Ninh Bình hướng tới trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ

VHO - Với đặc thù và tiềm năng về thiên nhiên-văn hóa-lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình đề ra quyết tâm xây dựng Hoa Lư - Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ, nằm trong mục tiêu chung đưa tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương. VHO - Với đặc thù và tiềm năng về thiên nhiên-văn hóa-lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình đề ra quyết tâm xây dựng Hoa Lư - Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ, nằm trong mục tiêu chung đưa tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương.

Ninh Bình hướng tới trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ - Anh 1

Ninh Bình hội đủ những điều kiện để xây dựng “Đô thị di sản” trong tương lai

Là một vùng đất cổ có con người cư trú từ hơn 30 nghìn năm trước, đặc biệt, vào thế kỷ thứ X, Ninh Bình là Kinh đô của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam. Hiện nay, với việc lưu giữ được nhiều nét kiến trúc, văn hóa kinh kỳ độc đáo, cùng những giá trị địa chất, địa mạo nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An… Ninh Bình hội đủ những điều kiện để xây dựng “Đô thị di sản” trong tương lai.

Ninh Bình cũng là nơi hội tụ, giao thoa văn hóa và tôn giáo theo nghĩa nhân văn nhất. Mảnh đất này là chứng tích của những con người đất Việt với những đức tin tôn giáo khác nhau, sống hòa hợp, yên bình, tương kính và nhân văn. Ninh Bình cũng là vùng đất có tài nguyên địa hình đa dạng, phong phú và vô cùng hấp dẫn trên nền cảnh quan đặc sắc cùng bề dày lịch sử văn hóa nhân loại cũng như lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam, có một nền văn hóa Kinh kỳ-Đô hội còn tiếp nối, vang vọng đến ngày hôm nay". Trong suốt hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc ta, vùng đất Ninh Bình luôn là địa bàn chiến lược, ghi dấu những mốc lịch sử hào hùng về bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Hiện nay, dấu tích của Cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư là một trong 4 vùng lõi thuộc Quần thể danh thắng Tràng An với hai yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên, đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào năm 2014, là di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất tại khu vực Đông Nam Á; đồng thời, được Tổng Giám đốc UNESCO đánh giá là một trong những mô hình mẫu mực, điển hình về kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.

Ninh Bình hướng tới trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ - Anh 2

Sự hội tụ các giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, di sản kiến trúc là những yếu tố cơ bản để Ninh Bình trở thành một “Đô thị di sản”

Ngày 23.8.2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2030. Trong đó có mục tiêu đến năm 2025: "Thực hiện hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, đồng thời sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gắn với định hình tính chất đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là Đô thị di sản, dựa trên các giá trị độc đáo về địa tự nhiên-sinh thái, văn hóa-lịch sử, sở hữu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đồng thời, hoàn thiện các tiêu chí công nhận đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là đô thị loại I trực thuộc tỉnh" và mục tiêu: "Hướng tới xây dựng tỉnh Ninh Bình cơ bản đáp ứng các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030".

Theo đó, thành phố Hoa Lư trong tương lai sẽ bao trùm gần như toàn bộ phạm vi Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình. Thành phố mới sẽ có gần 30% là diện tích vùng lõi Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

Phát biểu tại Hội nghị khoa học "Bàn về Đô thị di sản thiên niên kỷ và hàm ý chính sách cho tỉnh Ninh Bình diễn ra vào tháng 12.2023 vừa qua, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nêu lên nhiều cơ sở để xây dựng thành phố Ninh Bình là Đô thị Di sản - du lịch và phong cảnh. Đó là: Tài nguyên thiên nhiên, Di sản Thiên nhiên "độc nhất vô nhị;" Di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nhân văn tiêu biểu có nhiều khả năng phát huy trên nền di sản văn hóa, lịch sử dân tộc; thành phố Ninh Bình và vùng phụ cận nằm trong vùng văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, kết nối với nhiều khu vực. Đặc biệt, thành phố Ninh Bình còn nhiều khả năng cho việc kiến tạo một mô hình mới, khác lạ và đặc biệt. Tương tự, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn khẳng định: Việc Ninh Bình lựa chọn phát triển trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ ở thời điểm hiện nay là đúng, trúng và phù hợp với thực tiễn cũng như các quan điểm, định hướng của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng; thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, về quản lý và phát triển đô thị ở các địa phương có di sản Cố đô, sở hữu danh hiệu di sản thế giới của Tổ chức UNESCO.

Cùng với xu thế phát triển đô thị trên thế giới, sự lựa chọn của Ninh Bình phát triển trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ là hướng đi để thoát khỏi mô hình đô thị hóa đơn nhất dạng nén đang gặp nhiều thách thức ở Việt Nam cũng như toàn thế giới hiện nay. Đồng thời hướng đến mô hình đô thị có hàm lượng văn hóa cao, có đời sống đô thị giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành, có nhịp sống hợp lý, làm giàu bằng kinh tế trí thức.

Ninh Bình hướng tới trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ - Anh 3

Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Đây cũng là di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á

Tại buổi tiếp và làm việc với Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Jonathan Baker sáng 19.1.2024, Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn chia sẻ những kết quả nổi bật sau 10 năm được UNESCO ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, nhất là những biện pháp mà Ninh Bình đã phục dựng, phát huy những giá trị di sản. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy cũng thông tin về một số định hướng lớn của tỉnh, trong đó nhấn mạnh: Tỉnh đang tập trung xây dựng Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Trong thời gian tới, Ninh Bình mong muốn Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tiếp tục có sự giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ cùng với tỉnh Ninh Bình để tham vấn xây dựng Hiến chương hoặc Tuyên ngôn của Tràng An.

Bí thư Tỉnh ủy cho biết đề xuất này có thể được coi là một sáng kiến, xuất phát từ ý nghĩa của việc bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo, vô cùng quý hiếm của một đô thị di sản đang đứng trước những thách thức vô cùng lớn, nhất là những thách thức trong phục dựng, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản; thách thức của đô thị nén, đô thị bê tông hóa; thách thức của biến đổi khí hậu, thách thức từ việc giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn với phát huy giá trị di sản, đặc biệt là sức chịu tải của di sản trước nhu cầu phát triển du lịch.

Bày tỏ ấn tượng về những thành tựu mà Ninh Bình đạt được trong suốt chiều dài lịch sử và những kết quả sau 10 năm được UNESCO ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, ông Jonathan Baker đánh giá cao chiến lược xây dựng Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ, nhất là trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang đứng trước những thách thức lớn về biến đổi khí hậu, có tác động lớn đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản.

Ủng hộ sáng kiến của Ninh Bình trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản, trong đó có việc đề xuất xây dựng Hiến chương Tràng An, ông Jonathan Baker khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ và đồng hành với Ninh Bình cùng hiện thực  hóa những chiến lược và khát vọng xây dựng Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ.

Rõ ràng, việc xây dựng Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ là đúng với đường lối, chủ trương của Đảng, nhận được sự đồng thuận của người dân, các Bộ, ban, ngành và các tổ chức quốc tế. Có thể nói, mục tiêu trên là phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Ninh Bình và xu thế phát triển chung trên toàn thế giới.

THU LAN

Ý kiến bạn đọc