến lãnh đạo, nhân viên BQL di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, cũng có người vì sự cảm động sâu sắc đã quay lại Ban quản lý gặp gỡ tri ân. Họ nói rằng sẽ còn đưa gia đình, bạn bè đến Ngũ Hành Sơn để thưởng lãm cảnh quan và cảm nhận tình người thêm nhiều lần nữa. 

 Bên cạnh sự đảm bảo về cảnh quan môi trường, an ninh trật tự, việc cứu hộ du khách là một trong những công tác quan trọng được đơn vị đưa lên hàng đầu, vì đây là nhiệm vụ trực tiếp có ảnh hưởng đến khu điểm du lịch an toàn, thân thiện. Vấn đề rủi ro là không ai mong muốn, do vậy các cán bộ điểm du lịch tham quan phải giúp đỡ du khách tận tâm để khách có một hành trình suôn sẻ, mang lại sự tin tưởng và hài lòng”, ông Hiền chia sẻ.

(Ông NGUYỄN VĂN HIỀN,Trưởng BQL di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn)

 

 NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc