Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Quản lý Cù Lao Chàm: Nếu không ngăn chặn tiêu cực, chúng ta sẽ phải trả giá

Thứ Hai 15/10/2018 | 10:54 GMT+7

VHO- Làm thế nào để Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm phát triển bền vững, hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực của việc phát triển du lịch “nóng” lên hệ sinh thái biển, rừng của đảo; và giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trên cơ sở lấy bảo tồn làm nền tảng liệu có thể giúp du lịch nơi đây giữ được “thương hiệu”?

 Việc khai thác du lịch đại trà sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái biển, rừng của Khu DTSQTG Cù Lao Chàm

 Đó là những vấn đề được đặt ra tại hội thảo “Bảo tồn và phát triển bền vững Cù Lao Chàm” do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tại TP Hội An vào cuối tuần qua.

Du lịch đại trà đang tác động xấu đến Cù Lao Chàm

Nhiều ý kiến tại hội thảo bày tỏ quan ngại khi du lịch Cù Lao Chàm đang phát triển “nóng”, bên cạnh những yếu tố tích cực, cũng đã gây nên không ít những tác động tiêu cực, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong công tác bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển thế giới (gọi tắt Khu dự trữ Cù Lao Chàm), tác động nặng nề, gay gắt đến chất lượng hệ sinh thái biển và rừng,

Nôn nóng chạy theo lợi nhuận dẫn đến khai thác du lịch giá rẻ, đại trà sẽ dần khiến Khu dự trữ Cù Lao Chàm đánh mất thương hiệu. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng đưa ra cảnh báo việc khai thác du lịch kiểu đại trà, nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ khiến tài nguyên thiên nhiên ở Cù Lao Chàm ngày càng cạn kiệt và biến mất trong một thời gian không xa. Một trong những ảnh hưởng tiêu cực rõ rệt nhất hiện nay chính là tình trạng khai thác hải sản trái phép trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (gọi tắt Khu bảo tồn biển) đang diễn ra với tần suất ngày càng tăng, vi phạm diễn ra trong cả vùng cấm và cả mùa cấm.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Phòng tuần tra, kiểm soát của Khu bảo tồn biển đã phát hiện 21 trường hợp vi phạm, chủ yếu là khai thác bằng nghề giã cào; 17 trường hợp lặn và gần 20 trường hợp khai thác bằng lưới vây, thả lưới trong vùng cấm, khai thác tôm hùm trong mùa cấm… Việc lén lút khai thác nguồn lợi thủy sản không chỉ ở các ngư dân từ nơi khác đến mà đáng lo ngại hơn là số lượt vi phạm của ngư dân Cù Lao Chàm cũng có dấu hiệu tăng. Nhiều loài hải sản trong danh sách những đối tượng mục tiêu cần bảo vệ, cấm khai thác, đánh bắt trên đảo,… vẫn bị khai thác lén lút để phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách trong mùa du lịch cao điểm.

Bên cạnh đó, áp lực về phát triển du lịch khiến nguồn nước ngọt hao hụt, lượng nước thải, rác thải… từ người dân và du khách thải ra cũng tác động đến môi trường sống của người dân cũng như nhiều loài động thực vật trên đảo.

Tôn trọng thiên nhiên để phát triển bền vững

Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến “chệch hướng” trong việc bảo tồn và phát triển Cù Lao Chàm thời gian qua? “Căn bệnh” được nhắc đến nhiều nhất chính là công tác tổ chức quản lý trong một thời gian dài không theo kịp với tốc độ phát triển nhanh của du lịch đã làm chệch hướng du lịch Cù Lao Chàm. Lượng khách đến nơi đây tăng mạnh nhưng nguồn lợi tự nhiên, nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt. Các khảo sát nghiên cứu cho biết người dân ở đảo chỉ được 1/4 tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch.

 Tuyên truyền du khách “Nói không với túi nilon” khi đến Cù Lao Chàm

Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng đồng thuận kiến nghị, đã đến lúc du lịch Cù Lao Chàm cần phải chọn lọc, thậm chí có thể không đón khách theo mùa. Chuyên gia đến từ Dự án GIZ-Biodivercity, ông Trần Lê Trà cho rằng, đây không chỉ là câu chuyện của riêng Cù Lao Chàm khi mà du lịch của Việt Nam hiện nay phần lớn đang dựa vào thiên nhiên, thế nhưng việc đang khai thác du lịch đại trà, cung cấp dịch vụ giá rẻ khiến nguồn lợi tự nhiên, môi trường bị tác động nặng nề.

Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cho biết, hiện đang có một suy nghĩ bao trùm chung trong phát triển du lịch là khách tới càng đông càng tốt mà không nghĩ đến cái giá phải trả cho những tác động tiêu cực. Ông Sự đặt vấn đề, phải biết chọn lựa khách, một người tiêu 5 đồng còn hơn 5 người tiêu 5 đồng. Chúng ta đang “ăn” vào tự nhiên. Hãy cố gắng nương tựa, đối thoại, kính ngưỡng, tôn trọng để thiên nhiên cùng tồn tại với con người. Phải biết sử dụng tài nguyên một cách khôn ngoan để Cù Lao Chàm có thể phát triển bền vững. Bất cứ sự phát triển nào cũng có thách thức, đánh đổi nhưng phải chọn cách đánh đổi thấp nhất mà cộng đồng lại được hưởng lợi nhiều nhất. Việc khai thác hải sản quá mức, khai thác cạn kiệt nguồn lợi để phục vụ du khách hiện nay là không khôn ngoan và đang phá vỡ động lực phát triển.

Cần có quy hoạch, quy chế quản lý

Để Cù Lao Chàm phát triển bền vững, hầu hết các đại biểu tham gia hội thảo đều cho rằng cần nhanh chóng triển khai công tác quy hoạch du lịch trên đảo. Về lâu dài cần có những chế định cụ thể, gắn với cam kết cộng đồng trong quản lý khai thác du lịch để bảo tồn và phát triển bền vững Cù Lao Chàm. Bà Trần Thị Hồng Thúy, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên tại đây được tập trung mạnh mẽ với sự đồng hành, góp sức của 4 lực lượng gồm nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Đồng thời chú trọng việc xây dựng khung pháp lý và thể chế; xác lập cơ chế đồng quản lý, truyền thông nâng cao nhận thức sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, môi trường,...

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đang đề xuất với tỉnh để điều chỉnh mở rộng phân vùng, đặc biệt là vùng bảo vệ nghiêm ngặt với những giải pháp trước mắt và lâu dài hướng tới bảo vệ tốt hơn các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, các nguồn lợi hải sản cũng như môi trường tại Cù Lao Chàm.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, những ý kiến đóng góp tại hội thảo chính là cơ hội để tỉnh và TP Hội An nhìn nhận, đánh giá khoa học những vấn đề mà Cù Lao Chàm đang đối diện. Từ đó tìm ra giải pháp phù hợp theo từng giai đoạn của sự phát triển cũng như dự báo tương lai cho Cù Lao Chàm, nhất là trong mối quan hệ mật thiết với các hệ sinh thái biển từ Sơn Trà đến Lý Sơn.

Những giải pháp đưa ra phải vừa mang tính chế định của Nhà nước quy định cho các tổ chức, cá nhân phải thực hiện nhưng đồng thời cũng xuất phát từ yêu cầu quản lý gắn với những cam kết từ cộng đồng khai thác để cùng hưởng lợi. Đồng thời cũng đặc biệt nhấn mạnh cần phải có quy hoạch phát triển du lịch trên đảo, quy chế quản lý khai thác du lịch, kể cả quy định kiến trúc xây dựng…, Khi đó Cù Lao Chàm mới có thể hướng đến sự phát triển bền vững. 

Chúng ta đang “ăn” vào tự nhiên. Hãy cố gắng nương tựa, đối thoại, kính ngưỡng, tôn trọng để thiên nhiên cùng tồn tại với con người. Phải biết sử dụng tài nguyên một cách khôn ngoan để Cù Lao Chàm có thể phát triển bền vững. Bất cứ sự phát triển nào cũng có thách thức, đánh đổi nhưng phải chọn cách đánh đổi thấp nhất mà cộng đồng lại được hưởng lợi nhiều nhất.

(Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An)

 

 KHÁNH CHI

 

 

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top